.

Vượt lên chính mình

Thứ Bảy, 24/06/2017, 11:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh Phạm Thanh Nam, SN 1979, là tấm gương người khuyết tật vượt khó ở thôn Đông Dương, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch). Sinh ra trong một gia đình có nhiều khó khăn, bố là cựu chiến binh sức khỏe yếu, mẹ bị bệnh mãn tính, anh sớm lăn lộn với nghề biển để nuôi dạy các em. Năm 2006, sau khi xây dựng gia đình được 3 năm, không may trong một tai nạn lao động, anh mang thương tích phải cắt bỏ cánh tay phải. Cuộc sống từ đó lại càng vất vả trăm bề.

Sau khi chạy chữa, chăm sóc cho chồng bình phục, chị Phạm Thị Minh, vợ anh, thức khuya dậy sớm với nghề buôn bán hàng hải sản, bà con thương tình đã nhường nhiều mối hàng cho chị. Ngoài ra, chị còn mở thêm quầy tạp hóa để anh quản lý, kiếm thêm thu nhập bảo đảm cho cuộc sống gia đình.

Trong cái khó ló cái khôn, năm 2012, anh Nam tự học hỏi và mạnh dạn mở nghề cắt lưỡi câu phục vụ ngư dân. Đây là một nghề đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, chiếc lưỡi câu thành phẩm vừa đúng kích cỡ, vừa tinh, đẹp nhưng phải vừa sắc bén, khi cá cắn mồi không bị sẩy, bị hóc.

Anh Phạm Thanh Nam đang làm việc cùng chiếc máy chế tạo lưỡi câu.
Anh Phạm Thanh Nam đang làm việc cùng chiếc máy chế tạo lưỡi câu.

Để đáp ứng đòi hỏi này, người đủ hai tay còn khó khăn, huống gì như anh chỉ vận hành có...  một tay. Với ý chí và nghị lực của bản thân, anh quyết tâm theo đuổi và đầu tư mua sắm đồ nghề để chế tạo lưỡi câu. Đối với nghề này, vốn đầu tư không lớn nhưng nếu làm tốt sẽ cho thu nhập ổn định.

Sau khi đi vào sản xuất hơn một năm, anh may mắn được các cán bộ thực địa nhóm “Những người đồng cảnh ngộ” thuộc Trung tâm bảo trợ người khuyết tật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh hỗ trợ một giàn máy đa năng. Các công đoạn sản xuất một chiếc lưỡi câu rất phức tạp. Bởi với vật liệu là inox, ngoài chuốt nhọn và cắt ngạnh, khó khăn nhất là khâu uốn chân kim, anh phải kết hợp kẹp giữ bằng hai chân và dùng tay trái để uốn.

Anh Nam cho biết, chiếc máy đã giúp anh tăng năng suất, tiết kiệm được khá nhiều sức lao động. Nhờ đó, anh thu nhập mỗi ngày từ 150-200.000 đồng, trung bình 5 triệu đồng/tháng, sản phẩm của anh không chỉ phục vụ tại địa phương mà còn rất uy tín với ngư dân trong vùng. Thời kỳ xảy ra sự cố môi trường biển, việc mua bán hải sản thất thu, vợ anh phải quay về bán hàng ăn uống để giải quyết khó khăn, riêng anh vẫn miệt mài chế tạo đủ các loại lưỡi câu và dụng cụ phục vụ nghề câu, dù mức độ tiêu thụ có giảm so với trước.  

Đến nay vợ chồng anh chị có với nhau hai con, một gái một trai, các cháu đang học lớp 10 và lớp 4. Mặc dù gặp hoàn cảnh không may nhưng họ rất thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ, động viên nhau vượt lên chính mình, vươn tới những khát vọng tốt đẹp. Anh chị tham gia hầu hết các hoạt động của địa phương và thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ công dân.

Đặc biệt, anh còn là thành viên xuất sắc của Câu lạc bộ bóng đá xã Cảnh Dương, mọi người quen gọi là “FC Cảnh Dương”. Ngoài danh hiệu Gia đình văn hóa, hàng năm gia đình anh chị còn được bình xét là Gia đình thể thao cấp xã. Anh Phạm Thanh Nam là một thanh niên khuyết tật giàu nghị lực, là tấm gương cho những người không may gặp rủi ro trong cuộc sống.

Nguyễn Tiến Nên