.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần bám sát nhu cầu thực tiễn

Thứ Năm, 10/08/2017, 08:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta đã được các cấp chính quyền quan tâm triển khai thực hiện. Tại nhiều địa phương, nông dân sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức học được để phát triển kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không ít nơi, công tác này vẫn còn mang tính hình thức, việc đào tạo còn đại trà và chưa gắn với nhu cầu của người lao động khiến chất lượng, hiệu quả sau đào tạo không cao.

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người lao động

Mặc dù đang theo học một lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng lúa nước do xã tổ chức, thế nhưng bà Trương Thị Loan, ở xã Hàm Ninh, Quảng Ninh lại cho hay: “Cách đây mấy tháng, tôi đi học vì có tên trong danh sách lớp kỹ thuật trồng lúa do xã tổ chức, chứ mong muốn của tôi trước giờ vẫn là được đi học một lớp dạy về kỹ thuật trồng nấm”.

Bà  Loan tâm sự, sở dĩ bà muốn học nghề trồng nấm vì hiện tại gia đình bà đang có một trang trại chăn nuôi tổng hợp. Ngoài chăn nuôi bò và tôm, cá, bà cũng muốn mở rộng trang trại để trồng thêm cây nấm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Bình quân, mỗi năm, trang trại này đem về thu nhập cho gia đình bà khoảng 70 triệu đồng. Nếu so với 9 sào ruộng mỗi năm chỉ lãi được 1 triệu đồng mà gia đình bà cũng đang làm, thì việc đầu tư phát triển cho trang trại sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Chính vì vậy, trước đây, thấy xã thường mở các lớp dạy nghề cho nông dân, bà đã kiến nghị với Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã để được học lớp dạy nghề về trồng nấm. Thế nhưng đợi mãi cũng không có lớp như vậy, bà đành ấp ủ dự định lúc nào có thời gian sẽ đi học hỏi mô hình trồng nấm ở các địa phương khác để về áp dụng tại trang trại của gia đình mình.

Cũng không có nhu cầu học nghề về trồng rau nhưng vẫn nằm trong danh sách được đi học của xã, chị Nguyễn Thị Thương ở xã Gia Ninh, Quảng Ninh cho biết: “Trong thôn nhà nào có trồng rau dù ít hay nhiều cũng được xã cho đi học. Nhà tôi chỉ có mảnh vườn nhỏ được tận dụng để trồng rau màu các loại nên khi có danh sách đi học tui nghĩ, nếu học về áp dụng được cái gì thì áp dụng còn không thì thôi, xem như đi học cho có phong trào cùng mọi người”.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, cần có sự hỗ trợ về vốn để bà con đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, cần có sự hỗ trợ về vốn để bà con đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.

Trong khi nhiều nông dân dù không có nhu cầu học về một số nghề nhưng vẫn phải đi học thì có không ít bà con muốn nhưng lại không được học. Bà Loan, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh cho hay, cách đây mấy tháng, xã có tổ chức lớp dạy nghề nuôi cá. Là một trong những hộ có diện tích ao nuôi lớn, nên, bà cũng muốn được đi học để nắm thêm những kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho cá. Tuy nhiên, những hộ trong thôn có diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng lại có trong danh sách đi học còn gia đình bà thì không. Bà cho biết thêm, cách đây một tháng, các ao nuôi của bà và một số hộ lân cận cá bỗng nhiên chết hàng loạt. Do không có kiến thức nhiều về các bệnh dịch của cá nên gia đình bà cũng không rõ nguyên nhân của tình trạng này. Dù bà và các hộ khác đã kịp thời báo lên xã câu để cán bộ chuyên môn tìm ra nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời.

Hiệu quả chưa cao

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, việc áp dụng chủ trương này tại một số địa phương chưa đúng dẫn đến chất lượng, hiệu quả chưa cao. Thực tế cho thấy, không ít lao động sau khi được học nghề lại không thể áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Chị Nguyễn Thị Thương ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh cho hay, lúc đi học, chị được các giảng viên dạy về kỹ thuật trồng rau theo mô hình trang trại. Tuy nhiên, gia đình chị không có đất, vốn cũng không, nên không thể đầu tư mở rộng, phát triển. Sau khi học về, những kiến thức học được chị cũng không thể áp dụng vào thực tiễn. Anh Trần Văn Việt, Thuận Đức, thành phố Đồng Hới cũng có cùng chia sẻ, nhà anh có nuôi 2 con bò. Sau khi được đi học lớp đào tạo chăn nuôi bò, ngoài những kiến thức nuôi cơ bản trước đó mà anh đã biết, anh cũng không thể áp dụng được những kiến thức mới đã học vào để chăn nuôi 2 con bò của mình. Nguyên nhân là do những kiến thức anh học là chăn nuôi bò theo mô hình trang trại lớn, còn anh thì chỉ quanh quẩn với 2 con bò.

Có thể thấy, hầu hết những người lao động nông ở thôn, trong quá trình học các nghề, như: chăn nuôi, trồng trọt, đều được phổ biến những kiến thức theo mô hình, trang trại lớn. Tuy nhiên, do không có đất và nguồn vốn để phát triển mô hình, nên những kiến thức học được không thể áp dụng vào thực tế.

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, năm 2016, số lao động được hỗ trợ học nghề theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn Quảng Bình đến năm 2020” là 3.358 người (chiếm 67% so với kế hoạch của năm là 3.324/5.000 lao động). Năm 2017 là năm thứ 7 tỉnh ta thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn Quảng Bình đến năm 2020”. Theo đánh giá của bà Đinh Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng dạy nghề, sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau nhiều năm triển khai, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, nhất là làm thay đổi nhận thức của người lao động về vai trò của công tác đào tạo nghề.  

Tuy nhiên, bà Lan cũng thừa nhận, đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế khiến hiệu quả sau đào tạo chưa cao. Phần lớn lao động sau khi học nghề vẫn chưa áp dụng được những kiến thức mình đã học để phát triển kinh tế. Nguyên nhân là do nguồn vốn hỗ trợ sau đào tạo cho người lao động để phát triển nghề còn chưa có.  

Bên cạnh những hạn chế nói trên, có thể nhận thấy một số tồn tại khác của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay là vẫn còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng mà chưa có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ nhu cầu học nghề của các lao động nông thôn. Theo chủ trương của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập sau học nghề. Để thực hiện được điều này đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kế hoạch đào tạo nghề phải sát với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là khâu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của người lao động và phải có chính sách hỗ trợ vay vốn sau học nghề, qua đó giúp người lao động áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học để phát triển kinh tế.

Đ.Nguyệt