.

Bức tranh xuất khẩu lao động - Kỳ 1: Muôn hình, vạn trạng

Chủ Nhật, 09/07/2017, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động - XKLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở mỗi địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung. Thực tế cho thấy, địa phương nào biết huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác XKLĐ thì đã gặt hái được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn đó những mảng màu sáng tối của XKLĐ trên địa bàn tỉnh.

Thêm nhiều làng quê “xuất ngoại”

Trong vài năm trở lại đây, thôn Đông Bắc, được xem là làng “xuất ngoại” của xã Đại Trạch (Bố Trạch). Ông Phạm Công Chức, Bí thư chi bộ thôn Đông Bắc chia sẻ, thôn có 278 hộ với 1.260 nhân khẩu, trong đó có 500 người trong độ tuổi lao động và hiện có trên 150 người đi XKLĐ tại các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhiều hộ gia đình có 4-5 người đi XKLĐ, còn gia đình có 2 người đi XKLĐ là chuyện bình thường.

“Cũng chính nhờ nguồn tài chính từ XKLĐ mà đến nay, số hộ khá giàu trong thôn chiếm đến 90%, tăng 40% so với thời điểm trước năm 2012; tỷ lệ nhà kiên cố, cao tầng trong thôn khoảng trên 100 nhà. Đặc biệt, công tác huy động xã hội hóa để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới cũng đạt được những kết quả đáng phấn khởi”, ông Chức thông tin thêm.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Nam có đến 5 người, gồm các con trai, con dâu, con rể cùng xuất ngoại và nguồn thu từ XKLĐ cũng xấp xỉ 100 triệu đồng/tháng. Hay gia đình ông bà Nguyễn Văn Khả và Phạm Thị Mai có 2 con trai đều đi lao động ở nước ngoài. “Con trai đầu đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã gần 10 năm nay và đã tích lũy để xây nhà 2 tầng khang trang. Riêng con trai thứ hai thì đi được 6 năm, mỗi tháng gửi về cho gia đình trên dưới 20 triệu đồng...” - bà  Phạm Thị Mai phấn khởi cho hay. 

Không chỉ riêng thôn Đông Bắc của xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch còn rất nhiều làng quê giàu lên nhờ XKLĐ, như ở thôn Nhân Quang (Nhân Trạch); thôn Lý Hòa (Hải Trạch); thôn Thanh Khê (Thanh Trạch)... Vì vậy, Bố Trạch được đánh giá là địa phương đi đầu trong hoạt động XKLĐ ở tỉnh ta với 28/30 xã, thị trấn đều có người tham gia XKLĐ.

Hàng năm, Bố Trạch có số người XKLĐ khoảng trên 1.100 lao động, tăng từ 670 người (năm 2007) lên 1.500 người (năm 2016). Riêng 6 tháng đầu năm 2017, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 1.980 lao động, đạt 53,5%  kế hoạch (KH); trong đó, xuất khẩu lao động 654 người, đạt 59,5% KH.

Người lao động được tư vấn XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động được tư vấn XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Thị trường XKLĐ truyền thống của tỉnh ta tập trung chủ yếu ở các nước Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Angola, Lào... Hầu hết lao động làm việc ở các nước có mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Riêng các thị trường, như: Hàn Quốc, Nhật Bản..., có thu nhập cao hơn, khoảng từ 12-19 triệu đồng/người/tháng. Từ số tiền thu nhập được, người lao động gửi về hỗ trợ gia đình để đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống, tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình, dòng họ và địa phương.

Có được những kết quả này, trước hết là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, Mặt trận, đoàn thể trong việc thực hiện đồng bộ các chính sách, cơ chế, giải pháp tập trung hướng vào người lao động, người có nhu cầu làm việc ở nước ngoài. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác XKLĐ đã được chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã cụ thể hóa bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân hiểu lợi ích của việc đi XKLĐ.

