.

Hồi sinh làng nghề

Thứ Ba, 05/09/2017, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã hơn một năm sau sự cố môi trường biển do Formosa gây nên, đời sống của người dân làng biển Quảng Bình đã dần trở lại bình thường. Các làng nghề bị ảnh hưởng bởi sự cố cũng đã và đang dần lấy lại thế cân bằng, bình ổn sau biến cố không lường trước ấy. Với những người dân làng nghề, đây thực sự là một sự “hồi sinh” ngoạn mục.

Trở lại làng nghề nước mắm Nhân Nam (Nhân Trạch, Bố Trạch) sau hơn một năm xảy ra sự cố môi trường biển, chúng tôi không khỏi vui mừng vì làng nghề đã thực sự hồi sinh. Ngay từ sáng sớm khi ánh nắng bắt đầu lên, bà con đã nhanh chóng bắt tay vào công việc phơi, muối cá. Phảng phất trong gió biển mặn mòi, hương vị thơm ngon của mùi nước mắm cốt toả ra từ hàng trăm lu, vại xếp dày trong những khoảng sân.

Vào thời điểm khi sự cố môi trường biển xảy ra, hơn 400 hộ sản xuất nước mắm ở Nhân Nam rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Ngoài những mẻ nước mắm được chưng cất trước khi xảy ra vụ cá chết hàng loạt, hầu hết các hộ sản xuất của Nhân Nam đều không dám mua thêm cá về làm mẻ mới. Đã có lúc làng nghề như đi vào “ngõ cụt”, nhiều người buộc phải theo nghề khác để mưu sinh.

“Thời điểm đó đối với chúng tôi thực sự là rất khó khăn. Giờ thì qua rồi. Tất cả đâu lại vào đấy. Ngay khi có công bố chính thức biển đã an toàn, chúng tôi lại nhanh chóng bắt tay vào sản xuất. Hiện tại, nước mắm đang chưng cất, chưa thu hoạch, còn các loại cá, mực khô thì đã tiêu thụ mạnh trở lại. Người tiêu dùng không còn quay lưng với các sản phẩm của biển nữa”, bà Đinh Thị Huế, Chủ tịch Hội nước mắm Nhân Trạch cho biết.

 Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển, làng nghề sản xuất nước mắm Nhân Nam, Nhân Trạch, Bố Trạch đã thực sự hồi sinh.
Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển, làng nghề sản xuất nước mắm Nhân Nam, Nhân Trạch, Bố Trạch đã thực sự hồi sinh.

Đây cũng là tín hiệu vui đối với làng nghề Quy Đức (Đức Trạch, Bố Trạch). Vốn nổi tiếng với nghề chế biến hải sản truyền thống, ngoài hơn 30 hộ sản xuất với quy mô lớn, hầu như nhà nào ở Quy Đức cũng làm nước mắm để phục vụ cho nhu cầu của gia đình và bán lẻ cho các xã lân cận. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến quy mô, tạo nên thương hiệu riêng với doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, khoảng thời gian xảy ra sự cố môi trường biển, hoạt động sản xuất của họ ngưng trệ, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên kéo theo nhiều lao động bị mất việc làm. Nếu bình quân mỗi năm làng nghề Quy Đức sản xuất 1.000-1.500 tấn hải sản các loại thì tại thời điểm sự cố xảy ra con số đó giảm xuống chỉ còn khoảng 400-500 tấn. Đời sống của người dân làng nghề vì thế gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Tuy nhiên, hiện nay, sau nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, nghề truyền thống của làng đã được vực dậy và đang dần ổn định trở lại với mức sản xuất ngang bằng, thậm chí cao hơn trước. Theo thống kê của xã Đức Trạch thì từ đầu năm đến nay, sản lượng thu mua, chế biến hải sản của địa phương đạt gần 2.000 tấn, cao hơn cả trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển.

“Đây là nhờ những nỗ lực của chính quyền và người dân Đức Trạch thời gian qua. Mặc dù có lúc tưởng như rơi vào “đường cùng” nhưng rồi nghề của làng đã được hồi sinh và phát triển trở lại”, ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch chia sẻ.

Là một trong những làng nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cố môi trường biển, làng nghề sản xuất muối Phú Lộc (Quảng Phú, Quảng Trạch) có lúc tưởng chừng như bị “xóa sổ”. Muối làm ra chẳng ai dám mua, thời điểm ấy, gần 300 hộ làm nghề của làng đều ngừng sản xuất. Ruộng muối để hoang, thu nhập giảm sút, đời sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: “Với đặc thù của nghề làm muối là phụ thuộc vào nguồn nước biển. Phương pháp sản xuất muối được tiến hành qua việc đưa nước biển khi thủy triều lên vào các con mương để chảy tới các ô nước. Chính vì vậy, làm muối là nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cố môi trường biển. Nếu biển chết, nghề của làng cũng không còn đường sống. Rất may, hiện tại, nghề đang dần được khôi phục với sản lượng đạt 3.000-4.000 tấn, bằng 2/3 so với thời điểm trước khi sự cố xảy ra. Chúng tôi sẽ tiếp động viên bà con cải tạo đồng muối, tích cực sản xuất để đạt và vượt mức trước sự cố xảy ra”.

 Làng đan lát Thọ Đơn (Quảng Thọ) là một trong những làng nghề bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Làng đan lát Thọ Đơn (Quảng Thọ) là một trong những làng nghề bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Có một thực tế là sự cố môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến các làng nghề chế biến hải sản tỉnh ta mà còn gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ cho nhiều làng nghề khác. Đơn cử như làng nghề đan lát Thọ Đơn (Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn). Là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, Thọ Đơn có khoảng 500 hộ với trên 3.000 lao động làm nghề đan lát và khoảng trên 20 hộ chuyên đan thuyền thúng. Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nhiều hộ dân đan thuyền thúng của Thọ Đơn.

“Với 2 lao động lành nghề, thì chỉ mất 2 ngày có thể làm xong 1 chiếc thuyền thúng. Nếu bán ở dạng thô, mỗi chiếc có giá khoảng 1,5 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình tôi có thể làm được trên 10 chiếc thuyền thúng, thu lãi trên 10 triệu đồng. Khi xảy ra sự cố môi trường biển, thuyền làm ra không bán được, gia đình tôi bị mất một khoản thu nhập không hề nhỏ. Rất may, hiện tại, biển đã an toàn, ngư dân lại tiếp tục bám biển nên sản phẩm của chúng tôi lại được đón nhận”, chị Nguyễn Thị Tình, một người chuyên làm thuyền thúng ở Thọ Đơn hồ hởi khoe.

Biển đã bình yên trở lại. Làng nghề cũng đã thực sự hồi sinh sau bao thăng trầm tưởng chừng không vượt qua được. Và niềm vui cũng đã trở lại trên những gương mặt lam lũ của người dân làng biển.            

Tâm An