.

Công tác phòng chống cháy rừng: Phòng là chính, chữa cháy kịp thời và triệt để

Chủ Nhật, 23/04/2017, 11:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Những diễn biến đầu mùa khô 2017 cho thấy, năm nay thời tiết nắng nóng và được cảnh báo ngày càng khắc nghiệt hơn. Với tỉnh ta có diện tích rừng khá lớn, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Theo thống kê, tỉnh ta có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 647.794,61 ha,  đất có rừng gần 540 nghìn ha; trong đó: rừng tự nhiên có trên 480 nghìn ha, rừng trồng 59 nghìn ha và rừng trồng chưa thành rừng là 51 nghìn ha; độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 67,5%.

Các địa phương chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR.
Các địa phương chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết:  Để giảm thiểu thiệt hại tới tài nguyên rừng, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR (nay là Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp) thực hiện các biện pháp PCCCR.

Trong đó, Ban chỉ đạo đã bố trí, sắp xếp lực lượng PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; lập phương án bảo vệ rừng và PCCCR các cấp, các đơn vị chủ rừng theo phương châm “bốn tại chỗ” để đối phó có hiệu quả với nguy cơ cháy rừng xảy ra.

Theo đó, công tác tuyên truyền, dự báo, cảnh báo cháy rừng được chú trọng thực hiện trong suốt mùa khô; cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp và các đơn vị chủ rừng có rừng dễ cháy thường xuyên tổ chức trực cháy để theo dõi tình hình, nhận thông tin cháy rừng để triển khai lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời khi lửa mới phát sinh, hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Vào những ngày nắng nóng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, chính quyền các xã có rừng dễ cháy tăng cường tuyên truyền công tác PCCCR trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, lồng ghép công tác tuyên truyền về PCCCR vào các cuộc họp thôn, bản và ký cam kết thực hiện tốt công tác này, bảo đảm không để xảy ra cháy rừng đối với các hộ gia đình, cá nhân đăng ký khai thác rừng trồng trong mùa khô.

Trước mùa khô năm 2016, Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp đã hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ rừng và các hộ gia đình, cá nhân có rừng dễ cháy tiến hành vệ sinh rừng và xử lý thực bì bằng biện pháp phát dọn và đốt trước có điều khiển để giảm vật liệu cháy trong rừng; tu bổ đường băng, tạo mới các đai cản lửa ven rừng để tăng khả năng ngăn cháy lan, chia cắt và ngăn cách khu rừng dễ cháy với đường giao thông, khu dân cư; tu sửa, làm mới 50 chòi canh (34 chòi canh chính, 16 chòi canh phụ); phát dọn, tu sửa, làm mới 439,85 km đường băng cản lửa các loại, tu sửa 143 bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, 912 biển cấm lửa; mua sắm thêm các phương tiện, dụng cụ chữa cháy gồm dao, rựa, đèn pin, loa chỉ huy, can đựng nước uống, phương tiện chở người... trang bị cho các tổ đội PCCCR ở cơ sở.

Việc kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn cũng được Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp thường xuyên tổ chức trong năm qua. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức 8 đợt kiểm tra công tác PCCCR ở các địa phương và đơn vị chủ rừng; Ban chỉ đạo cấp huyện đã  tổ chức 75 đợt kiểm tra, đôn đốc công tác PCCCR ở địa bàn cơ sở để hướng dẫn, bổ sung phương án bảo vệ rừng và PCCCR, đồng thời đôn đốc các địa phương, đơn vị có rừng dễ cháy thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, tổ chức trực cháy, tuần tra phát hiện lửa rừng và chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy rừng theo quy định.

Nhờ làm tốt các biện pháp phòng cháy và tăng cường kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chữa cháy, trực phát hiện sớm đám cháy; đặc biệt, các lực lượng Kiểm lâm, Quân sự, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát PCCC đã chủ động phối hợp với lực lượng tại chỗ của địa phương triển khai lực lượng chữa cháy kịp thời, triệt để, nên mùa khô năm 2016, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, thiệt hại 7,98 ha, giảm 76,2%, diện tích rừng bị cháy giảm 85,4% so với năm 2015.

Ngoài ra, nhờ thực hiện tốt công tác trực cháy, tuần tra, quan sát lửa rừng nên các lực lượng trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 36 điểm phát lửa trong rừng, ven rừng và tổ chức chữa cháy kịp thời, không gây thiệt hại tới tài nguyên rừng hoặc thiệt hại không đáng kể.

Để tiếp tục đối phó với nguy cơ cháy rừng, hạn chế các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm nay, Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCCR. Cụ thể, đã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác vệ sinh rừng, giảm vật liệu cháy trong rừng, ven rừng và tu bổ các công trình PCCCR trước mùa khô; kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp, các chủ rừng; củng cố các tổ đội PCCCR ở cơ sở.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Quảng Ninh thường xuyên tuần tra, canh gác các khu rừng trên địa bàn.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Quảng Ninh thường xuyên tuần tra, canh gác các khu rừng trên địa bàn.

Đồng thời, phân vùng trọng điểm cháy rừng, lập phương án bảo vệ rừng và PCCCR; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra ở cơ sở và đơn vị chủ rừng để đôn đốc thực hiện các biện pháp PCCCR, bổ sung phương án chữa cháy rừng khi có các tình huống cháy rừng xảy ra. Trong đó, Ban chỉ đạo tỉnh đã giao Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 và 2 bố trí quân số trực bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ công tác cho các đơn vị cơ sở khi có yêu cầu; chủ động trinh sát, nắm bắt tình hình phát sinh trên địa bàn, tình hình hoạt động của các hạt, trạm kiểm lâm, tổ chốt báo cáo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh để kịp thời chỉ đạo xử lý. Riêng đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 chủ trì, chốt chặn, xử lý các tình huống tại Trạm Kiểm lâm Tân Ấp...

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, địa phương và chủ rừng chú trọng tuyên truyền cảnh báo cháy rừng, tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt trong rừng, ven rừng dễ cháy và vận động người dân sử dụng lửa an toàn, có ý thức PCCCR. Các lực lượng Kiểm lâm, Quân sự, Công an, Biên phòng, chủ rừng có rừng dễ cháy và chính quyền cơ sở chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng chữa cháy.

Với phương châm "phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời và triệt để", trong những ngày nắng nóng nguy cơ cháy cao, chủ rừng và lực lượng Kiểm lâm tổ chức trực cháy thường xuyên để nhận thông tin và tuần tra, canh gác đối với các khu rừng dễ cháy, nhằm sớm phát hiện lửa rừng và huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Hiện, các đơn vị cũng đã đồng loạt chuyển trạng thái sang sẵn sàng thường trực chữa cháy rừng; bố trí quân số, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ - ông Phạm Hồng Thái cho biết thêm.

Hương Trà