.
Chuyện tuần này:

Mạng ảo, hậu quả thật

Thứ Tư, 09/08/2017, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT)  - Liên tục trong thời gian gần gây, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin liên quan đến việc bắt cóc trẻ em để mổ lấy nội tạng. Với nhiều mục đích khác nhau, những thông tin này nhanh chóng được chia sẻ và lan rộng trong đời sống khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Từ những thông tin bịa đặt này, người dân trở nên cảnh giác với tất cả mọi đối tượng. Sự lo lắng và cảnh giác thái quá đã khiến cộng đồng có những hành vi thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Điển hình có thể kể đến là vụ đốt xe ô tô tại tỉnh Hải Dương do nghi đối tượng “thôi miên” để bắt cóc trẻ em. Tiếp đó là vụ việc hai người phụ nữ bán tăm đã bị người dân bắt và đánh đập dã man tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng do nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em.

Tại Quảng Bình, cũng không ngoại lệ khi người dân tiếp nhận nhiều thông tin chia sẻ về tình trạng bắt cóc trẻ em trên địa bàn. Vụ việc người dân phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn) đánh bị thương hai người đàn ông là một ví dụ. Tiếp đó, tại một xã thuộc huyện Quảng Ninh, lực lượng chức năng địa phương còn ban hành văn bản đóng dấu đỏ, nội dung nêu lên tình trạng bắt cóc trẻ em đã diễn ra trên địa bàn và yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác. Hành động vội vàng, thiếu kiểm chứng này đã khiến người dân vô cùng lo lắng và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng tấn công những đối tượng bắt cóc trẻ em.

Để chấn chỉnh tình trạng chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thời gian qua, Công an tỉnh đã tiến hành xác minh nội dung các thông tin và khẳng định đây chỉ là những thông tin bịa đặt; đồng thời triệu tập các trường hợp liên quan để nắm thông tin, răn đe và ngăn ngừa. 5 cá nhân có hành vi chia sẻ thông tin bịa đặt lên mạng xã hội đã được mời về trụ sở Công an tỉnh để làm rõ. Qua công tác nắm thông tin, xét thấy do thiếu hiểu biết và động cơ của những cá nhân này chỉ nhằm mục đích cảnh báo mọi người nâng cao cảnh giác trước tình trạng bắt cóc trẻ em, nên cơ quan Công an chỉ nhắc nhở và yêu cầu các cá nhân gỡ bỏ những thông tin đã chia sẻ, đồng thời viết bài đính chính rõ ràng trên trang Facebook cá nhân.

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triệu tập các trường hợp liên quan và điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các hình phạt cụ thể gồm: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện); Phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến hai 2 năm”(Điều 122 Bộ luật Hình sự) đối với hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Đây cũng là bài học cảnh báo cho những ai đang sử dụng mạng xã hội một cách thiếu hiểu biết, bởi mạng xã hội có thể là ảo, nhưng hậu quả luôn là thật!                                       

Ngọc Mai