.

Sở Tài nguyên-Môi trường: Tập trung kiểm tra, thanh tra, xử lý các vấn đề cử tri quan tâm

Thứ Năm, 13/04/2017, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của HĐND tỉnh và UBND tỉnh về việc giải quyết các nội dung cử tri kiến nghị, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra vào đầu tháng 12-2016, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã tập trung kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời những vấn đề nổi lên trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Về vấn đề tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quy hoạch, cắm mốc hành lang bảo vệ hồ, đập thủy lợi, phân định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong khai thác, sử dụng, quản lý về bảo vệ môi trường lòng hồ và các khu vực lân cận, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định số 42/2015/QĐ-UBND, ngày 8-12-2015 quy định quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nói chung và các hồ, đập chứa nước nói riêng.

Thanh tra Sở TN-MT phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Thanh tra Sở TN-MT phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, cắm mốc bảo vệ hành lang và khu vực bảo hộ vệ sinh nguồn nước tại Hồ chứa nước Phú Vinh (Đồng Hới). Để có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về việc lập quy hoạch, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước các hồ, đập, ngày 5-1-2017, Sở TN-MT đã có văn bản số 11/STNMT-TNN gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã để phối hợp rà soát, thống kê, lập danh mục các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn theo mục đích sử dụng, chất lượng nguồn nước, thực trạng quản lý môi trường quanh hồ, đập. Qua kết quả thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 121 hồ, 92 đập, trong đó có 12 hồ và 11 đập cấp nước cho sản xuất nông nghiệp kết hợp cấp nước sinh hoạt.

Về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn nước phục vụ dân sinh tại các hồ, đập thủy lợi, Sở TN-MT đã tiến hành kiểm tra và kết quả cho thấy, chất lượng nguồn nước của các hồ, đập nói trên hiện nay vẫn đang nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Các hồ, đập đều có khả năng tự làm sạch, trong lưu vực có hệ thống cây xanh (rừng trồng sản xuất, rừng phòng hộ đầu nguồn) bao quanh bảo vệ và chưa phát hiện có hồ, đập có nguy cơ bị ô nhiễm.

Qua kiểm tra, Sở TN-MT cũng nhận thấy, về lâu dài việc quản lý chất lượng nguồn nước các hồ, đập và hệ thống sông, suối là yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đòi hỏi phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các hồ, đập, khu vực bảo hộ vệ sinh các nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 43/2015/NĐ-CP, ngày 6-5-2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Về vấn đề này, hiện Sở TN-MT đang tiến hành lập đề cương nhiệm vụ để xin chủ trương của UBND tỉnh lập quy hoạch đối với 4 hồ chứa nước lớn đã được cấp phép khai thác nước sinh hoạt gồm: Hồ Bàu Tró (3,6 triệu m3) tại phường Hải Thành (Đồng Hới); hồ Vực Nồi (13,6 triệu m3) tại xã Vạn Trạch (Bố Trạch); hồ Bàu Sen (1,25 triệu m3) tại xã Quảng Phương và hồ Sông Thai (6,25 triệu m3) tại xã Quảng Kim (Quảng Trạch).

Cùng đó, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm tại các hồ, đập và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với vấn đề tăng cường công tác quản lý việc khai thác cát, sạn trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt kiểm tra nhằm xử lý hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và cát, sỏi lòng sông nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Tính từ đầu năm 2017 đến hết tháng 3-2017, qua thanh tra, kiểm tra Sở TN-MT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức và 1 cá nhân do vi phạm khai thác khoáng sản trái phép, với số tiền xử phạt 44 triệu đồng. Cùng với đó, Sở TN-MT đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND cấp huyện yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát sỏi lòng sông trái phép. Với sự vào cuộc quyết liệt đó, đến nay tình hình khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được chấn chỉnh, tình hình dần đi vào ổn định.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra, để chấn chỉnh và chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung và cát sỏi lòng sông nói riêng, Sở TN-MT cũng đã có đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện một số biện pháp cụ thể như: UBND cấp huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra giám sát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác khoáng sản làm các thủ tục để được cấp phép khai thác tại các điểm mỏ hiện nay đã được quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật...

