.

Săn cá đêm

Chủ Nhật, 17/09/2017, 14:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Chỉ với một khẩu súng cao su tự chế, một đèn pin gắn ở súng và một túi đựng cá là thợ săn cá có thể đi hành nghề. Công việc săn cá đêm có nhiều vất vả nhưng mang lại niềm vui và thu nhập khá cho nhiều “xạ thủ”.

Sau nhiều lần hẹn, tôi đã có dịp theo một nhóm thợ 5 người ở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa tham gia săn cá đêm. Tối hôm đó, nhóm thợ quyết định đi săn ở khe Rào, một con nước không quá lớn ở vùng hạ nguồn đập Ba Nương chảy qua thị trấn Quy Đạt và xã Xuân Hóa.

Sau cơn lũ trái mùa, nước khe sâu, chảy mạnh và trong hơn. Hành trình săn cá bắt đầu từ vực nước bến Sú lên đến chân đập Ba Nương. Tại nơi xuất phát, mỗi người một nắm lá rì rì vò nát để lau kính đèn và kính lặn để nhìn rõ hơn. Theo anh Đinh Minh Tuấn, vùng nước này cá khá nhiều, nhưng nhỏ, chủ yếu là cá rô và cá lóc. Ở đây, thỉnh thoảng xuất hiện một vài đoàn đến săn. Nếu đoàn nào đến sớm nhất, săn trúng ngày nước trong, mỗi người có thể kiếm được khoảng 2 đến 3kg cá trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ.

Đêm vùng cao tĩnh mịch, cả 5 thợ săn cá dàn hàng ngang lội bì bõm dưới nước. Kính đeo trên đầu, thợ săn cá một tay cầm súng gắn đèn, một tay cầm túi đựng cá, chân đi dép rọ hoặc chân trần. Tiến đến vực sâu, cả 5 người bắt đầu lặn để tìm bắn cá dưới đáy khe. Tôi đứng trên bờ nhìn thấy ánh sáng từ 5 chiếc đèn liên tục ngụp lặn trong dòng nước trong vắt. Sau 2 đến 3 lượt lặn, họ lại mang lên khi thì con cá rô, khi thì cá lóc bỏ vào túi và tiếp tục lặn. Vừa bắn được con cá rô mang lên cho tôi xem, anh Phạm Đức Lĩnh, người có thâm niên săn cá hơn 3 năm nói vội: “Cá vùng này khá nhiều, vì dưới đáy khá nhiều phân cá. Nhưng có lẽ đoàn mình đến sau nên thỉnh thoảng chỉ gặp vài con cá rô thôi!”.

Khoảng 30 phút ngụp lặn dưới đáy khe, những thợ săn cũng chỉ kiếm được vài con cá rô chừng bằng bàn tay. Họ di chuyển đến vực Khoang Đông, đây là vực nước dài, rộng và sâu nhất trong hành trình săn cá tối hôm đó. Trước khi lặn, anh Tuấn nói với anh em trong đoàn rằng: “Vực này khả năng có cá to, anh em lặn từ từ và tìm kiếm thật kỹ nhé”. Vừa dứt lời, cả 5 thợ lặn giàn hàng ngang ngụp xuống nước. Trên mặt nước chỉ còn lại những vệt sáng mờ ảo giữa màn đêm.

 Một thợ lặn vừa bắn được cá trong đêm.
Một thợ lặn vừa bắn được cá trong đêm.

Sau hơi lặn đầu tiên, chỉ có một người bắn được con cá rô và vang lên giọng của một thợ săn: “Lại đây, có con cá chép khá lớn đang bơi quanh một tảng đá”. Ngay lập tức, cả nhóm tập trung đến vây quanh khu vực có cá rồi lặn xuống. Tôi đứng trên bờ hồi hộp theo dõi. Hơn một phút sau, tiếng của anh Đinh Minh Tứ vọng lên: “Được rồi, con cá chép nặng hơn kg đó”. Nói xong, anh bơi vào chỗ nước cạn, tay cầm lấy đầu nhọn khẩu súng giơ lên. Tiếp tục lặn tại vực này, đoàn đã bắn được hàng chục con cá rô, cá lóc, cá trê lớn nhỏ khác nhau. Bắn tiếp ở các vực khác đến chân đập Ba Nương, mỗi “xạ thủ” kiếm được người khoảng 1,5kg cá các loại trong vòng khoảng hai giờ đồng hồ.

Anh Đinh Xuân Tính, một thợ săn cá cho biết: “Tại hôm nay mình đi sau đoàn nào đó nên cá ít quá, chứ có hôm được hơn chục cân!”. Theo lời các thợ săn, nghề bắn cá đêm cũng lắm vất vả, nhưng đó là niềm vui, cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình thợ săn. Trong nhóm của anh Tuấn có anh Phạm Đức Lĩnh là thợ săn có tiếng khắp huyện. Bởi anh có sức khỏe tốt, mỗi hơi anh lặn dưới nước gần 2 phút. Điều quan trọng là anh có kinh nghiệm săn cá lâu năm và có thể lặn được những chỗ vực sâu. Anh Lĩnh cho hay: “Muốn săn được nhiều cá to phải lặn những vực sâu, rộng, dài. Nhưng lặn ở đó rất vất vả, nguy hiểm. Bởi những chỗ nước sâu, phải chịu một áp lực rất lớn có thể làm tai ù hoặc chảy máu. Những chỗ sâu 4 đến 5m nước thường rất lạnh nên không phải ai cũng lặn được”.

Với tài săn cá những chỗ nước sâu, anh Lĩnh đã từng bắn hạ được nhiều con cá chép trên 2kg hoặc những con cá chình có giá trị từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Lĩnh, cá chình là loại rất ít gặp. Bởi loại cá này săn mồi vào ban đêm, nhưng khi có tiếng động là cá chui vào hang rất nhanh. Mỗi lần gặp cá chình nhưng không bắn được, anh thường khoanh vùng lại rồi hôm sau dùng câu, hoặc các loại lưới để săn bắt. Còn các loại cá khác gặp đèn đều dừng lại nên rất dễ săn bắn. “Chiến lợi phẩm” của những buổi đi săn chủ yếu là các rô, cá chép, cá lóc, cá trê. Hôm nào đi săn những con nước lớn ở vùng: Trung Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa..., các thợ săn có thể kiếm được mỗi người trên chục kg cá, nếu không gặp may cũng được từ 4 đến 5kg là chuyện bình thường.

Thượng tá Đinh Xích Thắng, Phó Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết, súng cao su của người dân tự chế, có mũi tên dùng bắn không có trong danh mục các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ bị cấm. Việc dùng loại súng này săn cá cũng chỉ là một nghề mưu sinh của nững người dân nghèo trên địa bàn”. Anh Đinh Minh Tuấn cho biết thêm: “Làm nghề săn cá đêm đầu tư công cụ ít, lại đạt hiệu quả cao. Nhờ nghề này mà nhiều người đã có tiền đong gạo ăn, nuôi con cái học hành”. Hiện ở huyện Minh Hóa, hầu hết các xã đều có người làm nghề săn cá đêm. Nghề này tuy vất vả, nhưng đó là một trong những phương thức săn cá đơn giản và hiệu quả cao.

Xuân Vương