Đồng thời, các thủ tục hành chính, như đăng ký đi làm việc tại nước ngoài, vay vốn tín dụng, hỗ trợ học nghề..., cũng đã được cải cách theo hướng đơn giản hóa, giảm phiền hà, trực tiếp, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo XKLĐ

Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng doanh nghiệp, đơn vị vi phạm Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng trong quá trình tư vấn, giới thiệu, tuyển lao động tại tỉnh ta vẫn còn xảy ra và đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, các vụ việc tập trung ở những vùng miền núi, vùng xa, vùng dân trí thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như vụ việc vào năm 2010, Công ty Thanh Hóa, chi nhánh Hà Tĩnh đã thu tiền của 24 lao động trên địa bàn huyện Minh Hóa nhưng không đưa lao động đi xuất cảnh, hoặc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có việc làm, gây tổn thất về kinh tế cho người dân. Hay thời gian gần đây, sau sự cố môi trường biển, nhiều người dân tại các xã ven biển trong tỉnh đã lựa chọn phương án ra nước ngoài lao động.

Biết được mong muốn đi XKLĐ của người dân, nhiều đối tượng đã giả danh các công ty đưa người đi XKLĐ và vì tin lời những kẻ môi giới, nhiều người dân trong tỉnh đã bị lừa hàng trăm triệu đồng. Gần đây nhất có 9 người dân tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch) và 6 người ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh) đã bị rơi vào bẫy môi giới XKLĐ của một số đối tượng và bị lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Thoại, ở thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, một trong những nạn nhân của đường dây lừa đảo, môi giới XKLĐ cho biết, trước đây, anh nuôi tôm trên cát, nhưng bị thua lỗ hơn 500 triệu đồng, nên mong muốn đi Hàn Quốc làm việc, kiếm tiền để có thể trả nợ.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (Sở LĐ-TB- XH), trong 10 năm qua (từ 2007-2016), toàn tỉnh có gần 23.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài, bình quân mỗi năm có trên 2.200 người đi XKLĐ.

Nên 2007, số lượng người tham gia XKLĐ chỉ có 1.800 người thì đến năm 2016 con số này đã tăng lên gần 2.500 người.

Thế nhưng, anh lại không may rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo, khiến gia đình rơi vào tình cảnh nợ “chồng” nợ. “Chúng tôi nộp hồ sơ và được dạy tiếng, học được nửa tháng thì họ nói về sẵn sàng để bay nên tất cả chúng tôi về quê để chuẩn bị. Thế nhưng, khi ra lại Hà Nội theo lời hẹn, chúng tôi mới biết mình bị lừa...” - anh Nguyễn Văn Thoại buồn bã chia sẻ.

Cũng như anh Thoại, vì cuộc sống khó khăn, nghề biển hiện nay vất vả, anh Nguyễn Văn Diệu cũng có nguyện vọng cho con trai của mình là Nguyễn Văn Ất, đi lao động nước ngoài. “Cũng vì mình mong mỏi cho con được đi, lại không cảnh giác nên mới bị lừa, giờ thì “tiền mất, tật mang”...” - anh Diệu tâm sự.

Không chỉ lừa đảo XKLĐ, trước đó, ở Quảng Bình cũng từng xuất hiện đường dây lừa đảo bằng hình thức đưa người đi nước ngoài du học. Anh Nguyễn Thanh Bình, trú tại thôn Trung Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) chính là nạn nhân của đường dây này. Vì muốn cho con trai là Nguyễn Khánh Yên đi Hàn Quốc du học, anh đã bị các đối tượng xấu lừa mất 185 triệu đồng.

Rõ ràng, do nhu cầu cấp thiết cần tìm việc làm để mưu sinh, một số lao động mong muốn có cơ hội làm giàu nhanh, trong khi nhận thức còn hạn chế, cho nên, dễ bị dụ dỗ, lừa gạt bằng nhiều hình thức. Ông Lê Xuân Dục, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TB-XH cho rằng, để bảo đảm quyền lợi của người lao động và tránh các rủi ro liên quan, người dân có nhu cầu XKLĐ cần lựa chọn đơn vị uy tính, có tư cách pháp nhân.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là một trong những địa chỉ tư vấn XKLĐ đáng tin cậy. Người lao động trước hết phải có hiểu biết, có thông tin để tự bảo vệ mình trước những rủi ro và trước những hành vi lừa gạt XKLĐ đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo từ lâu.

Ngọc Lưu

Kỳ 2: Nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực