.

Người quản trang ở nghĩa trang Thọ Lộc

Chủ Nhật, 16/07/2017, 09:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch) nằm giữa một rừng thông xanh mát, sát con đường ra Ba Trại, một tuyến “đường lửa” trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước trên “đất lửa” Quảng Bình. Gắn bó với nghĩa trang, canh giấc ngủ ngàn thu cho các anh hùng, liệt sỹ TNXP nơi đây suốt gần 30 năm là một CCB - ông tên Lê Văn Cư.

Sắp đến dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ, tôi trở lại nghĩa trang TNXP Thọ Lộc, trước để thắp một nén nhang tri ân lên các phần mộ liệt sỹ, sau rốt, thăm ông Cư mà chúng tôi thân mến gọi là “quản gia” của một “đại gia đình” có đến 561 người con ưu tú là liệt sỹ TNXP của Ban xây dựng 67.

Buổi chiều, nghĩa trang trầm mặc giữa bạt ngàn thông xanh, nhà quản trang vắng bóng ông Cư. Nhìn những chân nhang trên các phần mộ liệt sỹ mới cháy độ nửa thân, tôi đoán chắc ông tranh thủ về thăm nhà, cách nghĩa trang chừng hai cây số. Đoán thế mà đúng thật, bấm số điện thoại di động ông Cư cẩn thận để lại trên bức tường nhà quản trang, tiếng ông xởi lởi: “Hay chú chạy về nhà, ta cùng trò chuyện. Mấy hôm ni hai cái chân của bác tự nhiên sưng tấy lên, đang phải bó thuốc. Mọi việc trên nghĩa trang giao lại cho vợ và mấy đứa con”.

Ông Lê Văn Cư vốn lính lái xe của Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Sinh năm 1948, vào bộ đội năm 1968, lúc tròn 20 tuổi, năm 1976 ra quân, đúng 8 năm ngồi sau vô lăng theo những chuyến xe vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược vào chiến trường trên các cung đường Hồ Chí Minh. Sau khi rời quân ngũ, ông về quê hương Cự Nẫm, gặp bà Trương Thị Lệ, TNXP mới từ chiến trường ra, cảm nhau, thương nhau rồi thành chồng, thành vợ. Họ có với nhau năm mặt con, ba trai hai gái. Cuộc đời ông bà đi qua chiến tranh, cảm nhận hết sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn, mất mát, hy sinh... Cho đến bây giờ khi về già, di chứng chiến tranh vợ chồng ông vẫn đang hứng chịu. Ông là bệnh binh, ảnh hưởng chất độc da cam. Bà Lệ thương binh, bị thương tại tuyến đường 16- Thống Nhất.

Ông Lê Văn Cư và những hoài niệm
Ông Lê Văn Cư và những hoài niệm

“Tôi gắn bó với các anh, các chị gần ba mươi ba năm ni rồi!”- ông Cư vào chuyện. Ba mươi năm, quá một phần ba đời người. Gần chục năm ở chiến trường trên từng cung đường Trường Sơn. Nhiều đêm không ngủ được, ông trằn mình dậy thắp nhang lên từng phần mộ liệt sỹ, hoài niệm ùa về. Những người nằm đây chắc chắn nhiều người ông đã gặp, nhiều người ông không quen nhưng đều là đồng đội, đồng chí một thời lửa đạn. Chừ họ về đây, ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hạ, ba mươi năm ông chăm chút cho từng người... thành ra quen thân. Là người nhà!

Ông Cư kể: “Năm 1990, nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc lúc đó hoang sơ lắm, bốn bề rừng rậm, không có dân cư sinh sống, đường sá đi lại rất khó khăn. Trước đó, nghĩa trang vẫn có quản trang, nhưng chế độ đãi ngộ thấp, sống quạnh quẽ, trống vắng nên họ không làm nữa. Nghĩa trang khuyết đi quản trang. Bà Trương Thị Lệ công tác tại Hội Phụ nữ xã Cự Nẫm được lãnh đạo xã động viên về hỏi dò ông Cư “Hay là ông lên đó với đồng đội, đồng chí mình?”. Bà bảo  “Các anh, các chị ấy hy sinh cho dân, cho nước, giờ an nghỉ trên quê hương mình, lại không ai chăm sóc, lo hương khói. Ông tuy sức khỏe yếu, nhưng mình là người lính, có việc chi mà chẳng làm được. Có ông, nghĩa trang ấm tình người”. Vợ chồng bàn nhau hôm trước, hôm sau ông Cư chính thức lên làm “quản gia” nghĩa trang TNXP Thọ Lộc, chớp mắt vậy mà gần ba mươi năm.

