.

Gian nan khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) ở tỉnh ta vẫn diễn ra phổ biến với số tiền nợ đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều đơn vị BHXH cấp huyện, thành phố, việc khởi kiện các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, có 863 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN gần 120 tỷ đồng. Tháng 10-2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và BHXH tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến cuối tháng 7-2017, BHXH các cấp đã gửi 117 hồ sơ cho LĐLĐ tỉnh và các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 8 đơn vị gửi lần 2 vào tháng 5-2017) đề nghị khởi kiện ra tòa án với tổng số tiền nợ hơn 21 tỷ đồng. Theo đồng chí Nguyễn Lương Bình, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, ngay sau khi có danh sách đó, LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với BHXH các địa phương tiến hành các bước, như: điện thoại, gửi công văn lần 1, lần 2, làm việc trực tiếp với các đơn vị để đốc thúc các đơn vị nộp theo đúng quy định. Đến nay, đã có 72 đơn vị trả nợ, trong đó, 54 đơn vị trả hết số nợ, 18 đơn vị trả một phần, với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 46,6 %. Số đơn vị còn lại sẽ bị khởi kiện theo đúng Luật BHXH để tránh tình trạng phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn lao động.

Ký kết chương trình phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giữa BHXH tỉnh và LĐLĐ tỉnh.
Ký kết chương trình phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giữa BHXH tỉnh và LĐLĐ tỉnh.

Lâu nay, khởi kiện ra tòa được xem là biện pháp mạnh và hữu hiệu để xử lý các doanh nghiệp nợ đọng. Lo sợ bị khởi kiện sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã tự nguyện truy nộp số tiền nợ đọng bấy lâu. Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2014, cơ quan BHXH không còn chức năng khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH mà việc này được chuyển sang cho tổ chức công đoàn. Song việc chuyển giao này đang gặp không ít bất cập. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh, đến nay, các tổ chức công đoàn vẫn chưa khởi kiện được thành công vụ nợ nào để tăng sức răn đe. Nguyên nhân là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định của pháp luật và cần có giải pháp khắc phục cho thực trạng này. Bởi lẽ, khi tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH là khởi kiện tranh chấp lao động tập thể về quyền lợi. Trước khi chuyển hồ sơ khởi kiện cho TAND, phải tiến hành hòa giải tranh chấp lao động, nếu không hòa giải được, phải đưa lên Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Khi cơ quan BHXH kiện doanh nghiệp nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ, còn khi tổ chức công đoàn kiện doanh nghiệp nợ BHXH cần phải được người lao động ủy quyền. “Khó khăn, vướng mắc là ở chỗ đó, bởi trong thực tế, hiện nay, ở nhiều nơi có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm”, ông Tuấn lý giải thêm. Cho nên, dù được trao quyền, song các cấp công đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai và hành lang pháp lý cho công đoàn cấp trên thực thi nhiệm vụ của pháp luật chưa được hoàn thiện. Đó là chưa kể tới trình độ, năng lực, kiến thức pháp luật về khởi kiện và tranh tụng tại tòa của cán bộ công đoàn vẫn thiếu và yếu.

Là trung tâm kinh tế-văn hóa và xã hội của tỉnh nhà, TP.Đồng Hới có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ khá lớn. Hiện, trên địa bàn thành phố có gần 1.200 đơn vị sử dụng lao động với hơn 16.000 người tham gia BHXH, BHYT. Và ngành BHXH thành phố Đồng Hới cũng đang phải đối diện với thực trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Thế nhưng, cũng như khó khăn chung của ngành BHXH toàn tỉnh, theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc BHXH Đồng Hới, việc khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị này là không khả thi. Đến nay, TP.Đồng Hới chưa thực hiện khởi kiện ra tòa đối với doanh nghiệp nào, điều đó đồng nghĩa với việc, quyền và lợi ích của hàng trăm lao động đang bị ảnh hưởng. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, theo ông Giám đốc BHXH Đồng Hới đưa ra là những bất cập, vướng mắc trong các quy định của pháp luật, đến nay, vẫn chưa được tháo gỡ.

Giải quyết nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Giải quyết nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Một điều đáng ghi nhận là mặc dù việc khởi kiện ra tòa còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong quá trình khởi kiện, cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn đã phối hợp đôn đốc, thuyết phục các đơn vị, doanh nghiệp trả nợ. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình. Để giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt một số giải pháp, như: tăng cường tuyên truyền theo hướng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; ký kết các chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tuyên truyền pháp luật chính sách BHXH, BHYT và BHTN; đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các đơn vị doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ hoặc nợ kéo dài.
Riêng LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo các LĐLĐ huyện, công đoàn ngành tiếp tục phát công văn yêu cầu các doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH lớn, kéo dài đóng đầy đủ BHXH. Thời gian qua, LĐLĐ thành phố Đồng Hới đã phát văn bản thu nợ 8 doanh nghiệp, LĐLĐ huyện Bố Trạch 1 đơn vị, BHXH huyện Quảng Trạch 1 đơn vị, LĐLĐ huyện Tuyên Hóa 3 đơn vị, LĐLĐ huyện Quảng Ninh 3 đơn vị và Công đoàn ngành Xây dựng 14 đơn vị. LĐLĐ các cấp cũng đã đưa tiêu chí nợ BHXH, BHYT, BHTN vào đánh giá phân loại thi đua, khen thưởng. Nếu đơn vị nào còn nợ BHXH thì sẽ không xét thi đua.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền thì việc triển khai giải quyết nợ đọng sẽ khó thực hiện. Chỉ khi khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp làm trái pháp luật thì mới đủ sức răn đe. Muốn vậy, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, tránh tạo kẽ hở để doanh nghiệp luồn lách, cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức pháp luật về khởi kiện và tranh tụng tại tòa của cán bộ công đoàn, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Diệu Hương