.

Vượt "rào cản" nhân lực hợp tác xã

Chủ Nhật, 09/07/2017, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quyết định đến việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động, phát huy lợi thế vốn có để các hợp tác xã (HTX) tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy chất lượng nhân lực của phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu.

Quá trình đổi mới, phát triển của các HTX đã hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần tích cực trong xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhất là ở vùng nông thôn. Thông qua các hoạt động của mình, HTX đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng không chỉ với sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống của người dân, mà còn góp phần thúc đẩy an sinh xã hội.

Việc chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 là nhằm phát huy quyền tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm kết quả sản xuất, kinh doanh của các HTX. Tính đến nay, toàn tỉnh có 159/202 HTX đã thực hiện chuyển đổi, đạt 78,7%.

Những kết quả thu được bước đầu qua việc chuyển đổi này là bộ máy quản lý gọn nhẹ; công tác quản lý từng bước được đổi mới; một số ngành nghề, mô hình mới ra đời như: HTX dịch vụ tổng hợp, vệ sinh môi trường, chăn nuôi sạch, thực phẩm sạch... đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù đã có những chuyển biến, song HTX vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu, kém. Quy mô và năng lực của các HTX còn nhỏ và yếu. Nhiều HTX chưa thể hiện sự năng động, đổi mới trong sản xuất kinh doanh; chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi; còn lúng túng trong điều hành, quản lý; hoạt động của HTX chưa gắn với lợi ích thiết thực và quyền lợi của thành viên. Vì vậy, sự thay đổi của HTX về cơ bản vẫn là “bình mới, rượu cũ”, chưa có sự bứt phá thực sự.

Theo ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, một trong những vấn đề then chốt của những tồn tại, hạn chế nói trên là do đội ngũ cán bộ quản lý các HTX còn thiếu và yếu. Hầu hết cán bộ quản lý HTX hiện nay đều chưa qua đào tạo. Sau chuyển đổi, đội ngũ cán bộ quản lý vẫn giữ nguyên như cũ. Trình độ cán bộ quản lý HTX không đồng đều giữa các lĩnh vực ngành nghề và giữa các địa bàn, vùng miền.

Qua khảo sát của Liên minh HTX, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 786 cán bộ HTX, trong đó có khoảng 60% cán bộ có trình độ sơ cấp, trung cấp; 22% có trình độ đại học, cao đẳng; 18% cán bộ chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều địa phương thừa nhận bộ máy HTX hiện nay quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm nông nghiệp, chứ chưa qua đào tạo.

 Nếu trình độ nhân lực quản lý HTX được nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ được ứng dụng trong sản xuất.
Nếu trình độ nhân lực quản lý HTX được nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ được ứng dụng trong sản xuất.

Xã Mai Thủy (Lệ Thủy) có 5 HTX nông nghiệp. Hầu hết Ban quản trị các HTX này đều chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, ngoại trừ các kế toán HTX. Ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Mai Thủy cho biết: “Hiện, bộ máy cán bộ HTX trên địa bàn xã chủ yếu trưởng thành từ cán bộ phong trào. Chỉ cần họ năng động, nhiệt tình với công việc và có kinh nghiệm làm nông nghiệp thì sẽ được bầu vào ban quản trị HTX. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các HTX trong vai trò quản lý, điều hành sản xuất. Và khi mà năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế, thì công tác tổ chức sản xuất yếu kém là chuyện đương nhiên”.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở các HTX trên địa bàn xã Tân Ninh (Quảng Ninh). Năm 2015, các HTX ở Tân Ninh đã hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, bộ máy quản lý ở các HTX vẫn cơ bản giữ nguyên như lúc chưa chuyển đổi. Ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết: “Địa phương cũng đã vận động và đưa đi đào tạo được một số người để làm nguồn cán bộ HTX, nhưng người dân không bầu”.

Không chỉ trình độ cán bộ HTX còn hạn chế, vấn đề khiến các địa phương đau đầu hiện nay, đó là về lâu dài sẽ khó tìm được nguồn nhân lực có chất lượng để quản lý HTX. Ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Mai Thủy lo lắng: “Trong tương lai, khi độ tuổi lao động nông nghiệp ngày càng tăng cao, nguồn nhân lực quản lý các HTX sẽ rất khó tìm. Trong khi đó, địa phương lại không thể giữ chân được những người trẻ có trình độ, có bằng cấp tham gia vào ban quản lý HTX. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận cũng khó có thể thực hiện được”.

Còn theo ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, điểm mấu chốt của vấn đề này nằm ở mức thu nhập, các chế độ chính sách và phụ cấp cho cán bộ HTX hiện nay quá thấp. Điều này dẫn đến việc các địa phương sẽ không thể thu hút được những người trẻ có trình độ, chuyên môn. Với thực tế hiện nay, các HTX chưa cần những người có trình độ cao để quản lý HTX, nhưng ít nhất họ phải có trình độ cơ bản để đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: “Trình độ cán bộ quản lý HTX tác động rất lớn đến sự phát triển của các HTX. Đó là còn chưa nói đến, nếu đội ngũ cán bộ có trình độ, được đào tạo, sẽ tiếp thu các ứng dụng khoa học công nghệ nhanh hơn.

Theo Luật HTX mới, vai trò của các HTX trở nên rất quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, hoạch định chiến lược phát triển, trong đó vai trò “đầu tàu” phải kể đến bộ máy quản lý HTX. Họ phải thật sự năng động, sáng tạo và mạnh dạn đổi mới. Nếu như vẫn giữ một bộ máy cũ, với cách quản lý cũ như trước đây, thì các HTX khó có sự phát triển bứt phá nào, trong khi chính sách, chế độ dành cho cán bộ HTX hiện nay còn chưa có sự ưu đãi đáng kể”.

Nhiều HTX nông nghiệp ở tỉnh ta còn duy trì bộ máy quản lý chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nhiều HTX nông nghiệp ở tỉnh ta còn duy trì bộ máy quản lý chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ kế toán, kiểm soát, các cán bộ HTX về công tác quản lý Nhà nước và các chính sách liên quan.

Tuy nhiên, các lớp tập huấn này chỉ mang tính bổ trợ, hướng dẫn một số kiến thức về pháp luật liên quan và bồi dưỡng một số kỹ năng quản lý, điều hành cơ bản, trong khi chính quyền các địa phương còn chưa quan tâm đến việc đào tạo cán bộ HTX. Chỉ ở nơi nào có kinh tế HTX phát triển mạnh, thì ở đó trình độ của đội ngũ cán bộ này mới được chú trọng.

“Trước yêu cầu phải nâng cao vai trò của HTX trong nền kinh tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nếu về lâu dài không có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, thu hút người có trình độ tham gia vào việc quản lý HTX, các HTX rất khó có thể khẳng định được vai trò tổ chức, quản lý sản xuất của mình trong điều kiện kinh tế hội nhập và cơ chế thị trường như hiện nay”, ông Thởi cho hay.

Qua khảo sát của Liên minh HTX, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 786 cán bộ HTX, trong đó có khoảng 60% cán bộ có trình độ sơ cấp, trung cấp; 22% có trình độ đại học, cao đẳng; 18% cán bộ chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều địa phương thừa nhận bộ máy HTX hiện nay quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm nông nghiệp, chứ chưa qua đào tạo.
 

Dương Công Hợp