.

Bản Lòm... Trung thu đến sớm

Thứ Tư, 04/10/2017, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến hẹn lại lên… vào dịp Tết Trung thu, chương trình “Ánh trăng biên giới- Sẻ chia yêu thương” của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện (CLB TNVĐHMTN) Quảng Bình, trực thuộc Hội CTĐ tỉnh lại lên đường đến với trẻ vùng cao. Năm nay, địa điểm được chọn là bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa.

Nếu tính khoảng cách, từ thành phố Đồng Hới đến khu vực Lòm khoảng chừng 150 cây số, nhưng đường từ quốc lộ 12A vào Lòm lại rất gian nan. Sau bão số 10, tuyến độc đạo này nhiều đoạn bị sạt lở, sụt lún. Để có một cái Tết Trung thu chu đáo, đủ đầy tình yêu thương cho hơn 300 trẻ dân tộc Mày vùng Lòm là cả một quyết tâm lớn đối với các tình nguyện viên (TNV) trong CLB TNVĐHMTN Quảng Bình. Ngày xuất phát, nhằm ngày mưa, càng đi sâu vào khu vực biên giới, mưa càng nặng hạt, Phó Chủ nhiệm CLB Mai Thanh Phúc động viên các bạn: “Cố gắng vượt nắng, thắng mưa, những đứa trẻ dân tộc Mày đang chờ chúng ta đem quà trung thu đến”.

Chuẩn bị mâm cổ Trung thu cho trẻ.
Chuẩn bị mâm cỗ Trung thu cho trẻ.

Mai Thanh Phúc cho biết thêm: “Đến thời điểm hiện tại, CLB đã tổ chức thành công ba chương trình Ánh trăng biên giới- Sẻ chia yêu thương tại các bản làng dân tộc khu vực biên giới từ Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch qua PLoang, Rìn Rìn, xã Trường Sơn, vào đến Eo Bù- Chút Mút, xã Lâm Thủy và lần này là bản Lòm, xã Trọng Hóa. Qua thành công những lần tổ chức trước, sức lan tỏa chương trình Ánh trăng biên giới- Sẻ chia yêu thương rộng khắp cả nước thông qua mạng xã hội nên lần này chương trình có sự tham gia của các TNV đến từ thủ đô Hà Nội. Ngoài tổ chức Trung thu cho trẻ, CLB còn hỗ trợ thêm 71 suất quà cho các hộ dân vùng Lòm bị thiệt hại lớn do bão số 10 gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, muối, áo quần…”

Xuất phát tại thành phố Đồng Hới 6 giờ sáng, đến 14 giờ chiều các TNV mới đặt chân đến vùng Lòm. Biết tin đoàn lên, loáng cái đã thấy bà con dân bản tập trung tại điểm trường bán trú TH và THCS Lòm. Đặc biệt, những đứa trẻ chân đất, đầu trần, tóc cháy khét nắng cứ sàn sàn tuổi nhau chen chật cứng khoảng sân trường.

Đêm biên giới xuống nhanh, mưa biên giới quất ràn rạt xuống những ngôi nhà sàn bé nhỏ, một chút lo lắng thoáng qua trong ánh mắt các bạn tình nguyện viên, Đại úy Phan Anh Dũng, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai nhìn trời sốt ruột không kém các bạn trẻ: “Không khéo trời làm mưa cả đêm. Nếu vậy e… bể chương trình”. “Không, dù có mưa to đến đâu cũng phải tổ chức, càng phải đầy đủ như kịch bản, chú Cuội, chị Hằng kể cho trẻ biết về sự tích Tết Trung thu, rước đèn ông sao, múa lân phục vụ các cháu và cuối cùng là phá cỗ đêm rằm Trung thu”- Mai Thanh Phúc quyết tâm.

Màn múa lần của các TNV nhận được sự cổ vũ của bà con dân bản
Màn múa lần của các TNV nhận được sự cổ vũ của bà con dân bản

Đêm Trung thu sớm ấm tình bắt đầu dưới ánh đèn lúc sáng, lúc mờ được phát từ chiếc máy nổ TNV mang theo. Mâm cỗ Trung thu mở ra, chú Cuội, chị Hằng xuất hiện trong tiếng hò reo của trẻ nhỏ. 300 chiếc đèn ông sao và những phần quà Trung thu được các TNV trao tận tay từng đứa trẻ. Giữa tiếng trống thúc giục, ông Địa tay cầm quạt mo dẫn hai chú lân đội mưa lừng lững tiến về trước khán đài. Màn lúa lân được các TNV tập khá công phu qua các năm bây giờ mới có cơ hội phát huy sở trường. Cả sân trường rạo rực hẳn lên, tiếng vỗ tay cổ vũ mỗi lần các chú lân phun ra từng ngọn lửa sáng rực… Tiếng trống dứt, hai chú lân lui vào hậu trường khá lâu mà bà con dân bản cùng lũ trẻ tiếc ngẩn, tiếc ngơ. Cô bé Hồ Thị Xiên bảo với tôi: “Lần đầu tiên cháu biết đến cái Tết Trung thu như thế này”. Cậu bé Hồ Khoái bám theo hai chú lân mân mê từng sợi râu lân nghịch ngợm: “Giá như mấy chú múa lân lâu hơn. Quà Trung thu, bánh kẹo, đèn ông sao chúng cháu thích… nhưng cái bụng vẫn ưng biểu diễn múa lân nhiều hơn”.

Già làng Hồ Mãn ngoài 80 tuổi, râu tóc bạc trắng thời gian, già ngồi ở ghế đại biểu luôn tay vuốt vuốt chòm râu ra chiều đắc ý lắm, già nói thiệt lòng: “Tao sống hết trọn đời người tại vùng Lòm này, chừ mới thấy múa lân huống chi là dân bản, huống chi là lũ trẻ sinh sau, đẻ muộn. Cám ơn các con, người Mày bản Lòm không bao giờ quên đêm Trung thu này đâu”.

Ngoài tổ chức tết Trung thu cho trẻ, 72 suất quà được trao cho đồng bào.
Ngoài tổ chức Tết Trung thu cho trẻ, 72 suất quà được trao cho đồng bào.

Bạn gái Bùi Thị Thanh Hiền, thủ lĩnh đội thiện nguyện đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Lúc sáng, thấy đường vào quá gian nan, nguy hiểm, bên đèo cao, bên dốc sâu, chúng em thấy sợ… vì có bao giờ được trải nghiệm ở những nơi xa xôi, hẻo lánh thế này đâu. Nhưng khi bắt tay cùng CLB TNVĐHMTN Quảng Bình tổ chức thành công đêm hội trăng rằm cho trẻ, phát quà cho bà con, mới thấy hết ý nghĩa. Tuổi trẻ cần phải đến những nơi này, để cùng nhau nhóm lên ngọn lửa yêu thương”.

Chương trình Ánh trăng biên giới- Sẻ chia yêu thương khép lại bằng bài hát “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, vòng tròn yêu thương cứ kết nối mãi chẳng muốn rời xa. Hẹn một Trung thu kế tiếp với vùng Lòm vời vợi xa. Đêm biên giới, người Mày tha thiết câu chào từ biệt “Bành xoanh!” (tạm biệt, chúc sức khỏe).

Ngô Thanh Long