.

Chợ Tết ở Y Leeng

Thứ Sáu, 27/01/2017, 22:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuối tháng chạp năm trước, anh bạn Hồ Ba, ở bản Ba Loóc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa gọi điện: “Ngày 28 tới, chú lên đi chợ Tết Y Leeng với anh nhé. Chợ Tết trên đây đông vui, nhộn nhịp và có nhiều nét độc đáo lắm, chú tha hồ mà viết”. Nhận lời anh, đúng 7 giờ sáng ngày 28 tháng Chạp, tôi đã có mặt trước cổng chợ Y Leeng tại điểm hẹn trước đó với anh.

Những ngày cuối đông, tiết trời vùng cao vẫn còn se lạnh nhưng nắng vàng đã rải khắp cả núi rừng Trường Sơn. Hai bên đường lên chợ Y Leeng, hoa ban đã nở trắng rừng, xen lẫn màu vàng rực của cúc quỳ, hoa mơ. Hai bên đường, cờ Tổ quốc bay phấp phới trên các ngôi nhà sàn đơn sơ và các trụ sở làm việc. Hoa đào nở khắp cả khu vườn của người dân càng tô điểm cho bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn thêm đẹp và tràn đầy sức sống. Trước đó, tôi đến chợ Y Leeng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tôi đi chợ phiên ngày 28 tháng Chạp là phiên chợ cuối năm, ngày mà đồng bào người Khùa, Mày thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều xem là ngày hội lớn nhất trong năm của họ. Ngày này, trai gái, già trẻ các bản làng thức dậy thật sớm, chọn cho mình những bộ quần áo đẹp, lộng lẫy nhất để đi trẩy hội, mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ cho ba ngày Tết, mua bánh kẹo, quần áo mới cho trẻ con.

Tôi cùng Hồ Ba hòa vào dòng người đi chợ đông đúc. Phiên chợ cuối năm có nhiều thương lái từ các nơi đổ về buôn bán. Hàng hóa vì thế cũng đa dạng hơn rất nhiều so với những ngày thường. Hầu hết các mặt hàng ở miền xuôi đều có mặt ở phiên chợ Tết Y Leeng nhờ có đường Quốc lộ 12A và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tạo điều kiện thông thương. Ngoài ra, phiên chợ Tết còn có nhiều mặt hàng là sản vật của địa phương. Trong đó phải kể đến lạt, lá dong, gạo nếp rẫy để gói bánh chưng, măng rừng, mật ong, thịt heo bản, chuối, ớt, thuốc lá...

Các sản vật và hàng mỹ nghệ được bày bán ở chợ Tết Y Leeng.
Các sản vật và hàng mỹ nghệ được bày bán ở chợ Tết Y Leeng.

Anh Hồ Đi, ở bản Hà Nôông, xã Dân Hóa cho hay: “Năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết là cả nhà miềng tập trung giã gạo để đem ra chợ bán lấy tiền mua sắm Tết”. Hồ Đi là một trong những hộ trồng lúa rẫy nhiều nhất bản. Mỗi năm, anh gieo trồng được trên 1ha lúa ở vùng Sa Mù, thu hoạch hơn tấn thóc. Nhờ trồng lúa rẫy mà Tết năm nào nhà anh cũng chuẩn bị khá tươm tất, đủ cho cả nhà, cả bản đến chung vui. Dịp Tết này, nhà anh bán khoảng 2 tạ gạo nếp rẫy, thu về hơn 3 triệu đồng. Không chỉ Hồ Đi mà còn hàng chục hộ dân khác ở Hà Nôông, Ba Loóc, Ra Mai cũng mang gạo nếp xuống chợ bán phục vụ cho bà con gói bánh chưng.

