.

Nghĩa tình người làng biển

Thứ Hai, 30/01/2017, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lẽ không có nghề nào mà đồng nghiệp gọi nhau bằng cái từ “sang” như nghề biển: “Bạn!”. Và có trong hoạn nạn mới biết tình người làng biển ấm áp biết nhường nào…

Năm 2016, có lẽ là một năm khó khăn và buồn nhất của nghề biển của Quảng Bình. Sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm hàng vạn ngư dân điêu đứng. Thế nhưng, những ngày trong cơn hoạn nạn đó, đi dọc miền chân sóng, từ Quảng Đông cho đến Ngư Thủy Nam, những điều chúng tôi ghi nhận được đâu chỉ là những câu chuyện buồn, mà ở đó còn có những câu chuyện thắm đượm về tình biển, tình người...

Thu nhập giảm, vẫn nhận thêm “bạn” tàu

Sau sự cố môi trường biển, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Phong và chị Trương Thị Hiền ở xã biển bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Sống ở xã biển bãi ngang, anh Phong và một người bạn chung tiền nhau sắm một chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ mưu sinh cuộc sống. Anh Phong cho biết, ngày trước biển chưa bị ô nhiễm, trung bình một đêm đánh bắt trên biển, anh Phong và người bạn thuyền cũng đánh bắt được gần 10 kg cá các loại. Mỗi sớm mai, khi con thuyền nhỏ của anh cập bến, trên bờ vợ anh và vợ người bạn đã chờ sẵn để chở số cá đó về tận chợ Đồng Hới bán. Con cá vùng bãi ngang vì đánh bắt gần bờ, tươi ngon nên đến chợ là họ bán hết liền. Số tiền kiếm được sau mỗi chuyến biển của hai người đàn ông và chuyến chợ của hai người phụ nữ làng biển bãi ngang tuy chưa giàu nhưng cũng đủ để nuôi sống gia đình và cho cái họ ăn học.

Xảy ra sự cố môi trường biển, gia đình anh Phong mất hẳn nguồn thu. Họa vô đơn chí, ở thời điểm khó khăn đó, chị Hiền lại mắc bệnh u nan, phải mổ đi mổ lại đến hai lần. Tiền ăn hàng ngày đã khó, nay lại cần tiền để chữa bệnh cho vợ, quả thật anh Phong chẳng biết lấy đâu ra khi từ trước đến nay anh Phong cũng chỉ có một cái nghề, đó là nghề đi biển. Đang bế tắc, anh Phong được người làng mách nước chạy về Đồng Hới xin đi bạn cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. Ở thời điểm đó, không chỉ những tàu nhỏ đánh bắt gần bờ phải nằm bờ, các tàu xa bờ cũng lâm vào cảnh khó khăn do hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được, giá cả giảm sút thê thảm. “Hôm tui về gặp chủ tàu, không nghĩ sẽ được họ nhận vì họ cũng đang rất khó khăn. Thế nhưng, tui không chỉ được nhận làm “bạn” tàu mà khi biết hoàn cảnh của tui, chủ tàu còn cho tui ứng trước tiền để về cho vợ tui trả tiền viện phí cho vợ...” – anh Phong chia sẻ.

Tàu cá của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Tàu cá của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Trương Văn Liệu – Chủ tịch UBND xã Hải Ninh (Quảng Ninh) cho biết, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, có hơn 500 lao động của xã phải rời quê, tứ tán mưu sinh cuộc sống. Nếu như những người phụ nữ chọn con đường vào Nam kiếm việc thì những người đàn ông quanh năm chỉ biết có một nghề duy nhất là đi biển thì chỉ có một con đường duy nhất là về các xã biển có tàu đánh bắt xa bờ để xin đi bạn. “ Hàng trăm lao động của xã Hải Ninh kéo về Bảo Ninh (Đồng Hới), Đức Trạch (Bố Trạch) xin đi bạn nhưng không có ai bị từ chối cả. Trong những lúc khó khăn này, sự cưu mang bằng việc tạo công ăn việc làm từ những địa phương làng biển có tàu lớn đánh bắt xa bờ đối với người dân xã Hải Ninh thật đáng quý, đáng trân trọng. Sự cưu mang đó đã giúp người dân Hải Ninh vơi bớt khó khăn, sớm ổn định được cuộc sống...” – ông Liệu nói.

Ngư dân Nguyễn Công Hoan, chủ một tàu cá có công suất 800CV ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, mùa biển năm 2016 con tàu của anh đánh bắt đạt sản lượng cao hơn mùa biển năm 2015 nhưng lợi nhuận thu được lại giảm hơn 40%. Ngoài nguyên nhân hải sản giảm giá, trước đây cùng chiếc tàu cá đó anh chỉ thuê 12 lao động thì hiện số ngư dân đi bạn cho anh có đến 15 người. “Tăng bạn tàu tức là phải tăng thêm chi phí nhưng người miền biển với nhau, giúp đỡ bạn nghề lúc khó khăn, hoạn nạn là việc bình thường, dân đi biển ai cũng thế!” – anh Hoan chia sẻ.

