.

"Cho đi là còn mãi"

Chủ Nhật, 19/02/2017, 17:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Các em đã nói với tôi như thế trong một ngày đầu xuân Đồng Hới mưa lạnh tê tái. Giữa cái lạnh khắc nghiệt của thời tiết vẫn thấy lòng mình như “thắp lửa” bởi những sẻ chia ấm áp của những bạn trẻ vừa ở ngưỡng cửa 20.

Các em là Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Ngọc Hải Hà, hiện là sinh viên Trường đại học Quảng Bình. Đó là hai trường hợp ít ỏi tại tỉnh ta đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết với mong muốn “để cái chết có ý nghĩa hồi sinh sự sống”.

Khi nhắc đến những sinh viên đặc biệt ấy, thầy giáo Vương Kim Thành, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Quảng Bình đã không thể giấu nỗi niềm xúc động xen lẫn tự hào: “Tại trường chúng tôi, có 3 em sinh viên đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của mình sau khi chết. Đó có lẽ là những trường hợp đầu tiên tại Quảng Bình thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Và ngày ngày, chúng tôi vẫn đang cố gắng truyền ngọn lửa nhân văn ấy để kêu gọi những đoàn viên, sinh viên khác”.

Những sinh viên mà thầy giáo Thành nhắc đến đều là những thành viên tích cực của các CLB, đội, nhóm hoạt động khá sôi nổi của Trường đại học Quảng Bình. Nguyễn Mạnh Hùng (Khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử) và Trần Ngọc Hải Hà (Khoa Sư phạm Ngữ văn) là những thành viên tích cực của CLB Giọt hồng, Trường đại học Quảng Bình, đồng thời là thành viên CLB Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện Quảng Bình. Trong những năm tháng học tập tại trường, các em đều là những sinh viên năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động xã hội, các phong trào tình nguyện, hiến máu cứu người.

Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Ngọc Hải Hà.
Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Ngọc Hải Hà.

Trong cuộc chuyện trò, khi tôi thắc mắc: “Có bao giờ, quyết định hiến tạng sau khi chết đi chỉ là những suy nghĩ bồng bột, nhất thời của tuổi trẻ?”, các em đều lắc đầu. Hùng bảo: “Để đi đến quyết định này, em đã suy nghĩ rất nhiều. Nhiều năm trước, em đã từng tìm hiểu những thông tin về hiến tặng mô, tạng, hiến xác cho y học. Ngày đó, em nghĩ, sau này, khi đủ trưởng thành, em cũng sẽ làm như vậy. Để rồi, khi đọc được thông tin kêu gọi của Bộ Y tế, em đã không ngần ngại đăng ký”. Nói rồi, Hùng chững lại một lúc thật lâu: “Chị biết không, ban đầu, khi em chia sẻ ý định của mình, ba mẹ em đã rất phản đối. Nhưng rồi, sau một thời gian em ra sức thuyết phục, ba mẹ cũng dần xuôi theo. Giờ thì cả gia đình đều ủng hộ em về quyết định đó”.

Ở mảnh đất quê em – xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa – việc hiến tặng mô, tạng là điều chưa từng có trong tiền lệ. Và lẽ đương nhiên, những quan niệm “chết phải toàn thây” đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ bao đời nay. Vậy nên khi hay tin, bố em khá sốc. Nhưng suy nghĩ lại, người đàn ông quanh năm gắn bó với đồng ruộng ấy lại hoàn toàn tôn trọng quyết định của con trai mình. Ông chỉ nắm tay Hùng nhắc nhở: “Ba mẹ rồi cũng sẽ ra đi, không thể ở bên con mãi mãi. Người sẽ gắn bó với con suốt đời sẽ là vợ con con sau này. Chỉ mong lúc đó, con sẽ chia sẻ thẳng thắn với vợ và nhận được sự đồng thuận từ người bạn đời của mình”. Lo lắng thế nhưng từ sâu thẳm trong ông vẫn tự hào rằng con trai mình đã thực sự trưởng thành và biết nghĩ cho người khác. Với người làm cha, làm mẹ như ông, chẳng có niềm vui nào hơn thế!

