.
Dự án "Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và thành thị":

Phát huy hiệu quả trong phòng, chống thiên tai

Chủ Nhật, 15/01/2017, 18:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 4-2015, dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và thành thị” do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Hội CTĐ Việt Nam triển khai tại tỉnh Quảng Bình. Sau hơn một năm thực thi, dự án đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống và tái thiết sau thiên tai. Trong hai trận lũ lịch sử cuối năm 2016, tính hiệu quả của dự án đã được khẳng định.

Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và thành thị” tại Quảng Bình kéo dài trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2018 ở 4 địa phương: xã Bảo Ninh, phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới), xã Mai Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa), với tổng kinh phí 485.514 Euro, tương đương 4.700 triệu đồng.

Ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội CTĐ Quảng Bình cho biết: “Sau hơn một năm thực hiện, dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và thành thị” đạt được rất nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Dự án tập trung vào 5 hợp phần chủ yếu gồm: xây dựng, hoàn chỉnh đội phản ứng nhanh phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh công tác truyền thông trong tình trạng khẩn cấp; xây dựng và nhân rộng mô hình nhà an toàn, cụm cư dân an toàn cho đồng bào vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, thiên tai; tạo ra những sản phẩm, ý tưởng mới cho các cấp Hội CTĐ trong ứng phó với thiên tai và tham gia xây dựng cộng đồng dân cư an toàn trước thiên tai, thảm họa”.

 Tập huấn mô hình Trường học an toàn cho giáo viên các trường tiểu học.
Tập huấn mô hình Trường học an toàn cho giáo viên các trường tiểu học.

Tại tỉnh Quảng Bình, dưới sự hướng dẫn của tình nguyện viên, hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai, nhân dân cùng học sinh các trường học ở xã Bảo Ninh, phường Phú Hải, xã Thuận Hóa và Mai Hóa tiếp nhận những kiến thức để tăng khả năng phòng ngừa, chống chịu, ứng phó và phục hồi một cách hữu hiệu trước thiên tai. Trong công tác tuyên truyền, Ban quản lý dự án đã thành lập nhóm truyền thông có 19 thành viên, gồm cán bộ Hội CTĐ các cấp, cơ quan truyền thông cấp tỉnh và đại diện các ban, ngành liên quan. Ban quản lý dự án xây dựng các kịch bản về ứng phó thiên tai, tổ chức tập huấn về kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân và học sinh ở 4 địa phương hưởng lợi, đồng thời thành lập các đội ứng phó khẩn cấp (viết tắt là ERT) ở 4 xã, phường. Mỗi đội ERT xã, phường có quân số khoảng 24 người, trang bị phương tiện và các kỹ năng cơ bản để xử lý những tình huống khẩn cấp khi thiên tai xảy ra.

Trong năm học 2015-2016, dự án tổ chức 4 lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên về kiến thức phòng ngừa thảm họa, thích ứng với biển đổi khí hậu và sơ cấp cứu. Dự án triển khai 25 lớp kỹ năng phòng ngừa thảm họa, thích ứng với biển đổi khí hậu tại 6 trường học, có 586 học sinh tham gia; đồng thời, tích hợp nội dung phòng ngừa thảm họa vào chương trình học chính khóa cho 627 học sinh.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án cũng triển khai xây dựng mô hình nhà an toàn, cụm dân cư, trường học an toàn trước thiên tai, các Trường tiểu học Liên Sơn; tiểu học số 1, 2 Bảo Ninh và Phú Hải lắp đặt bể chứa nước sinh hoạt, kinh phí trên 36 triệu đồng; lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết tại Trường tiểu học số 1, 2 Bảo Ninh, kinh phí hơn 100 triệu đồng; cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh các trường tiểu học trong vùng dự án, kinh phí gần 150 triệu đồng…

Xây dựng nhà chòi tránh lũ cho người dân tại xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa).
Xây dựng nhà chòi tránh lũ cho người dân tại xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa).

Trong khu dân cư ở 4 xã, phường, dự án xây dựng hệ thống loa truyền thanh cảnh báo sớm tại 2 xã Mai Hóa (12 cụm), Thuận Hóa (21 cụm), trị giá gần 850 triệu đồng. Cũng trên địa bàn xã Mai Hóa, dự án đầu tư công trình đường cứu hộ tránh lũ và sơ tán, đưa vào sử dụng năm 2016, kinh phí 580 triệu đồng. Xã Thuận Hóa được hỗ trợ 9 nhà tránh lũ cho hộ nghèo (30 triệu đồng/nhà) và lắp đặt hệ thống nước sạch phục vụ dân sinh.

Đánh giá về tính hiệu quả dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và thành thị”, ông Trần Quang Diệu, cán bộ dự án xã Mai Hóa cho biết: “Trong hai trận lũ lịch sử xảy ra tại Quảng Bình cuối năm 2016, tất cả những nội dung chúng tôi tiếp nhận từ dự án được phát huy. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai xã tiến hành sơ tán kịp thời cho 200 người dân và hàng trăm con gia súc qua đường tránh lũ. 6/9 ngôi nhà tránh lũ sử dụng an toàn”.

Về hệ thống loa truyền thanh cảnh báo lũ sớm, ông Nguyễn Xuân Các, cán bộ dự án xã Thuận Hóa khẳng định: “Sau khi đưa vào sử dụng, diễn biến hai trận lụt cuối năm 2016 được Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai xã cập nhật liên tục đến nhân dân thông qua hệ thống truyền thanh, khoảng 79,1% dân số nghe rõ. Từ đó nhân dân chủ động phòng chống lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”.

Bà Marina, Trưởng đại diện Hội CTĐ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, trong hội nghị sơ kết một năm triển khai dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và thành thị” tại Quảng Bình nhấn mạnh: “Quảng Bình là một trong những tỉnh, thành phố ở Việt Nam thực hiện dự án rất hiệu quả. Điều này được kiểm chứng qua hai trận lũ lụt lớn cuối năm 2016. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các cấp Hội CTĐ, nhân dân Quảng Bình xây dựng dự án bền vững trong cộng đồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về con người, tài sản trước thiên tai, thảm họa thiên nhiên”.

Thanh Long