.

Duyên nghèo… phận bạc!

Thứ Năm, 19/10/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Người mẹ của 5 đứa con ở thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn trò chuyện cùng chúng tôi trong nước mắt, chị bảo: “Phận của tôi quá bạc hay sao ấy mà ông trời không thương, ba con gái đầu sinh ra đều bị tật nguyền, bây giờ đến lượt chồng mắc bệnh ung thư. Làm sao cất mặt lên được!”

Chị tên Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1974, nên duyên vợ chồng với anh Trần Văn Phượng, sinh năm 1972. Quê nghèo, gia đình nghèo, cả hai ra riêng cất lên một ngôi nhà nhỏ tại thôn Tiên Phong làm tổ ấm cho riêng mình và đón chờ những đứa con lần lượt ra đời. Anh Phượng làm nghề thợ mộc, chuyên làm công cho mọi người nhưng đến khi anh ngã bệnh, phát hiện mình bị ung thư cũng chưa kịp đóng cho ngôi nhà nhỏ của mình cánh cửa mở ra, khép vào sớm hôm.

Công việc ngày thường của ba chị em Lan, Hương và Thương.
Công việc ngày thường của ba chị em Lan, Hương và Thương.

Hôm chúng tôi về thăm, trao chút tiền quyên góp của những tấm lòng hảo tâm ở thành phố Hồ Chí Minh giúp chị Hạnh có thêm kinh phí thuốc thang cho con thì anh Phượng đang một mình chống chọi với căn bệnh ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hỏi chị Hạnh sao bỏ chồng một mình, chị nghẹn lời: “Chừ biết mần răng, ba đứa con gái lớn trong nhà tật nguyền, tâm tính ngơ ngáo phải có người lớn kiểm soát. Bởi thế, hai vợ chồng động viên nhau để tôi quay về nhà trông con”.

Chị Hạnh chỉ cho chúng tôi ba thiếu nữ đang ngồi đan nón nơi góc nhà. Thoáng nhìn, thấy các em rất hồn nhiên, ngó khách lạ cười rấm rích với nhau. Cả ba thiếu nữ đều rất xinh đẹp. “Cả ba đứa bị câm điếc bẩm sinh và mắc bệnh tiểu đường nặng”, lời chị Hạnh như xát muối vào lòng khách. Lần lượt họ tên ba cô con gái: Trần Thị Lan, sinh năm 1995; Trần Thị Hương, sinh năm 1998; Trần Thị Thương, sinh năm 2001. Lan và Thương bị tiểu đường típ hai; Hương bị tiểu đường típ ba. Hàng tháng, chị Hạnh cùng các con đón xe đò vào Trung tâm Phòng chống sốt rét- Nội tiết tỉnh để tiêm Insulin. Cảm cảnh câu chuyện gia đình chị Hạnh, các y bác sỹ tại trung tâm của ít lòng nhiều thường góp tiền lại giúp bốn mẹ con trả tiền xe cộ đi về. Bây giờ, anh Phượng bệnh nặng, điều kiện khó khăn, neo người, chị Hạnh phải vào trung tâm một mình xin thuốc Insulin về tự tay tiêm cho các con.

Ngoài ba con gái đầu tật nguyền, vợ chồng chị Hạnh sinh thêm tiếp hai đứa nữa, Trần Văn Phưởng, sinh năm 2007 và Trần Thị Hiền, sinh năm 2008. Rất may cả hai đều bình thường. “Những năm đầu khi ba con gái lần lượt ra đời chung số phận câm điếc, vợ chồng cố gắng tảo tần làm thuê, làm mướn nuôi con. Nhìn con, không ai bảo ai nhưng đều chung suy nghĩ, thèm được nghe một tiếng gọi mạ, ba. Vậy là tôi cứ van vái đất trời xin thêm đứa nữa. Có lẽ, ông trời thấu hiểu nên hai cháu Phưởng, Hiền biết gọi ba, mạ, ngoan ngoãn... mặc dù sức khỏe rất yếu so với đồng trang, đồng lứa”.

Chia tay chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hạnh day dứt: “Mai này tuổi cao sức yếu... các con nhỏ dại, tật nguyền lấy ai nuôi nấng, dạy bảo. Duyên tôi bạc rồi, mong cộng đồng dang rộng vòng tay nhân ái, yêu thương, giúp đỡ các cháu. Được như vậy tôi mới thanh thản”.

Anh Trần Văn Phượng làm thợ mộc, chị Hạnh ở nhà lo 2 sào ruộng, mỗi vụ thu hoạch chừng 5 tạ thóc. Bắt đầu từ năm 2016, ba chị em Lan, Hương, Thương được hưởng trợ cấp 405 nghìn đồng/tháng. Năm 2017, xã Quảng Tiên cắt diện hộ nghèo gia đình chị Hạnh. Mới đây, trong lần bình xét hộ nghèo năm 2018, gia đình mới được xét lại. Nghe tin này, chị Hạnh mừng vì riêng chuyện hàng tháng lo thuốc thang cho ba con gái đã hết tiền, của rồi huống chi anh Phượng, trụ cột chính trong gia đình lại bị bệnh nan y.

Từng có thời gian theo học văn hóa tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch khoảng một năm, sau đó ba chị em Lan, Hương, Thương bệnh tiểu đường phát nặng, gia đình phải đưa về nhà chăm sóc. Ba cô con gái đang tuổi dậy thì, tâm tính không như người bình thường, một tay chị Hạnh phải lo toan tất cả từ cái ăn, cái mặc đến việc vệ sinh hàng ngày.

Đến thăm gia đình chị Hạnh, chúng tôi thấy ba thiếu nữ câm điếc, bệnh tật Lan, Hương, Thương chú tâm vào công việc đan nón. Mẹ Hạnh sau khi đón các con từ Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch về, tập cho các con công việc này. Mỗi ngày, nếu siêng năng mỗi em đan được 3 cái nón, mỗi cái bán với giá 7.500 đồng. Đó là siêng năng... còn đôi lúc tùy hứng, các em bỏ việc chạy đi chơi, nghênh ngang khắp làng, mẹ Hạnh lại phải đi tìm đem về.

“Cuộc sống gia đình từ ngày anh Phượng lâm trọng bệnh đã khổ nay càng khó khăn hơn. May mắn mấy mẹ con được sống trong tình yêu thương của cộng đồng, các cấp chính quyền và nhiều tổ chức, đoàn thể. Nhờ đó, tôi có thêm nghị lực, niềm tin để sống, bươn chải nuôi con, nuôi chồng vượt qua đau ốm, tật nguyền. Vì chồng con, tôi không bao giờ cạn hy vọng”, chị Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.

Mọi sự đóng góp, giúp đỡ cho gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh xin gửi theo địa chỉ:

Nguyễn Thị Hạnh, thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

hoặc Báo Quảng Bình: đường Trần Quang Khải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Điện thoại: 0232.3838868.

Thanh Long