.

Chuyện người lính trên chiến trường quốc tế

Thứ Năm, 12/01/2017, 11:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Nguyễn Văn Giá, sinh năm 1939, quê ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, là cựu chiến binh có 50 tuổi Đảng. Ông từng có nhiều năm tháng chiến đấu trên các chiến trường Lào, Thái Lan, Campuchia vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

Chúng tôi gặp ông vào một ngày đầu xuân 2017 và được ông kể lại những kỷ niệm không bao giờ quên của cuộc đời người lính Cụ Hồ vào những năm tháng hào hùng. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông kể, ông lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trước đó, mới 17 tuổi ông đã tham gia dân quân địa phương. Ông nhập ngũ vào năm 1960, ra quân năm 1976. Hơn 16 năm ròng rã, ông luôn ở chiến trường. Ngay từ ngày đầu, ông đã được vào biên chế đơn vị PC35 thuộc Văn phòng Trung ương Đảng. Lúc ấy, ông mới hơn 20 tuổi.

Trong hồi ức của mình, ông nhớ nhất là giây phút được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ đặc biệt. Đó là khoảng tháng 5 năm 1965, tại hội trường Quốc phòng, thủ đô Hà Nội, khi chiến tranh cục bộ miền Nam ở thời điểm cao trào, ông cùng đồng đội được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ công tác tại chiến trường X. Đại tướng ân cần dặn dò: “Nhiệm vụ trong nước rất nặng nề, kẻ địch leo thang đánh phá với cường độ ngày càng tăng, tôi giao nhiệm vụ cho các đồng chí sang Thái Lan theo dõi tình hình và xây dựng cơ sở về báo cho đất nước để đưa bộ đội qua hoạt động...”. Lời dặn dò của Đại tướng thiêng liêng như lời Tổ quốc, ông còn nhớ như in từng lời: “Đất nước còn lâm nguy, nên cử các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ quốc tế bảo vệ vòng ngoài”. Đợt này có 21 người, trong đó có 3 người Thái Lan, 3 người Lào, 15 người Việt Nam. Riêng quê hương tuyến lửa Quảng Bình có ông và ông Trần Đình Tam ở xã Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn. Nhận nhiệm vụ xong, đoàn cấp bách lên đường. Trong thời gian hoạt động ở nước bạn, ông được giao nhiệm vụ ở vùng địch hậu, lấy tin tức hoạt động với cơ sở địa phương nắm tình hình địch ở đất Thái Lan để đưa tin tức cho quân đội ta, đồng thời đưa cán bộ cao cấp của ta vào đất bạn. Cuộc sống rất gian khổ. Trở ngại ban đầu của ông và đồng đội là bất đồng ngôn ngữ, thiếu am hiểu phong tục tập quán, văn hóa bản địa. Ông còn phải đối đầu với những cặp mắt diều hâu của kẻ thù. Chỉ cần một sơ hở nhỏ là công việc lớn bị bại lộ. Đoàn đã làm mọi việc có thể để che giấu sự nhòm ngó của địch, vừa che mắt kẻ địch vừa cố gắng xây dựng cơ sở, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học tiếng, tìm hiểu phong tục tập quán, tìm hiểu địa bàn hoạt động.

Trong các chiến công thầm lặng, ông nhớ nhất là có chuyến đi được tháp tùng cán bộ cao cấp của nước bạn qua sông Mê Kông vào khoảng năm 1969. Địch phát hiện mục tiêu cho thuyền vây bắt. Tổ bảo vệ có 5 người, trong đó về phía Việt Nam có 3 người, phía bạn có 2 người. Địch có hỏa lực mạnh. Trước tình hình này, ông cùng các đồng đội đã mưu trí đánh lạc hướng địch bảo vệ cán bộ vượt sông an toàn. Để che mắt địch, tổ bảo vệ đã cho thuyền trôi trên dòng sông Mê Kông nước chảy xiết, còn tất cả đã lặn qua sông an toàn. Địch bị đánh lừa đuổi theo đánh phá chiếc thuyền không trôi giữa dòng sông Mê Kông. Năm 1973, trong một lần bảo vệ cán bộ cao cấp của bạn đến biên giới Lào Việt thuộc địa phận Cha Lo, máy bay địch bắn phá ác liệt, đường bị tắc. Lúc đó, chỉ có một xẻng đào hầm. Nếu đào hầm chữ A sẽ không kịp, anh em có sáng kiến đào hầm ếch dựa vào vách núi Cha Lo. Vì thế 3 cán bộ cao cấp của bạn có nơi trú ẩn an toàn. Còn bản thân ông không có nơi trú ẩn. Các cán bộ cao cấp của bạn hỏi: Đồng chí trú ở đâu?” ông trả lời: “Tôi ở ngoài để che cho các đồng chí...”. Các bạn rất cảm kích trước hành động dũng cảm của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Trận đó ông bị thương do bom đạn địch đánh vào trận địa.

Sau khi đất nước được hòa bình, năm 1976, cũng như nhiều đồng đội khác ông Nguyễn Văn Giá được trở về làng quê cùng vợ con ở Sơn Trạch, Bố Trạch. Hiện nay ông đang sống ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Là một cựu chiến binh,  bệnh binh đã ngoài 78 tuổi, ông luôn tích cực tham gia lao động sản xuất cùng với bà con nông dân, thể hiện được tấm gương sáng của anh Bộ đội Cụ Hồ, sống mẫu mực chan hòa với bà con thôn xóm.

P.Hòa