.

Ba mảnh đời cùng khổ

Thứ Tư, 13/09/2017, 09:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Hai bậc sinh thành đau ốm, tật nguyền mất sức lao động hoàn toàn. Một cô bé học sinh lớp 12 chăm ngoan, học giỏi, thương ba mẹ nên quyết tâm vươn lên vượt khó. Thế nhưng nhà quá nghèo, trước nguy cơ bỏ học giữa chừng không còn cách nào khác, em phải viết một bức tâm thư kêu gọi lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm gần xa.

Bức thư của cô bé  học sinh lớp 12 thấm đẫm tình yêu thương, đong đầy nước mắt được viết đúng vào ngày khai giảng năm học mới.

Tôi đến thăm ba mảnh đời cùng khổ trong ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè, trống hơ, trống hoác tại thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh. Bước vào nhà, hình ảnh đập thẳng vào mắt là người đàn ông bé nhỏ nằm trên tấm phản gỗ kê ngay giữa gian nhà chính. Đó là ông Nguyễn Mạnh Kham. Câu chuyện người trong cuộc kể khơi gợi lại số phận quá ư cùng cực, bất hạnh của ông bà rồi “vạ lây” đến đứa con gái ngoan hiền. Ông Nguyễn Mạnh Kham, sinh năm 1940; bà Trần Thị Lợi, sinh năm 1961, ngày xưa đều mồ côi, gia cảnh nghèo khổ, thương cảm hoàn cảnh cùng nhau nên về sống dưới ngôi nhà chung được xây nên từ tình nghĩa xóm giềng.

Cô bé Nguyễn Thị Thu Huyền đang đứng trước nguy cơ thất học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Cô bé Nguyễn Thị Thu Huyền đang đứng trước nguy cơ thất học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Kham có anh trai Nguyễn Ngứa là liệt sỹ chống Pháp.

Năm 2000, vợ chồng ông bà sinh được bé gái Nguyễn Thị Thu Huyền. Niềm vui chưa đong hết thì bất hạnh ập đến nhanh, cũng kể từ đó hai vợ chồng bắt đầu triền miên trong cảnh đau ốm, bệnh tật, nghèo khó.

Ông Kham trước bị mắc chứng bại liệt, về sau thêm một số bệnh nặng khác, như: tai biến mạch máu não, u xơ tiền liệt tuyến..., nằm liệt nhiều năm nay trên tấm phản ghép lại từ 2 mảnh gỗ. Ông bảo mình tàn nhưng không phế, sống rất lạc quan, yêu đời. Ông sáng tác nhạc, hát hay, hay hát, ngày ngày nằm trên phản gỗ nhưng vẫn cố gắng đan lát rổ, rá, gàu, dần, sàng, quạt... sản phẩm từ tre để bà Lợi đem ra chợ bán kiếm tiền mua gạo đắp đổi qua ngày, nuôi con gái ăn học.

Bà Trần Thị Lợi nguyên là thanh niên xung phong tham gia xây dựng đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn ở tỉnh Quảng Trị. Mấy năm nay, đôi mắt bà yếu dần đi, bệnh tật liên miên...

“Bây giờ thì tôi thực sự vừa tàn, vừa phế mất rồi!”- người đàn ông than thân trong nước mắt. Trong ngôi nhà cấp bốn ẩm thấp chật chội, tôi chẳng thấy một chút tài sản nào có giá trị. “Trước đây nhà có cái ti vi trị giá 1,5 triệu đồng, trở thành kênh thông tin cho tôi biết thế giới bên ngoài. Năm rồi lụt to, nên ti vi cháy mất. Hoàn cảnh nghèo không đủ tiền thuốc thang cho hai vợ chồng và nuôi con ăn học nên dù đói văn hóa thông tin cũng đành chịu”- tiếng ông Kham buồn buồn.

Cô bé Nguyễn Thị Thu Huyền tâm sự: “Cháu viết bức thư gửi cho các nhà hảo tâm, mong muốn mọi người rủ tình yêu thương đối với cháu, giúp đỡ cháu học hành đến nơi đến chốn, không phải đứt gãy giữa chừng. Sau đó, hỗ trợ cho ba mẹ một ít kinh phí chữa bệnh. Cháu thương bố mẹ cháu lắm, càng thương, càng sợ ba mẹ bỏ cháu mà đi”.