Cũng như Hùng, cô sinh viên trẻ Trần Ngọc Hải Hà là thành viên tích cực của CLB Giọt hồng, Trường đại học Quảng Bình. Hà bảo, chính những ngày tháng tham gia vào những hoạt động có ý nghĩa ấy, các em đã chừng nào thấu hiểu ý nghĩa nhân văn khi sự sống thực sự được hồi sinh bởi chính những tấm lòng nhân ái khác. “Nhiều năm trước, một người bạn thân của em chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo. Bạn mất khi tuổi đời còn rất trẻ, dang dở biết bao ước mơ và hoài bão. Nhiều khi em nghĩ, nếu như ngày đó, bạn em cũng như bao bệnh nhân may mắn khác được ghép tạng thì biết đâu, hôm nay, bạn cũng đã có thể được sống, được đến giảng đường học tập như chúng em”, Hà nghẹn ngào nhớ lại.

Ám ảnh về mất mát ấy đi theo em suốt những tháng ngày sau đó. Năm lớp 11, khi xem được một chương trình truyền hình về tấm gương hiến tạng cứu người, một ý nghĩ chợt lóe lên trong em: Khi đủ 18 tuổi, em sẽ đăng ký hiến tạng phục vụ y học. Nói là làm, tháng 6-2016, Hà là 1 trong 3 trường hợp sinh viên của Trường đại học Quảng Bình đã tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não.

“Nếu nói rằng em đã không một chút do dự khi đặt bút viết vào tờ đơn đăng ký đó thì không phải, mà thực ra, em đã mất cả một tuần liền để suy nghĩ rồi quyết định. Dù trước đó, em đã thực sự rất quyết tâm. Nhưng kể từ khi cầm trên tay tấm thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, em hiểu, mình đã quyết định đúng. Nếu ai cũng có suy nghĩ rằng sau khi mình chết đi, sự sống của mình sẽ được hồi sinh dù trong một cơ thể khác, thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn và sẽ có biết bao bệnh nhân được cứu sống”, Hà chia sẻ.

 Nguyễn Mạnh Hùng là 1 trong 3 sinh viên Trường đại học Quảng Bình đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não.
Nguyễn Mạnh Hùng là 1 trong 3 sinh viên Trường đại học Quảng Bình đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết/chết não.

Ghép tạng (thận, gan, tim...) là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa trị đối với những người bị bệnh hiểm nghèo. Rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến, tặng thích hợp. Mỗi ngày trôi đi, có biết bao bệnh nhân đang giành giật từng giây, từng phút được sống để chờ đợi người hiến tạng phù hợp. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có nhiều bệnh nhân được ghép tạng do số lượng người đăng ký hiến tạng còn khá ít ỏi. Có những người chờ đợi trong mỏi mòn và rồi họ chết đi khi không tìm được nguồn tạng hiến. Trong khi đó, mỗi một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống cùng lúc cho 8 - 10 người. Tại Trường đại học Quảng Bình, ngoài Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Ngọc Hải Hà còn có em Hoàng Trung Đức (sinh viên năm 3, Sư phạm Ngữ văn) cũng đã tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết.

“Ai rồi cũng phải chết và rồi cũng trở về với cát bụi. Cuộc sống sẽ thêm một lần ý nghĩa khi dù chết đi rồi nhưng vẫn mang đến sự sống cho những người còn cơ hội được sống”, cô sinh viên Trần Ngọc Hải Hà đã nói những lời ấm áp như thế trong một buổi chiều Đồng Hới se sắt lạnh. Tương lai còn ở phía trước nhưng có một điều chắc chắn rằng ngọn lửa nhân văn mà các em đang thắp lên đã và đang được truyền lại cho chính những người thân, bạn bè mình bởi như Hùng chia sẻ: “Có một số người bạn của em cũng đang muốn tìm hiểu thông tin để được tham gia hiến tạng. Em tin, rồi đây, nhiều người sẽ biết đến thông tin này và sẽ không ít người sẵn sàng làm như chúng em”.

Diệu Hương

Một số địa chỉ đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não:

- Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

Địa chỉ: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 04.39386692-04 39386693/091.50.60.550.
Email:gheptang@vncchot.com

- Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy

Điện thoại: 08.39560139/0838554137-184/ 0913677016
Email:dieuphoigheptangbvcr@gmail.com