.

Tích cực dạy nghề tạo việc làm cho hội viên phụ nữ

Thứ Sáu, 22/09/2017, 06:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, bằng nhiều giải pháp, Hội LHPN TP.Đồng Hới đã thực hiện hiệu quả mô hình kết nối giữa dạy nghề, hỗ trợ vốn với tư vấn, giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ. Nhờ đó hội viên tăng thu nhập, nỗ lực phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ những cách làm hay...

Đầu năm 2017, Hội Phụ nữ xã Bảo Ninh đã ra mắt tổ hợp tác đan vá lưới tại 2 thôn Hà Thôn và Hà Dương với 34 thành viên tham gia. Đến nay, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hội viên từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Thành công từ mô hình làm điểm, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em tiếp tục nhân rộng. Hiện nay, toàn xã đã có thêm 4 mô hình tổ hợp tác đan vá lưới tại các thôn Trung Bính, Sa Động, Mỹ Cảnh và Đồng Dương với trung bình 15-20 thành viên/tổ.

“So với các nghề thủ công nghiệp ở các địa phương, nghề đan vá lưới vừa tận dụng thời gian nhàn rỗi, vừa có thu nhập khá cao và ổn định. Đặc biệt, các nhóm phụ nữ khi tham gia vào tổ hợp tác đan vá lưới đã được chuyển đổi nghề nghiệp và kỹ thuật. Nhờ đó, hội viên nâng cao kiến thức, năng lực cũng như kỹ năng áp dụng vào thực tế.

Chính vì vậy, mô hình đã thu hút đông đảo chị em tham gia, góp phần thiết thực xây dựng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhất là sau sự cố môi trường biển...”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bảo Ninh nhấn mạnh.

Cùng với hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho hội viên, các cấp Hội Phụ nữ TP.Đồng Hới cũng đã vận động chị em tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Nhận thấy vùng đất đồi Cồn Chùa có thể trồng được một số loại cấy ăn quả có giá trị kinh tế, năm 2015, Hội Phụ nữ phường Đồng Sơn đã tiến hành khảo sát nhu cầu và triển khai tập huấn kỹ thuật trồng giống ổi lê Đài Loan cho một số hội viên trong Chi hội tổ dân phố Cồn Chùa. Song song, Hội thực hiện mô hình làm điểm tại gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, là một hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Bà Võ Thị Thẻo, Chi hội trưởng, Chi hội phụ nữ tổ dân phố Cồn Chùa chia sẻ, trồng ổi vốn đầu tư ít, nhưng tận dụng được đất vườn và sức lao động nhàn rỗi lại cho thu nhập khá nên ngày càng có nhiều hộ dân đã mua cây giống về trồng. Mặt khác, với ưu điểm là vỏ ổi láng, thịt màu trắng, ít hạt, giòn ngọt và thơm ngon nên ổi lê Đài Loan được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mô hình tổ hợp tác đan vá lưới ở xã Bảo Ninh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình tổ hợp tác đan vá lưới ở xã Bảo Ninh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau gần 3 năm thực hiện mô hình điểm, đến nay Chi hội đã có trên 20 hội viên phát triển được vườn ổi lê Đài Loan, trong đó mỗi hội viên có từ 20-100 gốc. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, các hội viên đã có thu nhập 10-15 triệu đồng, cá biệt có hội viên thu trên 40 triệu đồng.

Là một trong 35 học viên được tham gia lớp dạy nghề về trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap ở phường Bắc Lý do TP.Đồng Hới phối hợp với Trung tâm dạy nghề (Hội LHPN tỉnh) tổ chức, chị Nguyễn Thị Nhung bộc bạch, các học viên tham gia khóa học hầu hết là những hội viên, có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo.

Vì vậy, những kiến thức bổ ích, thiết thực tại lớp học sẽ giúp chị em có thể tự tin để thực hiện mô hình trồng rau an toàn tại gia đình, các trang trại hay tham gia những dự án có liên quan. Đây chính là nét nổi bật trong hoạt động dạy nghề của Hội LHPN TP.Đồng Hới.

Bởi, không chỉ góp phần tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo mà còn kết hợp công tác đào tạo nghề cho phụ nữ với việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, như: ưu tiên đào tạo cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật và phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng...

Sát cánh cùng hội viên

Chị Mai Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN TP.Đồng Hới khẳng định, thời gian qua, Hội LHPN thành phố luôn chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên trên địa bàn, nhất là phụ nữ các địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp, phụ nữ miền biển, phụ nữ làm nghề lao động tự do, bấp bênh...

Trước hết, các cấp Hội tổ chức các khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, trên cơ sở đó, chủ động đề xuất, phối hợp mở các lớp đào tạo nghề và xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ phù hợp với từng địa phương. Trung bình mỗi năm, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã chủ động và phối hợp tổ chức trên 30 lớp dạy, đào tạo nghề cho phụ nữ.

Từ năm 2013 đến nay, Hội đã mở 125 lớp dạy nghề nấu ăn, chế biến hải sản, chế biến thực phẩm, chăn nuôi, điều trị bệnh gia súc, gia cầm... cho trên 3.750 hội viên tham gia; tổ chức 264 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; 18 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh; tập huấn nghiệp vụ quản lý dự án vay vốn cho 156 lượt cán bộ và thành viên; duy trì và thành lập các mô hình dịch vụ gia đình thu hút 135 lao động nữ; tư vấn giới thiệu việc làm cho 205 lao động nhàn rỗi.

Chỉ tính riêng trong tháng 8 vừa qua, Hội đã chủ động và phối hợp mở 5 lớp dạy nghề chăn nuôi bò sinh sản, trồng nấm, trồng rau an toàn, nấu ăn, chế biến hải sản, đan vá lưới cho gần 200 hội viên phụ nữ ở các xã, phường Bắc Lý, Lộc Ninh, Bảo Ninh...

Từ những kiến thức, kỹ năng được học tập và chuyển giao, nhiều hội viên ở các xã, phường đã cùng với gia đình mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: mô hình trồng rau sạch, ổi sạch, VAC tổng hợp ở Bắc Nghĩa, Bảo Ninh, Bắc Lý, Đức Ninh, Đồng Sơn, Thuận Đức, Lộc Ninh; nuôi thủy sản ở Phú Hải; chế biến hải sản và đan vá lưới ở Bảo Ninh, Hải Thành; trồng cao su, keo và chăn nuôi bò ở Thuận Đức, Đồng Sơn, Quang Phú...

Các cấp Hội Phụ nữ thành phố còn chú trọng đến hoạt động giúp hội viên thoát nghèo bằng việc rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và triển, khai kịp thời các hình thức giúp đỡ về vốn, kiến thức, con giống, dạy nghề...

Đặc biệt, ngoài nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển chi nhánh Đồng Hới với tổng dư nợ gần 53 tỷ đồng, các cấp Hội còn huy động nguồn vốn nội lực từ hội viên phụ nữ thông qua các nhóm tín dụng - tiết kiệm với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng cho 11.337 lượt phụ nữ vay, trong đó có 4.195 lượt phụ nữ nghèo và có trên 85% phụ nữ vay vốn làm ăn có hiệu quả.

Nhờ vậy, trong thời gian qua đã có 247 hộ được các cấp Hội Phụ nữ thành phố đăng ký giúp đỡ có địa chỉ và có 173/173 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo bền vững.

N.L