Theo dòng ký ức, câu chuyện về nghĩa trang, về liệt sỹ TNXP được ông Cư nằm lòng: “Năm mươi năm trước, ngày 23-4-1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Ban xây dựng 67 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trên tuyến đường chi viện Trường Sơn. Ban xây dựng 67 chịu sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cục tiền phương, Đoàn 559 do đồng chí  Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Nhiệm vụ Ban xây dựng 67 là cùng với lực lượng quân đội tổ chức mở đường và chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo đảm giao thông trên các tuyến đường Trường Sơn; phục vụ vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Quân số thường trực Ban xây dựng 67 duy trì khoảng từ 8.000 đến 10.000 người, thời kỳ cao điểm năm 1971 lên đến 24.000 người. Họ thuộc nhiều quân chủng hợp thành như các đội TNXP, các tiểu đoàn công binh (Binh trạm 14 gồm các đội TNXP 23, 25, 15 và tiểu đoàn 3 công binh; Binh trạm 12 gồm đội TNXP 83, 89, N29, 75, 73, tiểu đoàn công binh 52. Binh trạm 16 có các đội TNXP 34, 44, 39, 81, Quyết Thắng và tiểu đoàn 33 công binh); lực lượng công nhân giao thông (Công trường Thống Nhất 12A Quảng Bình, Công trường 25, Công ty cầu 4 và Hạt giao thông Lệ Ninh); các đơn vị mới thành lập như: Đội TNXP 74, Công trường 68- 69, Đội công trình 1 và 2; các đội cơ giới, đội khảo sát, đại đội thông tin liên lạc...

Trong suốt 8 năm (1967- 1975) chiến đấu và phục vụ chiến đấu, các lực lượng của Ban xây dựng 67 vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, mất mát để hoàn thành nhiệm vụ được giao, liên tục bảo đảm giao thông thông suốt trên 1.000 km đường Trường Sơn, phục vụ vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Qua 8 năm dưới mưa bom, bão đạn, 1.088 người con ưu tú của Ban xây dựng 67 đã anh dũng hy sinh, 3.200 người khác bị thương tật vĩnh viễn.

Những phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang TNXP Thọ Lộc được ông Cư chăm sóc chu đáo.
Những phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang TNXP Thọ Lộc được ông Cư chăm sóc chu đáo.

Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, sau ngày hòa bình lập lại, các thế hệ lãnh đạo của Cienco 5 (tiền thân là Ban xây dựng 67) cùng các cấp, các ngành trong cả nước tìm kiếm, quy tập liệt sỹ Ban xây dựng 67 về tại những nghĩa trang. Riêng tỉnh Quảng Bình, liệt sỹ Ban xây dựng 67 đang an nghỉ tại ba nghĩa trang: Tân Ấp (Tuyên Hóa), Thọ Lộc (Bố Trạch) và Vạn Ninh (Quảng Ninh)”.

Gần ba mươi năm... “quản gia” nghĩa trang TNXP Thọ Lộc Lê Văn Cư như con ong cần mẫn. Những nén nhang ông thắp trên mộ đồng đội như giúp ông níu kéo thời gian dừng lại. Ông bảo: “Cho các anh, các chị cứ trẻ mãi tuổi mười tám, đôi mươi như thuở nào bám đường, bám trọng điểm bảo đảm an toàn cho từng chuyến xe qua”. Và thế... ngày tiếp nối ngày, nơi nghĩa trang liệt sỹ TNXP có một người đàn ông bé nhỏ cần mẫn thắp lên từng phần mộ chí những nén tâm nhang!

Hồ An