.

Tết ấm vùng cao

Thứ Tư, 25/01/2017, 22:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp xuân về, nhóm thiện nguyện Quảng Bình lại chuẩn bị đồng hành cùng đồng bào dân tộc đón Tết. Ba cái Tết trôi qua, những người bạn trong nhóm đều tâm nguyện góp chút Tết ấm cho vùng cao. Tết này họ lại lên đường khi mùa xuân kịp đến với nhiều niềm vui mới, sự kết nối lan tỏa rộng khắp Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng…

Lời hứa với A Rem

Lê Quang Toán, chàng hiệp sỹ tình nguyện Quảng Bình lần đếm từng ngón tay cong queo vì tật nguyền bảo: “Rứa là ba mùa xuân chúng tôi mang Tết lên với đồng bào A Rem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch. Và xuân này, hành trình thiện nguyện tiếp nối. Dù không thành lời, không viết ra văn bản, nhưng trong tâm thức chúng tôi xem đây như một lời hứa- góp chút ấm tình người cùng cộng đồng xã hội chăm lo Tết cho đồng bào. Để ngày Tết cổ truyền dân tộc lan tỏa vào sâu trong các bản làng trong lòng Di sản Phong Nha- Kẻ Bàng, năm nay, cùng chăm lo Tết với nhóm thiện nguyện Quảng Bình còn có sự đồng hành của Trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”.

Sáng sớm, giữa mưa rét miền Trung, đoàn ngược theo đường 20- Quyết Thắng vào xã Tân Trạch. Cũng chỉ kịp thắp hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 và Hang Y tá rồi mau chóng xuất hành, đồng bào A Rem thân tình đang chờ phía trước. 10 giờ, xe lên tới trung tâm xã, bản Km39, cũng là bản làng duy nhất người A Rem sinh sống.

Quà Tết năm nay, ngoài những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống đồng bào như: nước mắm, dầu ăn, mì chính, đường…, chương trình Tết tập trung quà cho các em học sinh Trường PTDT Bán trú TH và THCS Tân Trạch. Trước Tết, thầy giáo Lê Văn Trương, Hiệu trưởng nhà trường gửi đi thông điệp: “Do điều kiện trường mới thành lập mô hình bán trú, lại ở sâu trong Di sản Phong Nha- Kẻ Bàng, giao thông cách trở, đời sống đồng bào hết sức khó khăn…, nên quà Tết mọi người cố gắng giúp cho các cháu tấm áo ấm; chăn ấm, sách vở, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học của nhà trường”. Theo lời đề nghị của thầy giáo hiệu trưởng, nhóm thiện nguyện Quảng Bình kết nối được với tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh Trường THCS Vân Hồ, thành phố Hà Nội để chuẩn bị thêm quà Tết cho trẻ A Rem. 90 học sinh và 32 giáo viên Trường PTDT Bán trú TH và THCS Tân Trạch trước thềm năm mới có thêm niềm vui với những món quà Tết, gồm: áo quần đồng phục, chăn gối ấm, sách vở, âm thanh, loa máy, đàn Organ…

Cậu bé Đinh Điền xúng xính khoác trên người chiếc áo ấm đồng phục, tay ôm bộ chăn gối mới tinh, gương mặt em sáng lên: “Mơ cũng không dám tin”- Đinh Điền bảo- “Từ đây chúng em đến trường không phải lo lạnh rét nữa rồi”. Già làng Đinh Rầu gật gật đầu: “Ưng cái bụng lắm. Cho hạt gạo, đồng tiền ăn sẽ hết. Cho bọn trẻ áo quần, chăn gối, sách vở… đầu tư cho chúng học hành sẽ không bao giờ hết được đâu. Cảm ơn mọi người, cảm ơn thầy cô giáo đến từ Hà Nội”.

Cô giáo Trần Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vân Hồ, thành phố Hà Nội bày tỏ cảm xúc: “Chúng tôi kết nối với nhóm thiện nguyện Quảng Bình nhiều năm nay và thường xuyên vào Quảng Bình trao quà cho vùng đồng bào dân tộc ở Quảng Ninh, Lệ Thủy… và đây là lần đầu tiên đến vui Tết sớm với đồng bào cùng các con học sinh dân tộc A Rem. Rất xúc động trước những khó khăn, thiếu thốn mà các con đối mặt hàng ngày để được đến trường. Chút quà Tết tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THCS Vân Hồ gửi tặng các con cùng đồng bào cũng chẳng thấm vào đâu. Nhưng đây là tấm lòng, sự chia sẻ cùng bà con và trẻ nhỏ mỗi khi Tết đến xuân về. Hy vọng mùa xuân tới, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng đồng bào đón Tết sớm”.

Bánh chưng Tết nghĩa tình

Nhóm thiện nguyện tặng máy xay xát gạo cho bà con bản Ba Loóc.
Nhóm thiện nguyện tặng máy xay xát gạo cho bà con bản Ba Loóc.

Cùng thời gian diễn ra chương trình Tết ấm với đồng bào A Rem, tại bản Ba Loóc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, gần 60 hộ đồng bào dân tộc Mày cũng được vui Tết sớm. Dân bản Ba Loóc vui khi ngoài quà Tết, bản còn nhận thêm một chiếc máy xay xát, mơ ước bao đời nay của đồng bào. Bà Hồ Thị Xoi bảo: “Rứa là Tết ni mọi nhà không còn cảnh vung chày giã gạo nữa rồi. Có cái máy xay lúa, các chị, các mế trong bản bớt vất vả, nhọc nhằn khi chăm cho cái bụng no hàng ngày”.

Trong những trận lũ lịch sử cuối năm 2016, bản Ba Loóc là một trong những bản đồng bào vùng cao Dân Hóa bị tàn phá nặng nề nhất. Sản xuất của bà con chủ yếu nhờ vào cây lúa rẫy. Nhưng, sau lũ diện tích lúa rẫy đều bị cuốn trôi, mùa màng cầm chắc thất bát. Bí thư chi bộ bản Hồ Xuân Ba bảo: “Tết phải trông chờ vào Đảng và Nhà nước. Chứ bà con không biết lấy gì mà lo Tết được”.

Chia sẻ khó khăn cùng đồng bào bản Ba Loóc, nhóm thiện nguyện Quảng Bình tiến hành chương trình kết nối yêu thương Hà Nội- Quảng Bình lo Tết cho mọi người. Điều khá ấn tượng ở cái Tết sớm tại bản Ba Loóc là trong mỗi suất quà Tết có thêm một cặp bánh chưng và 1kg bánh xoài, những đặc sản Tết cổ truyền miền xuôi. Già làng Hồ Keo tâm niệm tấm bánh chưng Tết là tấm bánh nghĩa tình, khi miền xuôi, miền ngược gạt bỏ hết khó khăn, cách trở về không gian và thời gian cùng hòa chung trong một cái Tết sum vầy, đoàn viên, ấm tình người.

Ngày cuối năm trên bản Ba Loóc…, con đường trước bản vẫn còn chông chênh khi hệ thống cầu- ngầm tràn bắc qua bản bị lũ cuốn mất chưa kịp phục hồi. Những đứa trẻ nhận tấm áo mới, bánh kẹo tung tăng nô đùa khắp bản. Mùa xuân này… trên rất nhiều bản làng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình, bà con đang đón những cái Tết sớm từ sẻ chia yêu thương của cộng đồng.

Thanh Long