.

Tạo sinh kế cho người buôn bán nhỏ

Chủ Nhật, 23/04/2017, 15:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau chỉnh trang đô thị, xử lý các trường hợp kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, nhiều người buôn bán nhỏ, kinh doanh theo thời vụ dọc tuyến phố xung quanh các chợ hầu như mất thu nhập. Để tạo sinh kế cho những đối tượng này, Ban quản lý (BQL) chợ TP. Đồng Hới đã có những động thái hợp lý, tạo điều kiện cho những hộ có nhu cầu vào buôn bán tại các chợ do đơn vị quản lý.

BQL chợ TP. Đồng Hới là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ quản lý 5 chợ trên địa bàn gồm các chợ: Đồng Hới, Nam Lý, Công Đoàn, Cộn và Lộc Đại. Hiện tại, BQL chợ Đồng Hới có 67 cán bộ, viên chức và người lao động, ngoài ra có thêm 65 lao động thời vụ trong các lĩnh vực: bảo vệ, trông giữ xe, vệ sinh môi trường...

Theo ông Lê Chiến Trung, Trưởng BQL chợ TP. Đồng Hới, với tính chất công việc đa dạng, đặc thù nên đơn vị vừa duy trì tốt hiệu quả quản lý, vừa bảo đảm nguồn thu cho thành phố. Năm 2016, chỉ tiêu thu từ các điểm kinh doanh cố định, kinh doanh ngoài trời, phí vệ sinh, phí trông giữ xe, thu dịch vụ bảo vệ hàng hóa... đạt trên 7.530 triệu đồng, bằng 102,2% chỉ tiêu thành phố giao. Năm 2017, tổng thu phí đề ra trên 6.682 triệu đồng, trong đó: chợ Đồng Hới 3.494 triệu đồng, chợ Nam Lý 2.154 triệu đồng, chợ Cộn 404 triệu đồng, chợ Công Đoàn 428 triệu đồng, chợ Lộc Đại 185 triệu đồng. Tổng thu dịch vụ cố gắng đạt trên 1.072 triệu đồng (chợ Đồng Hới 650 triệu đồng, chợ Nam Lý 318 triệu đồng và chợ Cộn 104 triệu đồng).

Tình trạng buôn bán trên vỉa hè đường Mẹ Suốt thường xuyên diễn ra trước khi thành phố Đồng Hới chưa tiến hành chỉnh trang đô thị.
Tình trạng buôn bán trên vỉa hè đường Mẹ Suốt thường xuyên diễn ra trước khi thành phố Đồng Hới chưa tiến hành chỉnh trang đô thị.

Thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Thành ủy Đồng Hới về xây dựng nếp sống văn minh đô thị Đồng Hới giai đoạn 2016-2020, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác chỉnh trang, lập lại trật tự đô thị, trật tự công cộng và xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bảo đảm giao thông và mỹ quan đô thị. Sau khi giải tỏa vỉa hè, hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán nhỏ, buôn bán theo thời vụ dọc những tuyến phố xung quanh các chợ bị giải tỏa, mất việc làm, mất thu nhập. Trước tình hình đó, BQL chợ TP.Đồng Hới có các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi để những hộ buôn bán này vào bán tại các chợ.

Từ ngày 29-3 đến 5-4- 2017, UBND phường Hải Đình tiến hành ra quân lập lại trật tự đô thị tại các tuyến phố Hương Giang, Mẹ Suốt, Quang Trung, Quách Xuân Kỳ, Thanh Niên... Cùng với BQL chợ TP. Đồng Hới, phường yêu cầu 23 hộ kinh doanh trên đường Hương Giang ký cam kết không tái chiếm vỉa hè. Riêng đường Mẹ Suốt, hàng chục tiểu thương kinh doanh buôn bán nhỏ, buôn bán theo thời vụ là những người từ các địa phương khác đến được nhắc nhở, cam kết không buôn bán trên vỉa hè.

