.

Bất cập thực hiện chính sách đối với lao động nữ

Thứ Bảy, 28/10/2017, 19:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm mang lại nhiều cơ hội và cải thiện quyền lợi cho lao động nữ (LĐN), ngày 1-10-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về chính sách đối với LĐN. Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta, vấn đề này vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đầy đủ...    

Thiệt thòi trong thụ hưởng chính sách

Bên cạnh những quy định cũ, Nghị định 85 bổ sung thêm những quyền lợi, chính sách mới mà LĐN được thụ hưởng. Cụ thể, người sử dụng lao động phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện các giải pháp để LĐN có việc làm thường xuyên, chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của LĐN. Khi khám sức khỏe định kỳ, LĐN được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. Trong thời gian “đến tháng”, LĐN được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày trong tháng, thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương. Thời gian nuôi con dưới 12 tháng, LĐN được nghỉ mỗi ngày 60 phút để vắt sữa, trữ sữa và nghỉ ngơi. Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, phù hợp với nhu cầu của LĐN và khả năng của người sử dụng lao động. LĐN mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho LĐN bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức hỗ trợ do hai bên thỏa thuận...

Quyền lợi của lao động nữ tại các công ty vẫn chưa được bảo đảm.
Quyền lợi của lao động nữ tại các công ty vẫn chưa được bảo đảm.

Nghị định đã có những quy định chi tiết, cụ thể, nhưng trên thực tế, việc thực hiện luật này còn nhiều hạn chế. Làm nhân viên tại một doanh nghiệp ở huyện Bố Trạch đã nhiều năm, nhưng chị Hoàng Thị Loan không biết mình được nghỉ 30 phút khi tới ngày “đèn đỏ” theo quy định hiện hành đối với LĐN. “Hiện nay, xin việc rất khó, nên khi được công ty nhận vào làm tôi chỉ quan tâm đến các khoản lương, thưởng, bảo hiểm xã hội... chứ không để ý những quy định và những chính sách ưu tiên dành cho mình. Mà nếu biết có quy định này, tôi cũng không dám đứng lên đòi quyền lợi bởi đây là chuyện tế nhị của phụ nữ”, chị Loan cho hay. Cũng như trường hợp của chị Loan, chị Trần Thị Mai, công nhân một công ty may ở huyện Quảng Ninh, cũng tỏ ra khá ngạc nhiên khi biết luật quy định những công nhân đang nuôi con nhỏ như chị được nghỉ thêm 60 phút cho con bú. Hiện, công ty có khá nhiều phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhưng không một ai được nghỉ thêm giờ mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) cho biết, trước đây chị làm công nhân tại công ty gạch H.H đóng trên địa bàn huyện. Trong thời gian 8 tháng mang thai, chị vẫn làm việc bình thường như những lao động khác chứ không được hưởng ưu đãi nào theo quy định. Lịch khám thai định kỳ cũng là các chị tự đổi ca cho nhau để đi chứ công ty không cho nghỉ, nếu nghỉ thì coi như ngày đó không được chấm công. Còn đối với trường hợp của chị Nguyễn Thị Tâm đang làm công nhân ở một công ty may trên địa bàn thành phố Đồng Hới, nhu cầu nhà trẻ là điều cấp thiết. Chỗ làm không có nhà trẻ, nên chị phải gửi con ở nhà trẻ tư nhân khi con mới được 12 tháng tuổi. Ngày nào chị cũng phải tất tả ngược xuôi vừa đi làm vừa chạy về đón con cho kịp thời gian. “Nhiều lúc tôi chạy thục mạng vẫn không kịp giờ đón con vì chỗ gửi trẻ khá xa. Không riêng gì tôi mà nhiều chị trên công ty cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Không biết đến bao giờ, công ty chúng tôi làm mới có nhà trẻ để gửi con cho yên tâm”, chị Tâm giãi bày.

Vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm

Nhiều lao động nữ phải sống trong những khu nhà trọ chật hẹp vì thu nhập còn thấp.
Nhiều lao động nữ phải sống trong những khu nhà trọ chật hẹp vì thu nhập còn thấp.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, tổng số nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động (đơn vị có tổ chức công đoàn) trên địa bàn tỉnh là 63.173 người. Trong đó, nữ đoàn viên công đoàn là 30.204 người, chiếm tỷ lệ 54,55%. Tình hình việc làm của LĐN tại các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định, tiền lương bình quân đạt từ 2,5-3triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp làm ăn khó khăn nên đời sống của người lao động nói chung, LĐN nói riêng cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng nợ hoặc chậm đóng BHXH kéo dài, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã ảnh hưởng đến quyền lợi và việc giải quyết các chế độ chính sách LĐN. Vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân cũng như các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa của công nhân, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp còn khó thực hiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có đến 90% các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định được nêu trong Nghị định 85 về quyền lợi và các chính sách mà LĐN được thụ hưởng. Chị Dương Thị Hải, Phó Trưởng ban Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nào có phòng vắt sữa, trữ sữa mẹ cho LĐN như quy định. Phần lớn các doanh nghiệp cũng chưa có nhà trẻ để cho LĐN gửi con, nếu có thì cũng đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu.

Để việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi LĐN được quan tâm hơn, thiết nghĩ các cấp công đoàn cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên môn quan tâm bảo vệ quyền lợi LĐN. Công đoàn cơ sở cần theo dõi việc thực hiện thoả ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp; tuyên truyền Bộ luật Lao động, Luật BHXH... để công nhân nắm và hiểu luật. Để xây dựng công trình phúc lợi cho LĐN giúp họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về việc tạo quỹ đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn ưu đãi để mua nhà, hỗ trợ tiền gửi con cho LĐN có con nhỏ... Cùng với đó, các doanh nghiệp cần quan tâm, tạo điều kiện việc làm, thu nhập, chế độ chính sách riêng cho nữ công nhân.

Lan Chi