Tình người làng biển

Không phải chỉ đến khi xảy ra sự cố môi trường thì tình người làng biển mới bộc lộ. Với ngư dân, biển là cánh đồng, là ruộng vườn, là quê hương đất nước, còn quê nhà nhiều lúc chỉ là bến trọ. Quanh năm lênh đênh trên biển, hơn ai hết những người ngư phủ thấu hiểu được nỗi vất vả gian truân và lắm rủi ro của nghề biển. Thế nên, ngoài việc thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ nhau, việc cứu giúp nhau trên biển đã là ngư dân thì ai cũng xả thân.

Ngư dân Nguyễn Văn Sữu (trú xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) nhớ lại: “Hồi tháng 10-2016, tàu của chúng tôi đang đánh cá thì bị hỏng máy và chìm. Cả 6 thuyền viên trên tàu đang trong lúc trôi dạt trên biển, sống chết nhờ trời thì một tàu cá của ngư dân Quảng Bình mang số hiệu QB 92509-TS trên đường ra biển, nhận được tính hiệu từ bộ đội biên phòng đã bỏ lỡ chuyến biển để phối hợp cứu vớt và đưa chúng tôi vào bờ an toàn.”

Không chỉ giúp bạn cùng nghề, cùng quê hương mà ngư dân còn tích cực tham gia ứng cứu tàu thuyền, ngư dân nước ngoài khi gặp nạn. Đầu năm nay, tàu cá của ông Nguyễn Văn Hậu (trú xã Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã cứu sống một người Trung Quốc khi ông này đang trôi dạt trên biển. Sau khi cứu vớt, ông Hậu đã cho cơn tàu của mình khẩn cấp trở về từ khoảng cách hơn 100 hải lý để cứu chữa cho người này, mặc dù thời điểm đó, tàu ông Hậu mới ra biển chưa đánh được mẻ lưới nào.

Có lẽ, không chỉ riêng ông Hậu, mà hầu như thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ nào ở dọc dài dải đất Quảng Bình nhiều bão tố, cuồng phong này cũng sẵn sàng bỏ dở chuyến đi biển để cứu tàu, cứu người gặp nạn...

Cái tình của người đi biển đâu chỉ có vậy, người viết bài này vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh cuối năm 2012, khi 22 ngư phủ của 2 làng chài Cồn Sẻ (Quảng Lộc) và Tân Định (Quảng Minh) đã mãi mãi không về sau một đêm biển động. Suốt cả tuần sau đó, ngư dân làng Cồn Sẻ và Tân Định quên ăn, quên ngủ, nghỉ việc  cả tuần liền để điều  hàng chục chiếc tàu cá ra biển để tìm “bạn” mà vô vọng.

Gần 4 năm trôi qua, nỗi đau dù chẳng thể nguôi ngoai, nhưng nhờ sự cưu mang của cộng đồng, làng xóm, những người mẹ, người vợ nơi đây đã đứng lên, kiên cường tiếp tục bươn chải nuôi gia đình. Người buôn cá, làm mắm, đan lưới... nhưng họ thường động viên, chia sẻ, dựa vào nhau để sống mà không hóa đá vọng phu. Thương những người phụ nữ “mẹ góa, con côi”, những ngư dân Cồn Sẻ khi từ biển trở về vẫn thường xuyên sẻ chia những con cá, con mắm cho bữa ăn hàng ngày. Để cho họ có thêm thu nhập, ngư dân Cồn Sẻ cũng ưu tiên đặt hàng cho đan, vá thêm những tấm lưới đánh bắt.

“Nhiều năm lênh đênh trên biển mưu sinh nên chúng tôi hiểu được sự mất mát của những người mẹ, người vợ khi mất đi người thân của mình trên biển. Vì vậy, chúng tôi nguyện mình phải có trách nhiệm giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với người thân của những ngư dân đã gửi thân lại nơi biển cả.” – Một ngư dân ở làng chài Cồn Sẻ tâm sự.

Biển muôn đời vẫn vậy, vẫn hiền hòa cho cá, cho tôm, nhưng cũng nhiều lúc biển đùng đùng nổi cơn thịnh nộ. Trước sóng gió của biển cả, những người con của biển vẫn ngày đêm can trường xiết chặt tay nhau vượt khó, vươn khơi. Dù ở trong đất liền hay ở ngoài khơi xa thì tình người làng biển luôn sâu đậm, là chỗ dựa tinh thần giúp ngư dân can trường vượt qua mọi bão tố.

Phan Phương