Về vấn đề phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; đồng thời có giải pháp khả thi nhằm kiểm soát, khắc phục, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, Sở TN-MT đã tập trung tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường chung toàn tỉnh đối với các thành phần môi trường.

Qua đánh giá tổng thể kết quả quan trắc chất lượng các thành phần môi trường năm 2016 cho thấy: Kết quả về tổng thể môi trường tỉnh ta các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép, chưa có dấu hiệu ô nhiễm trên diện rộng và mang tính chất thường xuyên.

Hiện tượng ô nhiễm cục bộ, mang tính tức thời vẫn còn diễn ra tại một số nhà máy, cơ sở sản xuất do công trình xử lý môi trường gặp sự cố, như tại nhà máy xi măng, một số cơ sở khai thác chế biến đá, chế biến mủ cao su, tinh bột sắn, chế biến bột cá... Qua kiểm tra, Sở TN-MT đã kịp thời chấn chỉnh và hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường. Các cơ sở có vi phạm đều đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, chỉ tính trong quý I-2017, Sở TN-MT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đơn vị với số tiền 103 triệu đồng (trong đó đình chỉ hoạt động 2 đơn vị: Cơ sở chế biến mủ cao su ở thị trấn Nông trường Việt Trung và Nhà máy gạch Tuynen Hưng Bình ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch; tạm đình chỉ hoạt động đối với Nhà máy xi măng Áng Sơn thuộc Công ty xi măng Vicem Hải Vân). Đến nay các cơ sở cơ bản đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường của đơn vị mình.

Đối với việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020”, đến nay, trong 22 cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo 2 quyết định nêu trên, đã xác nhận hoàn thành, đóng cửa, di dời và thực hiện xong xử lý môi trường 8 cơ sở; 9 cơ sở đã được đầu tư kinh phí khắc phục, tuy nhiên chưa đồng bộ gồm: 4 bãi rác ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch và Bố Trạch; 5 bệnh viện (gồm: Bệnh viện đa khoa huyện Lệ thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch và Bắc Quảng Bình) hiện đang từng bước triển khai hoàn thiện.

Cơ sở chế biến mủ cao su ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) của ông Trần Văn Linh bị Sở TN-MT đình chỉ hoạt động vì có nhiều vi phạm.
Cơ sở chế biến mủ cao su ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) của ông Trần Văn Linh bị Sở TN-MT đình chỉ hoạt động vì có nhiều vi phạm.

Đối với bãi rác ở Minh Hóa đã được Bộ TN-MT hỗ trợ kinh phí để cải tạo, nâng cấp và hiện Sở TN-MT đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Bệnh viên đa khoa các huyện Minh Hóa, Bắc Quảng Bình, Lệ Thủy, Đồng Hới hiện đang được Sở Y tế đầu tư lò hấp để xử lý chất thải rắn y tế.

Vấn đề cải tạo mặt bằng, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản thời gian trước đây còn một số bất cập. Cụ thể, các doanh nghiệp được cấp phép khoáng sản chưa thực hiện nghiêm túc việc cải tạo mặt bằng, phục hồi môi trường; việc kiểm tra, giám sát của các cấp, chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến một số khu vực sau khai thác chưa được cải tạo, phục hồi môi trường kịp thời như cử tri phản ánh. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở TN-MT đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành liên quan và UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về môi trường, Sở TN-MT luôn đặc biệt quan tâm chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được phê duyệt, Sở TNMT tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên nước trong hoạt động khai thác khoáng sản (chú trọng vào khai thác đá, khai thác cát, sỏi lòng sông) và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khác để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành liên quan và UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn...

Bùi Thành