.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Giáo viên mầm non 60 tuổi có đủ sức chạy theo trẻ?

Thứ Năm, 27/04/2017, 09:23 [GMT+7]

Nguyên nhân đầu tiên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra để lý giải cho đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng-mức hưởng, thời gian đóng-thời gian hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn. Tăng tuổi nghỉ hưu được nhắc đến như là một xu thế tất yếu, thế nhưng tăng như thế nào để người lao động có thể chấp nhận được chính là “bài toán khó”.

Giáo viên mầm non có còn đủ sức khỏe để kéo dài tuổi nghỉ hưu lên đến 60? (Ảnh minh họa: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Giáo viên mầm non có còn đủ sức khỏe để kéo dài tuổi nghỉ hưu lên đến 60? (Ảnh minh họa: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Một chuyên gia đã đặt ra câu hỏi về việc tăng tuổi nghỉ hưu: “Liệu giáo viên mầm non mà tăng lên 60 tuổi mới về hưu thì có còn sức dạy múa hay chạy theo chăm sóc các cháu học sinh không?”. Vậy thì bao giờ tăng tuổi nghỉ hưu, tăng theo lộ trình như thế nào, tăng với ai và không tăng với ai là hợp lý... đang là những câu hỏi được đặt ra xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần thứ 2 mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố.

Lộ trình tăng tuổi nhanh gấp đôi

Một trong những điều đáng lo ngại nhất là tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động rất lớn tới thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, vì vậy trong dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) lần thứ nhất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu khi Bộ luật Lao động có hiệu lực (dự kiến năm 2018) và mỗi năm chỉ tăng 3 tháng. Theo phương án này, phải đến năm 2048 thì nữ mới về hưu ở tuổi 60 và năm 2026 thì nam về hưu ở tuổi 62.

Thế nhưng trong dự thảo lần thứ 2, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã được đẩy nhanh gấp đôi, thay vì mỗi năm tăng 3 tháng, phải 20 năm sau lao động nữ mới về hưu ở tuổi 60 thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất mỗi năm tăng 6 tháng và chỉ mất 10 năm để lao động nữ về hưu ở tuổi 60. Với phương án mới, đến năm 2030, lao động nữ về hưu 60 tuổi và năm 2024 lao động nam về hưu 62 tuổi.

Giải thích cho việc lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu này, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Một số chuyên gia có ý kiến cho rằng, tăng 3 tháng/năm lắt nhắt và khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc tính toán đóng, hưởng để giải quyết các chế độ. Tại các buổi hội thảo, còn có những ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình 1 năm tăng 1 tuổi… cho dễ tính toán.”

Với tốc độ lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tăng nhanh gấp đôi, nỗi lo lắng ảnh hưởng đến việc làm cho thanh niên lại càng lớn hơn. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước ta trong những năm vừa qua luôn cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Cơ cấu dân số của nước ta hiện đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và thời kỳ này còn kéo dài trên một thập kỷ nữa. Mô hình kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động, phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Tất cả những yếu tố trên làm cho vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trẻ vẫn là một trong những áp lực lớn trong những năm tới đây.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho rằng, về kinh tế thì tốc độ tăng trưởng việc làm đang thấp hơn tốc độ tăng trưởng lao động nên thất nghiệp nhiều, đẩy lao động trẻ khỏi thị trường. Khi nào tốc độ tăng việc làm cao hơn tốc độ tăng lao động thì tăng tuổi nghỉ hưu mới không ảnh hưởng.

Cũng thừa nhận việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến thị trường lao động, ông Hà Đình Bốn nhận định, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không tránh khỏi một số hệ lụy, ảnh hưởng, cản trở việc làm của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên việc điều chỉnh tuổi nghỉ thực hiện theo một lộ trình được tính toán thì sẽ dần ổn định và đi vào quỹ đạo.

“Chúng ta lựa chọn phương án nào cũng có lợi và hại, vấn đề là phải lựa chọn phương án có lợi cho lâu dài,” ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh.

 Hiện nay, những người về hưu trước tuổi đa số là công nhân lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Hiện nay, những người về hưu trước tuổi đa số là công nhân lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ai sẽ không tăng tuổi nghỉ hưu

Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73 đối với nam, 75 đối với nữ. Nam giới ở tuổi 60 trung bình còn sống thêm khoảng 20 năm, nữ giới ở tuổi 55 trung bình còn sống thêm khoảng 24,5 năm, có nghĩa là thời gian hưởng lương hưu còn rất dài vì vậy cần điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối việc đóng-hưởng bảo hiểm xã hội.

Nguyên nhân tăng tuổi nghỉ hưu là đang rất cần thiết là thế, nhưng liệu thực tế thì có phải người lao động nào cũng có thể tiêp tục làm việc đến tuổi 60, 62. Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đặt ra câu hỏi: “Giáo viên mầm non đến 60 tuổi liệu có còn sức khỏe để chạy theo các cháu học sinh được không? vì cậy cần phải xem xét đối với những lao động này có thể không tăng tuổi nghỉ hưu hoặc phải bố trí những công việc khác."

Theo ông Phạm Minh Huân, cần có một lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để xã hội quen dần, giảm “sốc” cho thị trường lao động. Trong điều kiện, cung cầu thị trường lao động đang mất cân đối, lựa chọn 1 năm tăng 3 tháng với lộ trình dài hơi hơn sẽ hợp lý hơn.

“Khi tính toán các phương án, quan trọng nhất là đánh giá tác động của tăng tuổi nghỉ hưu đến thị trường lao động, sức khỏe, quỹ hưu trí… và phân chia các bước đi cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng giai đoạn. Đặc biệt, không phải ai cũng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, trước mắt vẫn phải giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu cho bộ phận người làm công việc nặng nhọc độc hại là nữ 50 và nam 55 tuổi,” ông Phạm Minh Huân nói.

Ông Phạm Minh Huân cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu có để phân chia thành lộ trình và phân loại các nhóm đối tượng. Khối hành chính, sự nghiệp và viên chức quản lý, những người làm chuyên môn nghiệp vụ tại các doanh nghiệp có thể sẽ tăng tuổi nghỉ hưu trước. Những người lao động trực tiếp sản xuất sẽ là đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu sau cùng. Chẳng hạn, hơn 4 triệu lao động trong khu vực hành chính, sự nghiệp sẽ tăng tuổi nghỉ hưu trước, 9 triệu còn lại sẽ tăng sau.

Đồng tình với quan điểm không phải ai cũng sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là riêng khu vực sản xuất trực tiếp không được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp cũng phải tùy từng ngành, nghề để điều chỉnh cho phù hợp, chẳng hạn như nghề điều dưỡng, hộ lý, giáo viên tiểu học, mầm non... không thể tăng tuổi nghỉ hưu.

“Người lao động Việt Nam ở các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản... làm việc đến 30 hoặc 35 tuổi đã bị cho nghỉ rồi thì làm sao kéo dài được đến tuổi nghỉ hưu,” ông Mai Đức Chính nói.

Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần thứ 2 cũng có quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

Đặc biệt, ông Hà Đình Bốn cho biết, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ quy định tuổi nghỉ hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên việc tăng tuổi có thể sẽ chia theo các nhóm lao động và được Chính phủ quy định cụ thể. Để lựa chọn ra phương án cuối cùng trình Chính phủ và Quốc hội, dự thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong hai tháng tới./.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa chú trọng đến nhóm lao động nặng nhọc, độc hại. (Nguồn: VNEWS)

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)