“Kính gửi các bác, các cô, các chú!

Cháu tên là Nguyễn Thị Thu Huyền ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đang học lớp 12A, Trường PTTH Nguyễn Hữu Cảnh.

Kính thưa các bác, các cô, các chú!

Mười bảy năm nay cháu vẫn tới trường như bao bạn bè khác, cháu là một học sinh chăm ngoan biết vâng lời thầy cô và bạn bè, cháu lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ, còn miếng cơm manh áo là do bà con chú bác, bạn bè, thầy cô giúp đỡ. Hôm nay thực sự quá khó khăn nên cháu muốn gửi đến các bác, các cô lời chia sẻ, lời tâm thư, thỉnh cầu, mong các cô, các bác, các chú lắng nghe và chia sẻ cùng cháu.

Cháu sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, ba bị bại liệt khi cháu chưa lọt lòng, mẹ bị bệnh thần kinh không làm được gì ngoài việc dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn.

Kính thưa các bác, các cô, các chú!

Ba cháu tuy tàn nhưng không phế, để chiến thắng bệnh tật ba đã học đan lát ngay từ khi lâm bệnh bại liệt. Hàng ngày ba đan các dụng cụ: khau, soòng, rá, thúng, mủng, quạt... phục vụ bà con nông dân làng Quảng Xá. Tre, nứa được các bác, các chú hàng xóm đi mua, chở giúp về cho ba đan lát kiếm cơm hàng ngày. Thức ăn của ba mẹ là những gì rẻ nhất trên chợ, những người bán hàng thịt, cá thương tình ban cho sau bữa chợ tan tầm.

Kính thưa các bác, các cô, các chú!

Trong gian nhà nhỏ cấp bốn diện tích khoảng 50m2, xây cất từ tiền tình nghĩa (gia đình cháu thờ cúng bác trai là liệt sỹ chống Pháp). 42 năm ba nằm trên bệ gỗ đơn sơ do 2 tấm ván ghép lại, dưới bệ gỗ là 3 khúc gỗ nổi. Để tiện sinh hoạt ba nằm trên 2 tấm ván không chiếu, không màn dù mùa hè hay mùa đông lạnh giá. Cháu nghe người bác, anh ruột của ba kể: “Bác làm như thế này để khi lũ lụt về nếu không có ai trong nhà, ba con cũng theo con nước mà lên xuống, vì khi lũ lụt vô nhanh bác và hàng xóm sang không kịp”. Ngày xưa bác trai đang còn sống mỗi tháng dành dụm cho gia đình cháu 300.000đ. Nay bác đã mất tròn 5 năm vì bị bệnh ung thư gan, gia đình cháu chẳng biết nhờ cậy vào ai.

Các cô, các bác, các chú kính quý !

Khó khăn chồng chất khó khăn, năm 2015, ba bị bệnh u xơ tiền liệt tuyến, không còn đan lát được nữa, nguồn thu nhập tạm dừng từ đây thay vào đó là tiền thuốc, tiền ăn cho ba hàng ngày ở bệnh viện. Thương mẹ phải đi bộ ngày hai vòng chăm ba tại Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh, ba quyết định ra viện về nằm nhà chờ định mệnh của trời. Tháng 4-2017, ba bị tai biến, liệt tay bên trái, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ cả vào tay mẹ, thức khuya dậy sớm chăm ba rồi mẹ cũng đổ bệnh mắt mờ. Lúc ba tỉnh ba nói trong hơi thở: "Con cố gắng học hết lớp 12".

Để ước nguyện của ba thành sự thật, cháu mong muốn các bác, các cô, các chú giúp đỡ cháu hoàn thành tốt nghiệp lớp 12. Cháu xin hứa sẽ trở thành người công dân tốt, là người đoàn viên gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động từ thiện và các hoạt động mang tính giáo dục của xã hội.

Cháu và gia đình chân thành cảm ơn các cô các bác và các chú đã lắng nghe và chia sẻ cùng cháu!

Hồ An