.

Tiến sỹ Peter: Người Đan Mạch nói "mô, tê, răng, rứa"

Thứ Bảy, 28/01/2017, 18:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi gọi anh là “một người Quảng Bình đặc biệt”. Anh gật gù đồng ý với đầy vẻ tự hào. Cũng phải, khi gần 20 năm bước chân đến Việt Nam thì cũng chừng ấy thời gian anh gắn bó với mảnh đất này. Anh vẫn bảo, chất Quảng Bình đã ngấm vào anh lúc nào chẳng rõ, để rồi, giờ anh có thể vỗ ngực hãnh diện: mình vẫn có thể nói “mô, tê, răng, rứa” như ai!

“Quảng Bình đã chọn tôi”

 Tiến sỹ Peter Bille Larsen.
Tiến sỹ Peter Bille Larsen.

Tiến sỹ nhân chủng học Peter Bille Larsen, người Đan Mạch nhưng hiện đang giảng dạy tại Đại học Lucerne, Thụy Sỹ. Duyên nợ đã đưa anh đến Quảng Bình từ năm 1998. Trò chuyện cùng tôi, anh cứ tếu táo bảo: “Quảng Bình chọn tôi! Tôi cũng chọn Quảng Bình là quê hương thứ hai của mình! Nói cách khác, như người dân nơi đây vẫn thường nói là “có duyên, có số”. Nên cứ hết lần ni đến lần khác, cứ hễ trở về nước là tôi lại tìm cách để được quay trở lại đây”. Cái cách anh nói nghe có vẻ như đùa nhưng tự sâu thẳm, đến Quảng Bình với anh giờ như một cuộc trở về.

Cái duyên giữa đất và người bắt đầu kể từ khi Peter trở thành cố vấn của dự án bảo tồn Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng do Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới thực hiện. Anh có dịp đến làm việc và sống tại Quảng Bình suốt một thời gian dài. Peter bắt đầu học tiếng Việt và ngấm luôn cả phương ngữ Quảng Bình từ dạo đó. Gần đây nhất, Peter và các cộng sự của mình đang tiến hành dự án nghiên cứu về quyền con người trong hệ thống di sản thế giới, tập trung vào các nước Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là địa điểm được lựa chọn tại Việt Nam.

Công việc đã giúp anh có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với bà con các dân tộc ở Quảng Bình. Anh rong ruổi khắp các bản, làng, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, lắng nghe họ chia sẻ. Cũng có khi lại thấy người đàn ông ngoại quốc ấy đi cùng một số bà con người Rục len lỏi giữa những cánh rừng già, tìm về những hang đá vốn là mái nhà chở che bao đời cha ông họ từ hàng chục năm về trước. Lý giải cho những cuộc ngược dòng lịch sử ấy, anh bảo rằng muốn tìm hiểu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải rõ được ngọn nguồn quá khứ của họ.

Mới đây, Peter lại bắt tay vào nghiên cứu bản sắc các dân tộc ở huyện miền núi Minh Hóa, thực hiện chương trình phối hợp giữa Đại học Lucerne và Đại học Quảng Bình về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Mỗi khi có dịp trở lại Quảng Bình, Peter lại say sưa với những cuộc chuyện trò cùng những người già làng, những nhà nghiên cứu lâu năm, những người được Peter coi như “một kho tư liệu sống đồ sộ về đất và người”. Đi nhiều, gặp gỡ nhiều người trên mảnh đất Quảng Bình, người đàn ông ngoại quốc ấy nhận ra rằng nơi đây đang sở hữu những vỉa tầng văn hóa quý giá cần được bảo tồn và tôn vinh.

Bảo tồn di sản phải gắn với bảo tồn văn hóa

Những nghiên cứu lâu năm của Tiến sỹ Peter đã chỉ rõ Phong Nha - Kẻ Bàng không những có giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học mà còn đa dạng văn hóa và dân tộc. Cộng đồng dân tộc Chứt, dân tộc Bru - Vân Kiều đã có sự hiện diện dài lâu, gắn bó thiết thân với sự tồn tại và phát triển của di sản. Những hiểu biết về văn hóa địa phương, tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc này là cần thiết trong công tác bảo tồn di sản. Và ngược lại, việc bảo tồn di sản chỉ mang tính bền vững khi giải quyết hài hòa các mối quan hệ về văn hóa, sinh kế và sử dụng tài nguyên lâu dài trong khu vực. “Nhiều người đã bắt đầu nhận ra nếu bảo tồn di sản mà vẫn giữ lại được văn hóa, ngôn ngữ, kiến thức bản địa và tạo được sinh kế cho người dân thì đây sẽ là một mô hình phát triển rất thích hợp và có ý nghĩa”, Peter khẳng định. Và rõ ràng, phát triển bền vững chỉ đạt được khi có sự cân bằng về quyền và lợi ích giữa các bên, đặc biệt, cộng đồng địa phương phải được hưởng lợi từ di sản, cả trên phương diện kinh tế và văn hóa.

Tiến sỹ Peter Bille Larsen tìm hiểu đời sống của đồng bào Arem (Bố Trạch).
Tiến sỹ Peter Bille Larsen tìm hiểu đời sống của đồng bào Arem (Bố Trạch).

Điều khiến Peter Larsen trăn trở là dường như mẫu số chung giữa các địa phương sở hữu di sản là công tác bảo tồn di sản chỉ mới dừng lại ở việc bảo tồn về địa chất, về đa dạng sinh học chứ chưa thực sự quan tâm đến bảo tồn văn hóa người bản địa. Trong khi đó, đồng bào dân tộc là linh hồn, chủ nhân của di sản và những giá trị văn hóa của họ là kho vàng “rất đặc biệt, phong phú và quý giá”. Theo Peter, một khi di sản được công nhận là Di sản thế giới, đi cùng danh hiệu là cơ hội và thách thức. Sẽ có những biến đổi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Điều cần thiết là cần có quy hoạch và quy hoạch đó phải thực sự quan tâm đến lợi ích, đến quyền con người trong khu di sản. Quy hoạch đó phải nhận thức rõ: ai là người hưởng lợi, ai có nguy cơ tụt lại và giá trị văn hóa của họ sẽ được bảo tồn như thế nào?

Bởi có một thực tế không thể phủ nhận là các giá trị văn hóa truyền thống đang phải đối diện với nhiều thách thức, có nguy cơ bị mai một, thậm chí bị quên lãng trước cơn lốc của đời sống xã hội hiện đại. Người yêu và tâm huyết với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình như Peter càng trăn trở nhiều hơn. Trong cuộc trò chuyện cùng tôi, “người Quảng Bình đặc biệt” ấy luôn ao ước: “nếu có thể, phải tuyên truyền sâu rộng những nét đẹp văn hóa của đồng bào, tổ chức các lớp dạy ngôn ngữ của cha ông họ. Chính quyền địa phương cần có chiến lược rõ ràng để vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa giúp họ giữ lại gốc văn hóa đáng quý của mình”.

 TS. Peter Bille Larsen khẳng định: “Các khu di sản thế giới là nơi điển hình để thực thi quyền con người. Trong suốt tiến trình di sản, quyền con người phải được thể hiện ở việc tham gia, chịu trách nhiệm và hưởng lợi”.

Diệu Hương