.

Nhớ Fidel

Thứ Sáu, 02/12/2016, 15:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi nghe tin Fidel Castro từ trần,  người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Quảng Bình không khỏi bùi ngùi thương nhớ. “Sinh ly tử biệt” là quy luật của muôn đời, ra đi ở tuổi 90, ông đã để lại hình ảnh đẹp đẽ, vinh quang của một con người suốt cuộc đời chiến đấu, bảo vệ độc lập dân tộc và lý tưởng của người cộng sản.

Và bên cạnh những điều vĩ đại đó, hình ảnh ông trong lòng người dân Quảng Bình lại vô cùng bình dị, thân thương và gần gũi...

Fidel Castro tại buổi trao đổi với y, bác sĩ Quảng Bình về đầu tư xây dựng bệnh viện vào năm 1973 (ảnh tư liệu)
Fidel Castro tại buổi trao đổi với y, bác sĩ Quảng Bình về đầu tư xây dựng bệnh viện vào năm 1973 (ảnh tư liệu)

Có một câu nói của Fidel mà người Việt Nam thuộc nằm lòng, ấy là “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”. Năm 1973, ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị và sau đó là Quảng Bình. Những hình ảnh của ông trong chuyến đi này cùng các buổi nói chuyện đã đã trở thành ký ức không thể nào quên của mọi người...

8 tháng sau chuyến thăm lịch sử ấy, Fidel và nhân dân Cu Ba tặng Quảng Bình món quà vô cùng ý nghĩa, đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới với quy mô 450 giường bệnh, được khởi công vào ngày 19-5-1974.

Trong ký ức của nhiều người, trong đó có tôi, Bệnh viện Cu Ba như cách mọi người vẫn quen gọi, không chỉ là nơi cứu chữa bệnh nhân, trả lại sự sống cho nhiều người, mà đó còn là biểu tượng của sự văn minh và hiện đại. Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi thị xã Đồng Hới nhỏ bé chỉ có dăm ba ngôi nhà hai tầng cũ kỹ, thì Bệnh viện Cu Ba là một công trình cao tầng uy nghi, đặc biệt là hệ thống cầu thang máy khiến những ai lần đầu được tiếp cận đều ngỡ ngàng xen lẫn tự hào. Nên có một trò vui mà dường như tất cả trẻ con thời ấy khi lên bệnh viện đều thích thú thử, đó là bấm nút cầu thang máy và đứng mãi trong đó để được chạy lên chạy xuống nhiều lần. Và cũng ở Bệnh viện Cu Ba, nhiều đứa trẻ lần đầu tiên được biết đến vị ngon ngọt khó tả của “kem cốc”, món ngon thượng hạng chỉ có ở nơi căng tin bệnh viện mà trong lúc thưởng thức thường bắt gặp những nụ cười dễ mến của các chuyên gia Cu Ba...

 Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, món quà  Fidel Castro và nhân dân Cu Ba tặng Quảng Bình
Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, món quà Fidel Castro và nhân dân Cu Ba tặng Quảng Bình.

Với riêng tôi, Bệnh viện Cu Ba là địa chỉ đặc biệt bởi đây là nơi đã trả lại sự sống cho mẹ tôi khi bà ốm nặng phải phẫu thuật vào năm 1988. Kíp mổ do bác sĩ  Lê Văn Thuần, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện thực hiện với quá trình chẩn đoán, hỗ trợ của các chuyên gia Cu Ba. Và hơn nửa tháng điều trị tại bệnh viện, hàng ngày, các bác sĩ Cu Ba đều tận tình thăm khám, chăm sóc. Sự tận tụy và đầy tinh thần trách nhiệm của những người đến từ đất nước Cu Ba xa xôi khiến cho mọi người, trong đó có tôi, cảm thấy gần gũi, biết ơn và vô cùng yêu quý Fidel, con người vĩ đại đã mang món quà ý nghĩa tặng cho quê hương mình.

Cũng những năm tháng ấy, lũ học trò chúng tôi được học bài thơ “Từ Cu Ba” của nhà thơ Tố Hữu. Với tất cả những ấn tượng đẹp đẽ về đất nước cách xa nửa vòng trái đất và hình ảnh chói ngời của vị lãnh tụ Fidel, chúng tôi yêu hơn xứ sở chưa từng đặt chân đến đẹp lung linh qua hình ảnh “Nắng rực trời tơ và biển ngọc/Đảo tươi một dải lụa đào bay” ấy.

