.

Sự cố ô nhiễm môi trường biển: Các địa phương khẩn trương chi trả bồi thường cho nhân dân

Thứ Tư, 23/11/2016, 11:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Liên quan đến vụ việc xả thải làm ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh ven biển miền Trung của Công ty Formosa Hà Tĩnh, thực hiện Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để nhận số tiền hỗ trợ ban đầu và chuyển đến tận tay bà con ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Có thể nói, đây là số tiền kịp thời hỗ trợ ngư dân sớm thoát khỏi khó khăn, ổn định cuộc sống và tiếp tục vươn khơi bám biển…

Theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành định mức bồi thường thiệt hại tại 4 tỉnh miền Trung do sự cố môi trường biển, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển với định mức bồi thường thiệt hại được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của 7 nhóm đối tượng này. Sau gần 8 tháng chờ đợi, hiện nay nhiều bà con bị thiệt hại ở các địa phương trong tỉnh đã được cầm trên tay số tiền bồi thường ban đầu. Nhà nước đang thực hiện công tác chi trả thiệt hại từ tổng số tiền 500 triệu USD mà Formosa Hà Tĩnh đền bù.

Sau nhiều lần kiểm tra, rà soát thiệt hại sau sự cố môi trường biển, đến chiều ngày 9-11, UBND tỉnh đã tiến hành công tác đền bù, chi trả thiệt hại đầu tiên của tỉnh cho người dân xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn). Toàn xã Quảng Hải có 46 tàu dưới 90CV, 1 tàu trên 90CV, 1 thuyền không gắn máy và 3 lao động mất thu nhập được bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng.

Theo đó, định mức chi trả đối với 1 tàu dưới 20CV là khoảng 64 triệu đồng, tàu có công suất từ 20 - dưới 50CV được hỗ trợ 91,2 triệu đồng, tàu có công suất từ 90CV trở lên được hỗ trợ 109,3 triệu đồng và thuyền không gắn máy được hỗ trợ 34,9 triệu đồng. Riêng đối với 3 lao động mất thu nhập được bồi thường gần 17,5 triệu đồng/người.

Chi trả trực tiếp tiền bồi thường đợt 1 cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại phường Quảng Phúc (Ba Đồn).
           Chi trả trực tiếp tiền bồi thường đợt 1 cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại phường Quảng Phúc (Ba Đồn).

Là một trong những người dân đầu tiên trong tỉnh được nhận tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển, anh Mai Văn Tùng, ở xã Quảng Hải bộc bạch, cầm tiền đền bù trên tay mà thấy khấp khởi “vừa mừng vừa lo” bởi nhận số tiền đợt này gia đình sẽ dùng để trang trải nợ nần trong những tháng qua, phần còn lại không biết có đủ mua sắm thêm ngư lưới cụ và sửa sang lại tàu để tiếp tục nghề đánh bắt.

Có mặt tại phường Quảng Phúc (Ba Đồn) vào sáng ngày 17-11, chúng tôi ghi nhận không khí tấp nập, rộn ràng tại UBND phường bởi có gần 300 chủ tàu và lao động đang nóng lòng chờ đợi đến lượt gọi tên để nhận tiền hỗ trợ. Ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc cho biết, phường có 86 tàu và 264 lao động được chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển trong đợt này. Việc chi trả được tiến hành công khai, nghiêm túc, đúng quy định, đúng đối tượng nên đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Hầu hết các ngư dân, chủ tàu có công suất dưới 90CV hài lòng với mức đền bù thiệt hại theo quy định của Chính phủ (Cụ thể: chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20CV là 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20CV đến dưới 50CV là 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên là 37,48 triệu đồng/tàu/tháng).

Qua trao đổi với nhiều ngư dân ở các xã, phường vùng biển, chúng tôi nhận được rất nhiều chia sẻ tâm huyết của họ, trước hết là sự vững tin của người dân đối Đảng và các cơ quan Nhà nước trong việc kiên trì chờ đợi kết quả từ công tác bồi thường thiệt hại. Đặc biệt, sau khi nhận được tiền bồi thường sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra, ngư dân vẫn tiếp tục lựa chọn phương án nâng cấp tàu cá để vươn khơi đánh bắt.

Ngư dân Nguyễn Văn Chuân (tàu công suất 70 CV), ở thôn Xuân Lộc, phường Quảng Phúc vừa nhận được 50% số tiền 175 triệu đồng (bao gồm tiền bồi thường cho chủ tàu và lao động trên tàu) cho hay: “Với mức đền bù cho tàu cá và lao động trên tàu dưới 90 CV như vậy, chúng tôi thấy cũng đã thỏa đáng, tuy nhiên hiện nay chúng tôi mong muốn Chính phủ, các cấp, ngành giải ngân sớm nhất hết số tiền chi trả đền bù, ngoài ra có thể hỗ trợ thêm những tàu cá công suất thấp để nâng cấp, đánh bắt xa bờ”.

Cạnh đó, ngư dân Nguyễn Xuân Quế (tàu công suất dưới 20CV) ở thông Tân Mỹ, phường Quảng Phúc bày tỏ, gia đình anh đã nhận được số tiền gần 50 triệu đồng/99 triệu đồng cho cả chủ tàu và hai bạn tàu (định mức bồi thường là 5,96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20CV). Giờ anh chỉ mong muốn được nhanh chóng nhận hết số tiền bồi thường để tu sửa ngư cụ, nâng cấp thêm máy để sớm ra khơi trở lại.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong quyết định phê duyệt đợt 1, các đối tượng được nhận 50% số tiền bồi thường với mức bồi thường được áp dụng trong thời gian 6 tháng. Cụ thể, toàn tỉnh có 17 xã thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Lệ Thủy (Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam), Quảng Ninh (Hải Ninh, Lương Ninh, Quán Hàu, Vĩnh Ninh), Đồng Hới (Quang Phú, Phú Hải), Bố Trạch (Thanh Trạch, Đức Trạch), Ba Đồn (Quảng Thuận, Quảng Phúc, Quảng Hải) và Quảng Trạch (Quảng Kim, Quảng Phương, Quảng Thanh) được chi trả hỗ trợ tiền thiệt hại do sự cố môi trường biển với tổng số tiền gần 322 tỷ đồng. Công tác chi trả bồi thường đợt 1 sẽ được hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 11-2016.

Qua các đợt kiểm tra, giám sát tình hình triển khai kế hoạch và thực hiện chi trả trực tiếp tiền bồi thường cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân cũng đã khẳng định, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ nay đến hết năm 2016. Quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh là phải khẩn trương tổ chức chi trả bồi thường cho nhân dân, đồng thời bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch và đúng đối tượng.

Có thể nói, số tiền bồi thường nhận được sẽ góp phần động viên, khích lệ tinh thần của bà con, nhất là những ngư dân vùng biển có số vốn ban đầu để mua sắm ngư cụ, nâng cấp máy móc, tiếp tục vươn khơi bám biển. Mặc dù đây là đợt chi trả đầu tiên, nhưng hy vọng sẽ là tiền đề tốt cho việc thực hiện đền bù tại các đợt còn lại.

N.L