.

Quảng Trạch: Nỗ lực chăm sóc người tàn tật và trẻ mồ côi

Thứ Ba, 23/05/2017, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Bám sát chức năng, nhiệm vụ, trong những năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch đã có nhiều nỗ lực trong công tác hội, giúp đỡ nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Sinh ra trên vùng quê nghèo ở thôn 3, xã Quảng Thạch, cha bỏ đi, mẹ mất sớm, bản thân bị tàn tật do tai nạn lao động, nhưng được sự động viên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch, anh Phan Xuân Phương đã vượt lên chính mình, xây dựng mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Khi mới thành lập trang trại, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực, vợ chồng anh đã kiên trì từng bước gây dựng trang trại theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài", "tích lũy con giống, nhân rộng tổng đàn". Đến nay, trang trại của anh Phương thường xuyên nuôi luân canh khoảng 3.000 con gà, ngan, bồ câu, hơn 100 con thỏ và 7 con bò. Trên diện tích đất đồi khoảng 10 ha, anh Phương đã phủ kín hơn 50 ngàn cây keo lai và bạch đàn, hiện đang thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh Phương có nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng.

Anh Phan Xuân Phương cho biết, sau khi điều trị căn bệnh chấn thương sọ não tại Bệnh viện Trung ương Huế, anh phải nợ số tiền gần 300 triệu đồng, mà bản  thân cũng phải chịu tàn tật. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình, làng xóm và các ban ngành, địa phương, nên anh mới xây dựng được trang trại như ngày hôm nay.

Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng rừng của người tàn tật huyện Quảng Trạch mang lại hiệu quả cao.
Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng rừng của người tàn tật huyện Quảng Trạch mang lại hiệu quả cao.

Không chỉ giúp đỡ, động viên gia đình anh Phan Xuân Phương, trong những năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch đã tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sinh kế giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng tàn tật trên địa bàn huyện, như: mô hình sinh kế tặng cho 11 hộ có người tàn tật ở xã Quảng Tùng với 11 con bò, đến nay đã nhân thêm 13 con bê, xây dựng 1 ngôi nhà với trị giá 40 triệu đồng.

Ngoài ra, hội còn phối hợp với các tổ chức xây và sửa chữa 125 ngôi nhà trị giá trên 2,6 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 115 hộ gia đình có người khuyết tật trị giá gần 1,6 tỷ đồng và hỗ trợ xe đạp, xe lăn, xe lắc, học bổng cho nhiều đối tượng bị tàn tật hệ vận động, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế tạo việc làm, hội còn tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho các đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi vào các dịp lễ tết, thiên tai, lũ lụt, Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4 hàng năm. Hội tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình có người tàn tật gặp hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Công Quyết, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch cho biết, thời gian tới, hội sẽ tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các đối tượng theo hướng tạo sinh kế "cho cần câu, chứ không cho con cá", đầu tư vốn cho các đối tượng có khả năng sản xuất, kinh doanh để nhân rộng điển hình, thu hút, tạo việc làm cho các đối tượng tàn tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Với vai trò nòng cốt, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Trạch đã giúp được nhiều đối tượng người tàn tật, trẻ mồ côi trên địa bàn vượt lên số phận. Tuy nhiên, để có được cuộc sống ổn định lâu dài, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện, có các chính sách ưu tiên để giúp họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Thế Lực
(Đài TT-TH Quảng Trạch)