.

Chuyện của Thùy Nhi

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Ba năm trước, khi Phan Thùy Nhi, thành viên đặc biệt của đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý thuộc khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới vừa tròn một tuổi, tôi đã có cuộc gặp gỡ với “bố mẹ” Nhi. Họ là những ông bố, bà mẹ đặc biệt, khi dù không sinh ra nhưng đã yêu thương và chăm sóc với tất cả tấm lòng.

Và ngày 6-3-2017, Thùy Nhi đã tạm biệt “bố mẹ” ở khoa Nhi để về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Cuộc chia tay giữa Thùy Nhi và những bố mẹ ở khoa Nhi khiến bao người phải rơi nước mắt...

Thuỳ Nhi sinh ngày 29-1-2013. Em được chẩn đoán là đa dị tật. Mẹ em, sau khi nhìn thấy đứa con bé nhỏ, yếu ớt, chân tay khoèo thì lặng lẽ bỏ con lại bệnh viện. Thế là em được chị Trần Thị Hoài Thông mà nhiều người vẫn quen gọi là “mẹ Thông” điều dưỡng trưởng khoa Nhi, bác sĩ Phan Thanh Hoài, là “ba Hoài”, người đã đặt tên cho Nhi theo họ của mình và các bác sĩ, điều dưỡng ở đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý chăm sóc.

Sau này, trong những đợt thăm khám tiếp theo, các bác sĩ đã phát hiện Nhi bị thêm nhiều dị tật nữa, đó là tim nằm bên phải, không có phản xạ bú, nuốt như những đứa trẻ khác. Những ngày mới ra đời, cả đơn nguyên thay nhau chăm sóc em. Mỗi khi cho ăn phải dùng ống xông vì Thùy Nhi không có phản xạ bú, nuốt. Nhiều lúc tưởng chừng như mọi người bó tay trước tình trạng bệnh tật của em, nhưng với sự chăm sóc tận tình của “mẹ Thông” và mọi người, Thuỳ Nhi đã dần dần khoẻ mạnh. Và trong ba năm qua, với sự nỗ lực và kết nối của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, Nhi đã được các giáo sư người Mỹ và Bệnh viện 115 thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp phẫu thuật miễn phí, sức khỏe dần ổn định hơn.

Thùy Nhi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Thùy Nhi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Và giữa bộn bề công việc của đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý, thi thoảng mọi người lại nghe tiếng nựng nịu "mẹ đây, ba đây, Thuỳ Nhi ngoan nhé!". Cứ như thế, 4 năm đầu đời của cô bé trôi qua êm đềm trong vòng tay của những bố mẹ nuôi. Mỗi dịp sinh nhật, mọi người lại cùng tổ chức cho em. Tình yêu và sự hy sinh của họ đã lay động trái tim của biết bao ông bố, bà mẹ khác. Đã có hẳn một “nhóm” mang tên “Thùy Nhi” được lập trên trang mạng xã hội để những người yêu thương em có thể theo dõi, đồng hành cùng những “bố mẹ” ở khoa Nhi. Những món đồ chơi, bộ áo quần, hộp sữa... được mọi người gom góp chuyển đến bệnh viện để Nhi vui hơn và chia sẻ khó khăn cùng đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng nơi đây trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng Nhi.

Đến thời điểm này, có lẽ Nhi là trường hợp duy nhất chung sống ở bệnh viện cùng các y, bác sĩ và điều dưỡng với khoảng thời gian dài như thế. Còn nhớ ba năm trước, xen lẫn giữa niềm vui, nụ cười rạng rỡ khi kể về những tiến bộ của Nhi là những khoảnh khắc “mẹ Thông” lặng đi. Chị bảo, Nhi sẽ không thể ở mãi nơi này bởi những quy định của bệnh viện, sẽ có ngày con phải chuyển đến nơi ở mới phù hợp hơn. Ngày đó, chắc “bố mẹ” sẽ rất buồn và nhớ con.

Và ngày 6-3-2017, các mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã đến đón Nhi. Cuộc chia tay mãi dùng dằng không dứt. Vừa mừng con được đến nơi ở mới có nhiều bạn bè và phù hợp hơn, các bố mẹ ở khoa Nhi vừa buồn và nhớ, mắt ai cũng đỏ hoe, nhiều người không kìm được đã khóc nức nở. Chị Trần Thị Mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chia sẻ: Chứng kiến những tình cảm của mọi người dành cho Nhi, tôi cũng không kìm được nước mắt. 4 năm là một quãng thời gian dài, đặc biệt với một đứa trẻ có nhiều bất hạnh như Nhi, họ đã dành nhiều tình cảm yêu thương và hết lòng chăm sóc cháu. Đón cháu về nơi ở mới, chúng tôi cũng sẽ yêu thương và chăm sóc cháu như những bố mẹ ở khoa Nhi đã từng như thế...”.

Gặp lại Nhi ở nơi ở mới, tôi thầm vui khi em đã nhanh chóng hòa nhập và được các mẹ, ông bà, anh chị ở trung tâm đón nhận và yêu thương. Tôi cũng muốn gặp lại “mẹ Thông”, “ba Hoài” và những y, bác sĩ đã từng nuôi dưỡng và chăm sóc Nhi trong bốn năm qua để chuyện trò, lấy thêm tư liệu cho bài viết. Thế nhưng, ngắm những hình ảnh của họ trong ngày chia tay Nhi về nơi ở mới, những thông tin về cuộc sống của Nhi mà bạn bè cập nhật trong suốt 4 năm qua, dường như đã quá đủ cho một bài viết về tình yêu thương, trách nhiệm của đội ngũ lương y dành cho Thùy Nhi nói riêng và những mảnh đời bất hạnh nói chung. Bởi ở đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý thuộc khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, ngoài Nhi là thành viên đặc biệt, họ đã đón và chăm sóc hàng trăm bệnh nhi, trong đó có những bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo, nhiễm HIV, gia đình bỏ rơi. “Chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt khi các cháu mang trong mình nhiều bệnh lý rất nặng. Nhưng những năm qua, chúng tôi đã đón và nuôi dưỡng nhiều cháu với tất cả tình thương yêu và trách nhiệm của người cha, người mẹ...", chị Thông tâm sự.

Nhi là một cô bé bất hạnh bởi ngay từ khi sinh ra, em đã bị mẹ cha chối bỏ và cả những bệnh tật mà em đang phải gánh chịu. Nhưng cuộc đời đã thật công bằng khi em may mắn được gặp những người xa lạ yêu thương, chăm sóc như ruột thịt. Nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà “nhóm” về cô bé trên mạng xã hội có đến hơn 1.000 người tham gia. Họ là những ông bố, bà mẹ, cả những người độc thân, bởi cảm kích trước tình yêu thương của y, bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi nên đã cùng tham gia để chung tay chăm sóc Nhi. Sự kết nối, sẻ chia ấy đã và đang mang lại những điều tốt đẹp cho Thùy Nhi và nhiều số phận bất hạnh khác. Tình yêu ấy, sự đồng hành, sẻ chia ấy với Thùy Nhi đã và đang mỗi ngày khiến cuộc sống trở nên đẹp hơn bội phần...

Diệp Đồng