.

Rộn ràng làng nghề đan lát Diên Trường

Thứ Bảy, 28/01/2017, 18:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Diên Trường, xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) nổi tiếng với nghề đan lát sản phẩm mây tre như thúng, mủng, rổ, rá, dần, sàng, nong, nia… Nghề mây tre đan lát không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn chứa đựng cả những nét tinh hoa mà người dân đã gìn giữ từ bao đời. Trải qua biết bao thăng trầm, nét nghề ấy vẫn được người trong làng gìn giữ như sự bảo tồn những giá trị còn lại của cha ông.

Làng nghề một thời vang bóng

Ngày xưa trong mỗi gia đình, thúng, mủng, dần, sàng là vật dụng không thể thiếu trong đời sống. Theo các bậc cao niên, từ những năm 1920, người dân Diên Trường đã biết đan kiềng để đựng nồi, niêu, chén, bát..., đến khoảng năm 1935 thì bắt đầu biết đan các vật dụng như rổ, rá, thúng, mủng, nong, nia...

Về thôn Diên Trường, theo sự chỉ dẫn của những người trong làng, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Hoàng, người có hơn 50 năm gắn bó với nghề đan lát. Giữa khoảnh sân nhỏ, ông cùng vợ đang bận rộn với công việc, người chẻ tre, người đan lát. Ông Hoàng cho biết, trước đây, nghề đan lát ở xóm Diên Trường rất phát triển. Người người, nhà nhà đều theo nghề đan lát. Cứ mỗi trưa, mọi người lại tập trung ra đầu làng vừa đan vừa trò chuyện vui vẻ, thỉnh thoảng lại tổ chức những cuộc thi đan lát giỏi, thi hát đối khi đan...

Kiềng là sản phẩm làm nhanh và ít tốn công sức nhất trong nghề đan lát.
Kiềng là sản phẩm làm nhanh và ít tốn công sức nhất trong nghề đan lát.

Nhiều bài vè, bài hát đối vẫn còn lưu lại để biết được sự phồn thịnh và phát triển của nghề đan lát của làng Diên Trường ở thế kỷ trước. Nổi tiếng nhất vẫn là bài vè “Đan kiềng”, hầu hết những người lớn tuổi ai cũng thuộc. Trong bài vè có đoạn viết: “Đan kiềng cao, kiềng nậy/ Đan năm hạng rõ ràng/ Hạng nậy có, hạng con/ Lại thêm hạng kiềng đọi/ Kiềng đan ra, sắp lại/ Tính đầy chục, đầy trăm/ Trong tối bựa ngày 5/ Phủ sơn dầu một nước/ Gánh kiềng vô đến chợ/ Khách mua lẻ cũng đông/ Người bán buôn cũng lắm/ Từ tháng giêng đến tháng chạp/ Là xuân hạ dĩ kỳ/ Ai sắm sửa vật chi/ Cũng tiền kiềng chu phí”. Ngày ấy, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Mọi sinh hoạt, chi phí trong nhà đều lấy từ tiền bán các sản phẩm đan lát. Có nhiều gia đình dành dụm tiền mua được cả trâu, bò, ruộng đất. Làng Diên Trường lúc bấy giờ trở thành một trong những địa phương cung cấp chủ yếu sản phẩm gia dụng bằng tre của huyện Quảng Trạch cũng như các huyện lân cận như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch...

Những sản phẩm đan lát của làng Diên Trường vừa đa dạng về mẫu mã, vừa nổi tiếng bền, đẹp. Cứ đến ngày mùa, sản phẩm làm không đủ để bán. Khách từ khắp nơi đến đặt: triêng, gióng, rổ, thúng, bồ, cót để đựng lúa,... Sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với nghề đan lát thủ công, trao đổi hàng hóa đã góp phần tạo nên cuộc sống ổn định cho người dân.

Rộn ràng làm hàng phục vụ Tết

Ở Quảng Sơn và các xã lân cận của thị xã Ba Đồn hiện nay, sản phẩm mây tre đan lát của làng nghề Diên Trường vẫn được người dân ưa chuộng và tin dùng vì độ bền, đẹp và an toàn hơn đồ nhựa. Về thôn Diên Trường những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng của người dân khi chuẩn bị hàng để phục vụ Tết Nguyên đán.

Thôn Diên Trường có 382 hộ thì có gần 200 hộ còn làm nghề này. Việc đan lát được phân công khá rõ ràng trong từng gia đình. Những công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều sức lực như chặt tre, cưa tre, lận vành thì đàn ông đảm nhận, còn phụ nữ đảm nhận khâu đan lát, nức vành. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm đan lát chủ yếu là tre và mây. Tre, nứa được nhập từ các xã lân cận, đem ngâm bùn từ 10 đến 15 ngày để chống mọt, sau đó đem chẻ thành các thanh nhỏ, vót đều rồi mới tiến hành đan thành phẩm.

Mặc dù thu nhập thấp nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn miệt mài với công việc đan lát của mình.
Mặc dù thu nhập thấp nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn miệt mài với công việc đan lát của mình.

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng thôn thôn Diên Trường cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết Nguyên đán bà con lại tranh thủ đan hàng bán Tết. Sản phẩm làm ra có người tới thu mua tại nhà. Mặc dù giá thành thấp nhưng bà con vẫn tranh thủ làm để có thêm thu nhập trang trải cho dịp Tết. Kiềng bán được 3.500 đồng/1 cái, rổ 50.000đ/1 cặp...

Ngày 25-11-2015, UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, trong 5 hồ sơ đủ tiêu chuẩn công nhận danh hiệu làng nghề có làng nghề đan lát Diên Trường (xã Quảng Sơn). Đây là một vinh dự cũng như một bước phát triển mới của nghề đan lát hiện nay.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, làng nghề vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là các sản phẩm đan lát thủ công bằng tre nứa không còn được ưa chuộng như trước nữa, thay vào đó là các sản phẩm tiện lợi được làm bằng nhựa, tôn, inox... Mặt khác, sản phẩm của làng còn khá thô sơ chưa đủ độ tinh xảo để thu hút khách hàng cũng như làm hàng hóa xuất khẩu.

Gắn bó với nghề đan lát suốt hàng chục năm qua, ông Đoàn Thảo, giãi bày: “Ngồi cặm cụi cả ngày đan được 1 cặp đúa hoặc vài ba chục cái kiềng chỉ kiếm được mấy chục nghìn”.

Theo ông Trần Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn thì người làm nghề đan lát hiện nay đa số là người lớn tuổi, những người đã có gia đình và an phận nơi làng quê. Hầu hết thanh niên trong xã không gắn bó với nghề đan lát. Nhiều sản phẩm nổi tiếng của làng nghề gần như đã bị thay thế bởi các sản phẩm công nghiệp bằng nhựa. Người dân ưa chuộng các sản phẩm nhựa vì giá rẻ, lại tiện dụng hơn so với sản phẩm bằng tre. Mong muốn của người dân được tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao tay nghề, giới thiệu thị trường tiêu thụ cho bà con yên tâm bám nghề.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bằng tâm huyết, đam mê với nghề, hàng ngày người dân nơi đây vẫn cần mẫn, miệt mài với công việc đan lát để tạo ra nhiều sản phẩm bền, đẹp và giữ gìn cho nghề truyền thống của cha ông.

Thanh Hoa