.

S Project và nỗ lực phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

Thứ Hai, 10/04/2017, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày đầu tháng 4-2017, khi dư luận đang “nóng” với tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, tại Trường THCS Bắc Nghĩa (thành phố Đồng Hới) đã diễn ra chương trình ngoại khóa phòng chống xâm hại tình dục trẻ em do Dự án “Giáo dục giới tính” (S Project) tổ chức. Chương trình đã thu hút sự tham gia chú ý của các em học sinh và đội ngũ thầy cô giáo, bước đầu đã góp phần trang bị những kiến thức, kỹ năng quan trọng để các em có thể tự bảo vệ mình trước nạn xâm hại tình dục trẻ em, tránh được những hậu quả xấu.

S Project được thành lập vào tháng 10-2015 tại thủ đô Hà Nội với sự hỗ trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số. Trưởng ban tổ chức dự án là Nguyễn Thị Song Trà (quê Hạ Trạch, Bố Trạch), hiện là sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hơn một năm thành lập và đi vào hoạt động, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động tại các trường tiểu học và THCS tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Bình. Cùng với các chương trình ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về giới tính, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, dự án đã tổ chức các cuộc thi vẽ tranh “Giáo dục giới tính: Nói đi, đừng ngại!”, thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. Có thể nói, hoạt động của dự án, dù khá mới mẻ ở các trường học tại Quảng Bình, nhưng bước đầu đã góp phần giúp các em học sinh tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng vô cùng quan trọng.

Tháng 10-2016, lần đầu tiên dự án có mặt tại các Trường tiểu học Hạ Trạch, Mỹ Trạch, THCS Mỹ Trạch, THCS Lưu Trọng Lư (huyện Bố Trạch). Chương trình giáo dục giới tính cho trẻ từ 9 đến 12 tuổi gồm những clip, hình ảnh, trò chơi, kịch, tương tác trực tiếp xoay quanh những nội dung gần gũi như sự khác nhau giữa nam và nữ, thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, cách chăm sóc bản thân trong tuổi dậy thì, nhận biết hành vi xâm hại, cách phòng tránh lạm dụng... đã được các em học sinh hồ hởi đón nhận. Trao đổi về mục đích và những hoạt động của S Project, Nguyễn Thị Song Trà cho biết: Một điều dễ nhận thấy là kiến thức về giới tính cũng như phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em còn rất hạn chế. Hoạt động của dự án cũng như mong muốn của em không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt những kiến thức, kỹ năng quan trọng cho các em học sinh, mà sẽ tiến hành thành lập câu lạc bộ ở các trường để sau đó, các em tiếp tục điều hành, phát triển hoạt động. Quá trình hoạt động, dự án sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các câu lạc bộ!

Có mặt tại Trường THCS Bắc Nghĩa (thành phố Đồng Hới) vào ngày 4-4-2017, chúng tôi được chứng kiến sự nỗ lực, nhiệt tình của “thủ lĩnh” trẻ Nguyễn Thị Song Trà cùng các cộng sự tích cực là các em học sinh Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp. Các em học sinh Trường THCS Bắc Nghĩa đã được tham gia giao lưu, vẽ tranh, giải đáp các câu hỏi về giới tính và những hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, lựa chọn câu trả lời “an toàn” hay “không an toàn” trong các tình huống.

Các em học sinh tham gia vẽ tranh chủ đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Các em học sinh tham gia vẽ tranh chủ đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Cũng thông qua các tình huống được xây dựng rất gần gũi và đời thường, các em học sinh có thêm nhữngkiến thức về bình đẳng giới. Rào cản giữa các bậc phụ huynh và con cái mình khi bàn về chủ đề này cũng là mối quan tâm lớn của dự án, nên trong chương trình hoạt động, việc tạo ra sự kết nối giữa hai thế hệ, từ đó tìm ra tiếng nói chung để giúp cha mẹ và con cái cởi mở với nhau hơn khi nói về chủ đề giới tính và giáo dục giới tính.

Để thực hiện hiệu quả những hoạt động của dự án, Nguyễn Thị Song Trà cùng cộng sự đã xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, tự tìm nguồn tài trợ, liên hệ với các trường học... “Xâm hại trẻ em là tội ác, im lặng cũng là tiếp tay cho tội ác. Không chỉ đóng góp tiếng nói cùng cộng đồng xã hội, em mong muốn dự án sẽ góp phần giúp các em có thể bảo vệ chính mình trước sự xâm hại. Nên dù khó, em và các cộng sự cũng sẽ tiếp tục cố gắng!”, cô “thủ lĩnh” trẻ tâm sự.

Đến thời điểm này, S Project đã triển khai hoạt động tại gần 10 trường học ở thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Bình. Trong tháng 4 này, tại Quảng Bình diễn ra một chuỗi hoạt động, như: triển lãm bộ ảnh “Giáo dục giới tính - đừng để quá muộn!”, thi vẽ tranh “Giáo dục giới tính - Nói đi đừng ngại!”, triển lãm tranh, ảnh và trao giải tại các trường học trên địa bàn thành phố Đồng Hới... Với những nỗ lực và thành công bước đầu, S Project cũng đã tham dự triển lãm Ngày hội quốc tế thanh niên do Quỹ dân số thế giới tổ chức; tham gia giảng dạy về giới và sức khỏe sinh sản cho người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống (Hà Nội); thành lập các câu lạc bộ giới tính tại các trường học và đồng hành, hỗ trợ trong quá trình hoạt động...

Hầu hết các em học sinh tại các trường đều cảm thấy thú vị với những nội dung mà S Project mang đến. Sau chương trình ngoại khóa, các trường đã thành lập câu lạc bộ với khoảng 30 - 50 thành viên. Các em sẽ là những người tiếp nối S Project  tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng về giáo dục giới tính, trong đó có nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh sự nỗ lực của SProject, sự chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học cũng góp phần quan trọng để tạo nên thành công cho hoạt động. Cô giáo Phan Thị Hà, Trường THCS Bắc Nghĩa cho biết: Khi nắm được thông tin về chương trình hoạt động của S Project tại Quảng Bình, nhà trường đã liên hệ và sắp xếp để chương trình diễn ra thuận lợi, giúp các em học sinh được tiếp cận nội dung bổ ích này. Còn chị Nguyễn Thị Linh, phường Đồng Phú, cho biết: “Tôi có con đang học tại Trường tiểu học Đồng Phú. Tôi rất mong muốn các cháu học sinh, trong đó có con mình, được tiếp cận với những hoạt động như thế này. Nếu hoạt động được tổ chức tại trường, tôi cũng sẽ sắp xếp thời gian để cùng tham gia”.

Giáo dục giới tính cho trẻ em nói chung, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, cần sự chủ động, tích cực, quan tâm và đồng hành của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. “Trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em là cách phòng chống hiệu quả nhất, thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”. Em hy vọng với sự góp sức của S Project, các em học sinh sẽ không chỉ có khả năng bảo vệ bản thân mình, mà còn góp tiếng nói chung để phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng, tránh được những hậu quả đáng tiếc!”, Nguyễn Thị Song Trà tâm sự.

Ngọc Mai