Ông Võ Quốc Thịnh, Chủ tịch UBND phường Hải Đình cho biết: “Với những người kinh doanh buôn bán nhỏ, trước đây họ bám vỉa hè để buôn bán vì không có khả năng đăng ký địa điểm trong các chợ. Hoạt động buôn bán quy mô nhỏ, chủ yếu bán hoa quả, nông sản, hàng tạp hóa... Sau khi UBND phường tiến hành giải tỏa vỉa hè, chỉnh trang đô thị, người kinh doanh buôn bán nhỏ, bán hàng rong không còn địa điểm buôn bán. Phường Hải Đình đã làm việc với BQL chợ thành phố, tạo điều kiện cho họ vào đăng ký địa điểm trong các chợ nếu có nhu cầu”.

Trở lại câu chuyện cùng ông Lê Chiến Trung, ông Trung cho biết thêm: “Ban đầu diện tích chợ Đồng Hới khoảng 12.000m2, theo tốc độ đô thị hóa cùng nhu cầu giao thương, buôn bán với vai trò là chợ trung tâm tỉnh lỵ, chợ đầu mối, chợ Đồng Hới đã nâng cấp, mở rộng lên 16.000m2, tuy nhiên vẫn không đáp ứng hết nhu cầu. Khi các hộ buôn bán nhỏ trên vỉa hè tập trung vào khuôn viên chợ Đồng Hới sẽ chật chội hơn. Trước nhu cầu cấp thiết, UBND thành phố tiến hành cải tạo, nâng cấp một số hạng mục các chợ: cải tạo hệ thống thoát nước, sân bê tông tại chợ Nam Lý, kinh phí 1,5 tỷ đồng; chợ Đồng Hới, kinh phí 376 triệu đồng; đầu tư mở rộng chợ Cộn giai đoạn I, kinh phí 15 tỷ đồng... Nếu những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, buôn bán theo thời vụ phân tán ra các chợ vệ tinh, sẽ giảm áp lực cho chợ trung tâm Đồng Hới”.

Anh Lê Văn Vũ đã được bố trí địa điểm bán dừa hợp lý để giữ được “cần câu cơm” của mình.
Anh Lê Văn Vũ đã được bố trí địa điểm bán dừa hợp lý để giữ được “cần câu cơm” của mình.

Để tìm hiểu sâu hơn tình hình buôn bán của các hộ kinh doanh nhỏ dọc vỉa hè tại phường Hải Đình được bố trí vào trong khuôn viên chợ, chúng tôi trở lại chợ Đồng Hới. Dọc các tuyến đường Mẹ Suốt, Hương Giang vỉa hè đã thông thoáng, ngăn nắp. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán, trông giữ xe máy hầu như không còn.

Hai mẹ con bà Đỗ Thị Hương và Nguyễn Thị Nga ở tỉnh Thái Bình vào bán hàng rong tại Quảng Bình hơn 18 năm. Bám vỉa hè trên đường Mẹ Suốt để có “đồng ra đồng vào”, khi bị giải tỏa và được bố trí trong khuôn viên chợ Đồng Hới để kinh doanh, bà Hương cho biết công việc buôn bán ổn định, mặc dù thu nhập giảm đáng kể so với trước đây, nhưng về lâu dài sẽ bền vững.

Lê Văn Vũ, người khuyết tật từ xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) đưa vợ con về bán dừa lưu động trên đường Mẹ Suốt. Sau khi bị giải tỏa, BQL chợ TP.Đồng Hới dành cho xe dừa của Vũ một nơi hợp lý để kinh doanh. “Tất cả bắt đầu lại từ đầu, người khuyết tật như vợ chồng chúng em, có được nơi đứng chân bán hàng là tốt rồi”- Vũ chia sẻ.

Sau khi bị giải tỏa, trên 50 người buôn bán nhỏ, buôn bán theo thời vụ được bố trí địa điểm trong khu vực chợ Đồng Hới. Và sinh kế của họ cùng gia đình cơ bản bảo đảm.

Thanh Long