.

Nỗ lực khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường

Thứ Ba, 21/02/2017, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường, sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính trị, đến nay công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016-2020".

Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường là do chất thải rắn từ các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, rác thải từ các hộ gia đình, bệnh viện..., Sở Tài nguyên và Môi trường đã lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành trong các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Hầu hết quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khai thác tài nguyên khoáng sản... đều tuân thủ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng được các cấp, các ngành và địa phương tập trung triển khai bảo đảm chất lượng. Hiện nay, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là cơ sở để xem xét cấp phép đầu tư và thực hiện việc giao, thuê đất.

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016-2020" và cũng là năm xảy ra biến động lớn liên quan đến lĩnh vực môi trường. Cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với sự cố môi trường biển, tập trung khắc phục và xử lý môi trường sau các trận lũ lụt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục cập nhật dữ liệu về sinh vật ngoại lai xâm hại, các loại nguy cấp quý hiếm trên địa bàn tỉnh để đưa vào dữ liệu quản lý.

Năm 2016, Công ty CP bia Hà Nội-Quảng Bình đưa nhà nấu mới vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Năm 2016, Công ty CP bia Hà Nội-Quảng Bình đưa nhà nấu mới vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Trong năm qua, Sở đã tiếp nhận, thẩm định, xác nhận và trình UBND tỉnh phê duyệt đối với 74 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực môi trường; trong đó có 42 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 3 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, 13 kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Sở, 10 phương án cải tạo và phục hồi môi trường, xác nhận hoàn thành công trình (biện pháp) bảo vệ môi trường cho 6 dự án.

Bên cạnh đó, ngành đã hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho 429 công trình và dự án. Cùng với việc kiểm soát, ngăn ngừa và tổ chức diệt trừ cây Mai Dương trên địa bàn tỉnh, ngành đã đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng quản lý lập và nộp báo cáo kết quả quan trắc môi trường và đến nay đã có 113/132 cơ sở thực hiện nghiêm túc. Trong năm qua, ngành đã thực hiện 35 đợt thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hàng chục cuộc kiểm tra về việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường và khoáng sản của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Qua thanh tra, kiểm tra, đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính đối với 18 tổ chức và 9 cá nhân với số tiền 829 triệu đồng. Nhằm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã xử lý được 8 cơ sở, 9 cơ sở (gồm 4 bãi rác và 5 bệnh viện) đang từng bước hoàn thành việc đầu tư khắc phục và 5 cơ sở (gồm 3 bãi rác, 1 chợ và 1 bệnh viện) đã được phê duyệt đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí để xử lý. Hiện, ngành đang triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.

Thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia "Khắc phục ô nhiễm và Cải thiện môi trường giai đoạn 2016-2020", đến nay ngành đã hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư tại các điểm: thị trấn Nông Trường Lệ Ninh, xã Hồng Thuỷ, xã Trường Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch), xã Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh) và đang triển khai xử lý tại xã Hoá Tiến (huyện Minh Hoá).

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án xử lý 5 điểm tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật còn lại, gồm: 3 điểm tại xã Hiền Ninh, 1 điểm tại xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh), 1 điểm tại xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) và hoàn thành điều tra, lập danh mục các điểm hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi toàn tỉnh trình Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí kinh phí thực hiện.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, ngành tài nguyên và môi trường đã phối hợp với các địa phương tạo điều kiện phát triển và nhân rộng nhiều mô hình, tập thể, cá nhân điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, qua đó, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nhiều khu vực trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cũng luôn được ngành, các địa phương, đoàn thể quan tâm chú trọng bằng việc tổ chức các lớp tập huấn và cuộc thi về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.

Nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường cũng được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân như: các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, làm cho thế giới sạch hơn, Tuần lễ Biển và Hải đảo, Giờ trái đất, Hãy làm sạch biển...

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016-2020", trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường, đưa vào quy hoạch chung phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Theo đó, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, như: xử lý rác thải tập trung, xử lý thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, xử lý nước thải bệnh viện và các dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại các địa phương. Ngành sẽ tăng cường công tác điều tra, thống kê, phân loại và có biện pháp kiểm soát phù hợp với từng loại nguồn thải.

Cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, nhà máy sản xuất xi măng, các làng nghề, khu du lịch, bãi biển, chợ... và công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, doanh nghiệp.

H.Chi