.

"Mỗi ngày như mọi ngày..."

Thứ Năm, 27/07/2017, 16:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, như bao miền quê kiên cường khác, mảnh đất Lệ Thủy đã hiến dâng cho Tổ quốc bao người con anh dũng. Và hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhớ về quá khứ, bao thế hệ người dân Lệ Thủy lại nối tiếp những nghĩa cử tốt đẹp để tri ân các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên của quê hương.

>> Tiếp tục quan tâm, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng

Trong cuộc chuyện trò, đồng chí Trương Thị Lệ Hằng, Phó trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Lệ Thủy đã cung cấp cho chúng tôi những số liệu “biết nói”: hiện toàn huyện Lệ Thủy có 203 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2.409 liệt sĩ, 1.402 thương binh, 796 bệnh binh, 603 người nhiễm chất độc da cam, 30 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 10.000 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến.

Ngoài ra, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn huyện có hàng nghìn người mắc các căn bệnh do nhiều năm hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến trong điều kiện khó khăn, gian khổ... Những con số ấy khẳng định truyền thống yêu nước vốn đã ăn sâu vào máu thịt của bao thế hệ người dân xứ Lệ và gợi nhớ về một phần mất mát, đau thương mà mảnh đất và con người nơi đây đã gánh chịu. Thế nhưng, điều đáng trân trọng là nhiều năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân Lệ Thuỷ đã nỗ lực làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, nhằm tri ân và xoa dịu bớt những mất mát, thương đau ấy.

Đồng chí Ninh Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Nhiều năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Lệ Thủy đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; triển khai có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Các chính sách ưu đãi như: trợ cấp ưu đãi hàng tháng, bảo hiểm y tế, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, ưu đãi trong giáo dục - đào tạo cho con người có công và các phong trào tình nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Vinh thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Đằng, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ.
Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Vinh thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Đằng, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã có nhiều hoạt động để giúp đỡ, chăm lo cho gia đình người có công với cách mạng. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Các phong trào tình nghĩa, xã hội hoá chăm sóc người có công ngày càng được đẩy mạnh. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, đời sống ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Điều đáng mừng là đến nay, toàn huyện có trên 99% hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng địa bàn cư trú; có 100 % số xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Công tác chi trả trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng chính sách được thực hiện thường xuyên, với số tiền gần 100 tỷ đồng/năm. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã trợ cấp một lần cho 883 người là cựu thanh niên xung phong, với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, giải quyết hơn 1.600 hồ sơ mai táng phí, cấp kinh phí hỗ trợ cho 388 hộ, tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Các vấn đề tồn đọng về công tác thương, binh liệt sĩ và người có công trong kháng chiến qua các thời kỳ cũng được quan tâm giải quyết.

Đồng chí  Ninh Thị Hoà cho hay: Trong quá trình giải quyết chế độ chính sách cho người có công không thể tránh khỏi những phát sinh, vướng mắc. UBND huyện đã kịp thời phản ánh những vướng mắc, bất cập ấy lên cấp trên để nhanh chóng tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Đến nay, 100% đối tượng có công với cách mạng có đầy đủ hồ sơ đã được Nhà nước giải quyết chế độ, chính sách theo quy định; đối với một số trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ hoặc hồ sơ không rõ ràng cũng đã được rà soát, xin ý kiến giải quyết.

Trong những năm qua, công tác chính sách người có công trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đời sống của các gia đình chính sách người có công từng bước được nâng lên, số hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên chiếm đa số. Công tác thương binh, liệt sĩ được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội từ cấp huyện đến cấp xã quan tâm triển khai thực hiện kịp thời.

Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện tiếp tục được xã hội hóa, thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của mọi người dân đối với gia đình chính sách. Nghĩa trang liệt sĩ và nhà bia ghi tên liệt sĩ được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên. Nhiều nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được xây dựng góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động được 3,7 tỷ đồng cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để phục vụ công tác hỗ trợ sửa chữa xây dựng nhà ở cho người có công gặp hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi động viên người có công và thân nhân người có công bị ốm nặng. Toàn huyện đã xây mới 55 căn nhà, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng cho các đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn.

Trên địa bàn huyện có Nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy là nơi yên nghỉ của 2.130 liệt sĩ. Nơi đây thường xuyên được quan tâm nâng cấp, tu bổ, được học sinh, đoàn viên các trường học trên địa bàn chăm sóc thường xuyên. Hàng năm, từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp đã hỗ trợ tu bổ và các hoạt động liên quan đến nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ gần 500 triệu đồng.

“Ngoài ra, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và Tết Nguyên đán hàng năm, từ các nguồn kinh phí được hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và kinh phí của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND và UB MTTQVN huyện đã chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia chính sách, người có công với cách mạng với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng/năm”, đồng chí Ninh Thị Hòa cho biết thêm.

Trong những ngày của tháng 7 này, trên mảnh đất Lệ Thủy, hàng nghìn bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện đã tỏa khắp các nẻo đường, ra quân làm vệ sinh môi trường, chỉnh trang, làm đẹp các đền thờ tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sĩ trong huyện.

Chính quyền các cấp và nhân dân huyện Lệ Thủy cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, các thương, bệnh binh. Đó là sự tri ân ý nghĩa và thường xuyên của thế hệ hôm nay với những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước, mà nói như lời của các cán bộ chính sách huyện Lệ Thủy thì “không phải đến ngày 27-7 mới tri ân các thương binh, liệt sĩ mà đền ơn đáp nghĩa là công việc làm hằng ngày, hằng giờ, mỗi ngày cũng như mọi ngày”.

Diệu Hương