.

Nước mắt người trồng cao su lại chảy

Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau gần 3 giờ quần thảo, cơn bão số 10 với sức gió trên cấp 12 đã tàn phá rừng cao su đang kỳ khai thác mủ của bà con nông dân xã Phú Định (Bố Trạch), để lại những thân cây gãy gục, trốc gốc rễ, đè lên nhau từng lớp. Một lần nữa nước mắt của hàng trăm hộ dân trồng cao su lại chảy...

>> Bão số 10 gây thiệt hại nặng tại huyện Minh Hóa

>> Người dân Tuyên Hóa xong bão lại lo tránh lũ

Cơn bão vừa dứt, chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Trung Định, xã Phú Định ra thăm vườn cây của mình mà sững sờ, chết đứng. Cả rừng cao su mới chỉ hôm qua đang còn xanh mướt, là nguồn thu nhập duy nhất nuôi sống cả gia đình chị, thế mà giờ cơn bão đã làm gãy từng vạt lớn; nhựa cao su trắng vẫn còn chảy ròng ròng...

Vườn cây cao su của chị Nguyễn Thị Hà bị gãy đổ sau cơn bão số 10.
Vườn cây cao su của chị Nguyễn Thị Hà bị gãy đổ sau cơn bão số 10.

“Để trồng được vườn cây này, nhiều năm qua gia đình tôi đã phải vay mượn khắp nơi. Vườn cây này cũng mới chỉ được đưa vào khai thác chưa đầy 2 năm, giá mủ cũng lên xuống thất thường nên chưa thu được bao nhiêu. Chắt bóp, tằn tiện chi tiêu chỉ đủ để trả nợ vay... Vậy mà bây giờ cơn bão lại làm gãy đỗ như vậy, gia đình tôi bây giờ không biết lấy nguồn từ đâu để trả nợ nữa.” - Chị Hà nói trong nước mắt.

Không riêng gì gia đình chị Nguyễn Thị Hà, vườn cây cao su của hàng trăm hộ dân khác ở xã Phú Định cũng bị cơn bão số 10 tàn phá, làm gãy đổ từng vạt lớn. Đứng lặng nhìn những hàng cao su nằm rạp sau bão, ông Nguyễn Văn Thông nghẹn ngào nói không thành tiếng: “Ông trời thiệt không có mắt, chẳng động lòng thương chi đến dân nghèo. Năm 2013, đã làm một cơn bão lớn, giờ một lần nữa lại nhằm vô bát cơm, miếng áo của nông dân chúng tôi càn tới càn lui... Thiệt là bát cơm bưng đưa tận miệng lại bị làm đổ đi...”

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình, ông Lê Thanh Khuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Định cho biết, Phú Định là một xã kinh tế mới của huyện Bố Trạch. Đã từ lâu, cây cao su được xem là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của xã và được bà con nông nhân nơi đây xác định là một loại cây không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn để làm giàu, là nguồn thu nhập chính của bà con.

Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định bên vườn cây cao su gãy đổ của một hộ dân
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định bên vườn cây cao su gãy đổ của một hộ dân

Theo ông Khuyến, những năm 2008 -2012, với hơn 1.000 ha cao su được đưa vào khai thác, hàng trăm hộ dân trồng cao su nơi đây đã có một nguồn thu nhập khá, có nhiều hộ thu mỗi ngày hơn một triệu đồng.

Đến tháng 10 năm 2013, một cơn bão mạnh đã quét qua xã Phú Định và làm gãy đổ gần 300 ha cao su của bà con. Sau cơn bão đó, bà con nông dân xã Phú Định đã không nản lòng và vẫn tiếp tục với việc phục hồi vườn cây cao su. Sau gần 3 năm gầy dựng lại, xã Phú Định vẫn duy trì được 870 ha cao su.

Thế nhưng, cơn bão số 10, sau hơn 3 giờ đồng hồ quần thảo đã làm gãy đổ hơn 200 ha cao su của bà con, đẩy hàng trăm hộ gia đình nơi đây vào cảnh trắng tay. Một lần nữa nước mắt người trồng cao su ở Phú Định lại chảy dài.

Mặc dù thời gian gần đây giá mủ cao su lên xuống thất thường, nhưng bà con nông dân xã Phú Định vẫn luôn thủy chung với cây cao su. Vậy nhưng mới trong vòng chưa đầy 5 năm, đã có 2 cơn siêu bão gây nên những thiệt hại nặng nề cho người trồng cao su. Không biết rồi đây, người dân Phú Định có còn mặn mà với cây cao su nữa không và biết lấy cây gì trồng để thay thế cho loài cây, một thời được người dân xem là vàng trắng này?!

Phan Phương