.

Sức hấp dẫn của các điểm truy nhập Internet công cộng tại Quảng Bình

Thứ Ba, 10/01/2017, 10:12 [GMT+7]

Sau 2 năm triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ (2014-2016), người dân nông thôn Quảng Bình đã được tiếp cận với công nghệ thông tin, tìm kiếm và khai thác thông tin qua máy tính và Internet một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất, học tập và giải trí.

Tại 39 điểm truy nhập Internet công cộng trong khuôn khổ Dự án trên địa bàn, tổng số giờ người dân mọi thành phần (thanh niên, học sinh, phụ nữ, người cao tuổi…) đến truy nhập Internet bình quân là 260.948 giờ/260 máy tính (trung bình 1 máy tính có số giờ truy nhập Internet là 1.003 giờ). Các điểm có số lượng người đến truy nhập Internet cao, như: thư viện huyện Tuyên Hóa, thư viện xã Nam Hóa; Điểm Bưu điện Văn hóa xã Sơn Lộc, xã Mỹ Trạch…

Các em học sinh đến truy nhập internet công cộng.
Các em học sinh đến truy nhập internet công cộng.

Tại các điểm truy nhập công cộng, người dân được cán bộ điểm hướng dẫn các kỹ năng, từ thao tác cơ bản nhất như tắt-mở máy, sử dụng bàn phím, con chuột…đến truy nhập Interner, tìm kiếm những trang thông tin uy tín hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kiến thức chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình…

Để thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng cư dân đến với Điểm truy nhập công cộng để trải nghiệm tiện ích do Internet mang lại, Dự án đã tổ chức tại địa phương hàng loạt các sự kiện truyền thông như Ngày hội Internet, Sự kiện Internet với phụ nữ, Internet với thanh niên…Tại các sự kiện này, không chỉ được hướng dẫn, sử dụng máy tính, người dân còn được tham gia các trò chơi kiến thức lý thú với những phần thưởng đầy ý nghĩa…

Bởi vậy, sau 2 năm triển khai, Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra là góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin thông qua máy tính và internet cho các Thư viện công cộng và điểm Bưu điện văn hóa xã; hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin và được hưởng những lợi ích về kinh tế-xã hội mà việc tiếp cận công nghệ thông tin mang lại, từ đó cải thiện cuộc sống của người dân, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.