.

TP. Đồng Hới: Hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ

Thứ Sáu, 26/05/2017, 09:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong thời gian gần đây, các tỉnh, thành trên toàn quốc đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chính vì vậy, trong năm 2017, TP. Đồng Hới xác định thực hiện tốt các giải pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng -an ninh trên địa bàn thành phố.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn PCCC tại một trường học trên địa bàn thành phố.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn PCCC tại một trường học trên địa bàn thành phố.

Thành phố Đồng Hới có diện tích 156,5 km2, dân số khoảng 32.300 hộ sinh sống tại 16 đơn vị hành chính xã, phường. Với đặc thù là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nên trên địa bàn thành phố tập trung nhiều cơ quan, đơn vị cấp Trung ương, địa phương cũng như các trung tâm thương mại, chợ, sân bay, nhà ga, bến xe...

Trong khi đó, địa bàn thành phố có cơ cấu, bố trí đan xen giữa khu dân cư với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Ngoài ra, Đồng Hới có tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, kéo theo các nhu cầu tiêu dùng xăng dầu, ga hóa lỏng, điện trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Trong năm 2016, TP. Đồng Hới xảy ra 10 vụ cháy (không kể cháy rừng), trong đó 7 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy quán karaoke, 1 vụ cháy xe ô tô, 1 vụ cháy cột điện gây thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng (tăng 1 vụ so với năm 2015); xảy ra 1 vụ nổ bom bi và 1 vụ nổ bóng bay làm chết 1 người và 10 người bị thương.

Điển hình, vào ngày 19-10, xe taxi Mai Linh có biển kiểm soát 73A-03303 bốc cháy tại Phú Thượng, Phú Hải gây thiệt hại 300 triệu đồng. Hay vụ nổ bom bi tại khu vực tiểu khu 357, ở phân trường 1, Chi nhánh lâm trường Vĩnh Long đã làm 1 người chết và 1 người bị thương vào ngày 29-7. Riêng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra vụ cháy tàu cá nghiêm trọng gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Qua thực tế các vụ cháy xảy ra cho thấy, công tác PCCC trên địa bàn thành phố trong thời gian qua còn nhiều bất cập và khó khăn. Trước hết, các điều kiện để bảo đảm yêu cầu công tác PCCC chưa đáp ứng kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Hới hiện nay, nhất là ở khu dân cư tập trung nhiều nhà sử dụng vật liệu dễ cháy, chợ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đan xen trong các khu dân cư...

Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC, nên việc củng cố kiện toàn, xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ còn mang tính hình thức. Đáng chú ý, một số đơn vị trên địa bàn thành phố có mua sắm và trang bị phương tiện PCCC, nhưng công tác bảo quản, thay thế, bổ sung không thường xuyên đã dẫn đến tình trạng hư hỏng, xuống cấp và chữa cháy không hiệu quả. Công tác tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng bảo vệ dân phố và dân phòng tại các khu dân cư chưa được các địa phương chú trọng thực hiện.

Mặt khác, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCCC còn hạn chế, thiếu chiều sâu. Do đó, việc chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận dân cư, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa thật sự nghiêm túc.

Trong khi đó, công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ theo quy định của luật. Đơn cử, tại các chợ trên địa bàn TP. Đồng Hới, BQL chợ thành phố đã tổ chức cho 100% hộ kinh doanh của 11/11 chợ cam kết bảo đảm an toàn PCCC, song nhiều chủ cơ sở kinh doanh vẫn còn tiếp diễn thói quen đốt vàng mã, thắp hương, đèn ở khu vực cấm lửa.

Hiện nay, toàn thành phố đã có 16/16 xã, phường, 179 cơ quan, doanh nghiệp và trường học thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ với gần 1.240 thành viên tham gia. Đồng Hới cũng đã xây dựng được 48 đơn vị tiên tiến và 148 khu dân cư an toàn về PCCC theo mô hình “Đơn vị tiên tiến, khu dân cư an toàn PCCC”.

Vì vậy, trong thời gian tới, để hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra, bảo đảm an toàn cho tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như chính quyền và công an các địa phương cần thật sự quan tâm chú trọng và có sự đầu tư đúng mức cho công tác PCCC ở địa bàn, khu vực, đơn vị mình quản lý.

Trước hết, các địa phương, đơn vị phải củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng PCCC tại các khu dân cư, đi đôi với việc bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng này. Đồng thời, phải duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của lực lượng PCCC ở các địa phương, cơ sở nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, chủ động bảo vệ từ xa, dựa trên phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Một trong những biện pháp PCCC thiết thực và hiệu quả nhất chính là nâng cao nhận thức về công tác PCCC trong cộng đồng dân cư. Do đó, TP. Đồng Hới tăng cường công tác vận động, tuyên truyền Luật PCCC, các văn bản liên quan đến công tác PCCC bằng nhiều hình thức, biện pháp mang tính thiết thực để giáo dục và hướng dẫn cho mọi người dân biết, hiểu và chấp hành tốt các quy định của Luật PCCC.

Đặc biệt, với những địa điểm, cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao như: chợ, trung tâm thương mại và khu dân cư trọng điểm, kinh doanh xăng dầu, mua bán phế liệu..., lực lượng chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, trường học, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thường xuyên thực hiện tự kiểm tra công tác PCCC tại đơn vị của mình, phát hiện các thiếu sót, những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến cháy nổ và kịp thời khắc phục những sơ hở về an toàn PCCC do cơ quan chuyên trách yêu cầu hoặc qua công tác tự kiểm tra phát hiện được. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành các quy định về Luật PCCC và gây ra cháy, nổ, cần phải xử lý nghiêm minh.

Thùy Lâm