Lạt, lá dong là mặt hàng được nhiều người mua bán nhất. Anh Hồ Biên, ở tận bản Lòm, xã Trọng Hóa đã đi chợ từ tối hôm qua. Hành trình đến chợ của anh là chiếc xe máy chở đầy lá dong và lạt gói bánh chưng, anh nói: “Do đường xa quá nên miềng phải đi chợ từ tối qua để sáng nay bán xong lá dong, lạt lấy tiền còn mua sắm Tết. Nhà miềng còn khó khăn nhưng Tết năm nào cũng phải gói vài cặp bánh chưng, mua ít bánh kẹo, vài cân thịt, cá, quần áo mới để cho con cái vui Tết”. Hồ Biên cho biết, ở vùng Lòm có rất nhiều lá dong và lạt. Cứ dịp Tết là bà con dân bản kéo nhau lên rừng từ mấy ngày trước lấy về bán kiếm tiền tiêu Tết.

Phiên chợ cuối năm ở vùng cao này thực sự là nơi hội tụ đầy đủ nhất của giá trị lao động của bà con các dân tộc thiểu số. Ở đó, họ bán thịt heo bản và cá mát, cá khe. Heo bản được bà con thả rong trong vườn, chủ yếu ăn các loại rau củ, cơm thừa...; thời gian nuôi lâu nên thịt săn chắc, nhiều nạc và ăn ngon hơn so với thịt heo dưới xuôi. Mỗi con heo bản nặng khoảng 40 đến 60 cân. Anh Hồ Ngói, ở bản Ra Mai cho hay: “Sáng nay, miềng mổ con lợn chừng 60 cân nhưng bà con trong bản đã đặt mua hết hơn một nửa rồi, còn lại ít mình đem ra chợ bán rồi sắm Tết luôn”. Cạnh chỗ bán thịt lợn là quầy bán cá. Ở vùng biên giới này có loại cá đặc sản được nhiều người yêu thích là cá mát. Trong nhưng ngày đông rét buốt, nhiều người dân vẫn chịu khó ra sông, khe, suối để đánh cá. Cá đánh về được xâu vào que tre đem nướng lên bếp than, cá chín mùi thơm, vàng đem ra chợ bán.

 Một góc chợ Y Leeng ngày 28 tháng Chạp.
Một góc chợ Y Leeng ngày 28 tháng Chạp.

Mặt trời đã lên quá ngọn sào nhưng chợ vẫn còn tấp nập kẻ bán người mua. Dân bản sắm quần áo mới, hàng điện tử, tranh, ảnh, bóng nháy để trang hoàng nhà cửa trong ngày Tết. Gặp lại ông Hồ Nhâm, ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa đi chợ, ông cho biết: “Chợ Y Leeng được thành lập từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước. Ngày đó, chợ chỉ có vài cái lều dựng tạm lên để các tiểu thương buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chợ được họp vào các ngày 8, 18 và 28 âm lịch. Sau này, quá trình thông thương càng thuận lợi, nhu cầu mua sắm của người dân cao nên chợ họp mỗi tháng 6 phiên. Ngoài các phiên chợ chính thì họp thêm các ngày 3, 13 và 23 âm lịch. Mỗi năm, ngày 28 tháng Chạp được bà con chọn là phiên chợ Tết. Phiên chợ này được họp cuối năm nên người bán, người mua tập nập hơn hẳn. Từ khi có chợ, bà con các dân tộc thiểu số ở Dân Hóa và Trọng Hóa đã biết ăn Tết cổ truyền”.

Theo lời Hồ Nhâm, thời chưa có chợ, bà con trong xã phải cuốc bộ về tận chợ Hóa Tiến (huyện Minh Hóa) và chợ Thanh Lạng, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) để mua bán. Mỗi lần đến phiên chợ Tết, bà con phải dậy thật sớm từ lúc gà gáy canh một rồi đốt đuốc, gùi ba lô theo đường mòn đi chợ nhưng phải đến tối mịt mù mới trở về được tới nhà. Dù đi lại vất vả nhưng đồng bào Bru – Vân Kiều ở xã Dân Hóa và xã Trọng Hóa vẫn chắt chiu lại ít gạo, tiền để chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên và những người đã khuất trong 3 ngày Tết. Bởi họ quan điểm rằng, cả năm lao động vất vả nên dịp Tết phải để cho gia đình nghỉ ngơi, sum họp. Đặc biệt, đây cũng là dịp để họ tỏ lòng tôn kính những bậc sinh thành và người thân đã khuất...

Xuân Vương