.

Quảng Trạch: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, ổn định đời sống người dân

Thứ Bảy, 16/09/2017, 15:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Bão số 10 đi qua để lại hậu quả nặng nề cho huyện Quảng Trạch. Sau bão, huyện huy động tất cả mọi phương tiện, nhân lực, vật lực để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Khắp làng trên xóm dưới, người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường sá để sớm ổn định cuộc sống. Hệ thống các trường học trên địa bàn cũng đang được các thầy cô giáo nỗ lực dọn dẹp bùn đất, sớm đưa các em học sinh trở lại trường...

>> Tan hoang nơi tâm bão đi qua

>> Các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 10

>> Tan nát những cánh rừng…

Hai vợ chồng già cụ Phan Thanh Lợi (SN 1950), thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông quét dọn trong khi chờ nhờ người sửa lại mái nhà
Hai vợ chồng ông Phan Thanh Lợi (SN 1950), thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông quét dọn trong khi chờ người sửa lại mái nhà.

Quảng Trạch nơi tâm bão đi qua để lại thiệt hại nặng nề cho người dân. Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Quảng Trạch, toàn huyện có trên 16.880 ngôi nhà bị tốc mái; 13 nhà sập hoàn toàn; 1.300 nhà bị ngập nước; toàn bộ các công trình, trụ sở trên địa bàn đều bị hư hại. Bão số 10 đổ bộ gây hư hại và nhấn chìm hơn 200 tàu công suất nhỏ; 120ha rau màu hư hỏng; hệ thống thông tin, điện lực bị tê liệt.

Đặc biệt, hệ thống trường học trên địa bàn bị tốc mái, phòng ốc bị dột nước mưa khiến các em học sinh chưa thể sớm đến trường. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 6 người bị thương do bão nhưng may mắn không có thiệt hại về người. Xã bãi ngang Quảng Đông, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất vùng tâm bão đi qua. Sau bão, 100% ngôi nhà bị sập và tốc mái.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho hay bão tan, nhà cửa cũng tan hoang, vườn tược xơ xác, tiêu điều. Một số thôn như Vịnh Sơn, Minh Sơn cuộc sống của người dân đã khó càng thêm khó, lương thực thu hoạch sau vụ mùa hầu hết bị ướt sũng, nguy cơ thiếu đói đang hiện hữu.

Ngồi bần thần dưới căn nhà cấp 4 xiêu vẹo do bão số 10, toàn bộ đồ đạc, mấy tạ lúa ướt nhẹp vì nước mưa, ông Phan Thanh Lợi (SN 1950), thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông ngậm ngùi cho biết: "Tan tành hết rồi chú ơi, chẳng còn chi nữa cả. Bão đánh tan tành cả làng, mình thì tuổi cao sức yếu, giờ ai cũng lo sửa nhà, mình biết nhờ ai lợp lại mái để có chỗ ở đây. Biết làm răng chừ chú hè".

Còn bà Nguyễn Thị Phẩm (72 tuổi), thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông thì thở dài: "Nhà có cũng chẳng dám về ở vì sập mất một vách tường. Sợ nhất là mấy tạ lúa mới thu hoạch sau vụ màu giờ ướt sũng hết, mấy ngày tới không biết lấy chi mà ăn".

Để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân, huyện Quảng Trạch đã tập trung huy động tất cả các lực lượng, phương tiện nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Huyện đã phân công các đoàn công tác, tổ chức thăm hỏi những gia đình có nhà bị sập, bị thiệt hại trong mưa bão, đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu trùng khử độc nhằm tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các điểm trường để nhanh chóng ổn định công tác học tập cho thầy và trò trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương cho người dân dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt ưu tiên ở các trường học để bảo đảm các em học sinh nhanh chóng trở lại trường.

Bên cạnh đó, tập trung xử lý môi trường, phun thuốc khử trùng tránh để xảy ra dịch bệnh. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương, nhanh chóng thống kê các địa bàn bị thiệt hại để có hướng hỗ trợ, kiên quyết không để dân bị thiếu đói.

Ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Bình tại Quảng Trạch sáng 16-9:

Bão đi qua để lại cảnh tan hoang
Bão đi qua để lại cảnh tan hoang.
Người dân tất bật dọn dẹp, gia cố lại nhà cửa
Người dân tất bật dọn dẹp, gia cố lại nhà cửa.
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông gom nhặt lại đồ đạc bị ướt nước mưa
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông gom nhặt lại đồ đạc bị ướt nước mưa.
Tranh thủ mua ngói về lợp lại mái nhà
Tranh thủ mua ngói về lợp lại mái nhà.

X.Phú