.
Chuyện quản lý:

Xoa dịu mặc cảm bằng tấm lòng nhân ái

Thứ Ba, 31/10/2017, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi chấp hành xong án phạt tù, nhiều người cứ nghĩ cuộc đời của mình đã chính thức khép lại. Họ mặc cảm với quá khứ để mang theo nỗi day dứt khi hòa nhập với cộng đồng.

Do vậy, không ít người vì thiếu bản lĩnh cùng với sự lôi kéo của kẻ xấu đã phạm tội trở lại để trở thành gánh nặng cho người thân và cộng đồng xã hội. Với truyền thống nhân ái của dân tộc cùng các chính sách an sinh xã hội, chính quyền các cấp luôn có nhiều giải pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Trong đó, Nghị định 80/2011/NĐ-CP là một trong những chủ trương như thế. Ra đời cách đây hơn 7 năm, Nghị định đã nêu rõ các điều kiện, biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù và trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan.

Thực hiện chủ trương này, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã giang tay đón nhận người lầm lỡ trở về cộng đồng bằng những việc làm thiết thực, như: mô hình “5+1” của thị trấn nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy), “4 giữ” của xã Đại Trạch (Bố Trạch), “Trẻ xông pha, già chung sức” của Công an huyện Lệ Thủy, “Thắp sáng niềm tin” và “Vững bước đi lên” của xã Trung Hóa (Minh Hóa)...

Ngoài ra, công tác giáo dục, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù cũng đã được các ban, ngành quan tâm thực hiện.

Với sự đồng bộ và nhịp nhàng trong việc thực hiện chính sách tái hòa nhập cộng đồng cho người lầm lỡ, toàn tỉnh đã gặt hái được những thành quả rất đáng ghi nhận. Đó là, từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2017, cộng đồng đã tiếp nhận gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, trong đó đã giúp đỡ cho gần 400 người có việc làm, ổn định cuộc sống. Nhiều người đã tích cực rèn luyện để xóa bỏ mặc cảm cùng với sự giúp đỡ của xã hội để phát triển mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, có người còn được tín nhiệm giữ các chức vụ đoàn thể...

Chính nhờ sự thấu hiểu và chia sẻ đó, nên tỷ lệ người tái phạm hàng năm giảm mạnh. Nếu như năm 2011, tỷ lệ này là 4,3%, thì đến những tháng đầu năm 2017 chỉ còn 2,1%. Phát huy những thành tích này, sắp tới Công an huyện Lệ Thủy sẽ được hướng dẫn để thành lập “Qũy xã hội hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” nhằm góp phần giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Và nếu quỹ hoạt động hiệu quả sẽ được nhân rộng ra các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tin rằng, với những tấm lòng nhân ái, bao dung cùng những chủ trương, chính sách của Nhà nước, cộng đồng sẽ tiếp tục mở rộng vòng tay đón nhận những người lầm lỡ trở về với nẻo thiện.

Minh Văn