Người Quảng Bình nói chung và người dân thị xã Đồng Hới thuở ấy nói riêng, đã vô cùng may mắn khi được sống, được gặp gỡ những công dân ưu tú của đất nước Cu Ba. Còn nhớ vào mỗi dịp hè, đoàn thanh niên Cu Ba thường sang giao lưu với học sinh Quảng Bình. Tôi cũng may mắn một lần được có mặt trong đoàn học sinh thị xã Đồng Hới giao lưu cùng thanh niên Cu Ba vào mùa hè năm 1987. Do ngôn ngữ bất đồng và vóc dáng cao lớn của những anh chị thanh niên Cu Ba khiến lũ trẻ chúng tôi ban đầu có chút e ngại, nhưng chỉ bằng những nụ cười rạng rỡ, sự e dè ấy nhanh chóng được xua tan. Và bên bãi biển Nhật Lệ, mọi người cùng năm tay nhau múa hát quanh đống lửa trại, giữa rì rào tiếng sóng biển...

Ông Hà Xuân Lộc, năm nay 70 tuổi (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh), người từng tham gia thi công Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba bồi hồi nhớ lại: Vào năm 1974, tôi có mặt trong đội tổng hợp, bao gồm điện, nước, mộc...  Tôi được cử tham gia thi công hệ thống mộc của bệnh viện. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, tôi được tiếp xúc nhiều với các kỹ sư Cu Ba và học hỏi nhiều điều từ họ. Đến bây giờ, tôi vẫn tiếp tục làm công việc của mình và có thể khẳng định, giai đoạn tham gia thi công Bệnh viện Cu Ba với tôi là những năm tháng đáng nhớ nhất.  “Khi nghe tin ông Fidel từ trần, tôi vô cùng tiếc thương. Bởi con người ấy, khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở đất nước mình, thì vẫn không quên đồng hành, giúp đỡ và sẻ chia với người dân Việt Nam và Quảng Bình!”, ông Hà Xuân Lộc chia sẻ thêm.

Còn trong ký ức đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện, những đồng nghiệp đến từ Cu Ba đã giúp họ học hỏi nhiều điều, không chỉ riêng chuyên môn mà lớn hơn là tinh thần tận tụy, yêu thương người bệnh. Khi bệnh nhân cần, bất kể mưa gió, ngày hay đêm, họ đều có mặt. Và câu nói bất hủ của Fidel “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình” còn được hiểu theo đúng nghĩa đen bởi nhiều bác sĩ Cu Ba đã tự nguyện hiến máu của mình để cứu sống bệnh nhân trong những thời khắc nguy nan.

Đến bây giờ, sau 35 năm khánh thành và đi vào hoạt động, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba đồng Hới vẫn là một công trình tiêu biểu bởi thiết kế khoa học và vững chãi với thời gian. Công trình vững chãi tựa như mối tình bền chặt, sắt son của người dân hai nước Việt Nam - Cu Ba suốt từ bấy đến giờ. Những người Quảng Bình từng gặp gỡ, chứng kiến bao thời khắc ý nghĩa khi Fidel sang thăm Quảng Bình cũng lần lượt trở thành người thiên cổ hoặc đã rất già. Nhưng trong những ký ức của họ, kỷ niệm về Fidel vẫn sống động, như thể gần nửa thế kỷ chưa từng đi qua...

Bởi những ân tình trải qua bao tháng năm ấy, nên người Quảng Bình yêu mến Fidel như một lẽ đương nhiên dù suốt cuộc đời chưa một lần được gặp gỡ con người huyền thoại ấy. Người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy đã ra đi sau suốt cuộc đời chiến đấu không ngừng nghỉ cho giấc mơ và khát vọng của dân tộc về tự do, bình đẳng và quyền tự quyết định vận mệnh của chính mình. Thanh thản giã từ thế giới, ông để lại trong trái tim những người yêu chuộng hòa bình nỗi nhớ thương về một con người vĩ đại. Giã từ thế giới nhưng ngọn lửa về ước mơ, khát vọng mà ông thắp lên và suốt cuộc đời gìn giữ sẽ mãi mãi là động lực của bao thế hệ mai sau.

Với riêng người dân Quảng Bình, trong nỗi nhớ thương còn là những cảm xúc tự hào bởi nơi đây từng in dấu chân của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc Fidel Castro cùng biết bao ân tình.

Ngọc Mai