.

Những câu chuyện bây giờ mới kể

Thứ Sáu, 25/11/2016, 16:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Bình yên trở lại trên đất lũ Quảng Bình. Những mất mát, đau thương rồi cũng nguôi ngoai dần. Nhưng đi qua hoạn nạn mới thấy thấm đẫm tình người, nghĩa đồng bào cao cả. Có nhiều câu chuyện, cho đến bây giờ mới được kể…

Tình người trong lũ

Chưa bao giờ Quảng Bình lại bị ngập nặng trên diện rộng như những trận lũ lụt kế tiếp nhau trong tháng 10, 11-2016. Những ngày này, từ thành phố Đồng Hới cho đến Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, ngược lên hai huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa, hàng vạn người dân, tài sản, nhà cửa, ruộng nương... ngập trắng, bơ phờ vì dòng nước bạc.

Cho đến bây giờ, khi bình yên trở lại với Quảng Bình, khi thôi ngược xuôi theo những chuyến hàng cứu trợ đến với đồng bào vùng lũ, khi người Quảng Bình thở phào nhẹ nhõm vì một mùa thiên tai đi qua... chúng tôi, những người làm báo mới có thời gian để nhớ đến những hình ảnh, câu chuyện, cảnh đời, tình người trong lũ mà mình trực tiếp ghi nhận, chứng kiến.

Là hình ảnh chị Hoàng Thị Nga (thôn Vĩnh Thọ, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch) hai bàn tay nâng niu từng hạt lúa đẫm nước, thở dài đầy tiếc nuối: “Vợ chồng chắt chiu chục năm ni được ít tiền, mua gỗ lạt về chuẩn bị làm nhà. Mới xong cái móng thì nước tràn qua, bao nhiêu gỗ lạt, lúa gạo, áo quần, sách vở của con cái đều bị cuốn trôi theo dòng lũ. Sau đận lũ ni, cả nhà đành phải ở nhờ hàng xóm”.

Bà Hoàng Thị Vân đang phơi số gạo bị ngâm trong nước lũ.
Bà Hoàng Thị Vân đang phơi số gạo bị ngâm trong nước lũ.

Gần gia đình chị Hoàng Thị Nga, bà Hoàng Thị Vân, 65 tuổi đang ngồi phơi gạo. Bà bảo nhà có hai ông bà già, nước lên nhanh quá vứt hết nhà cửa, tài sản dìu nhau chạy lũ. Mấy ngày chạy lũ, hàng xóm láng giềng chia nhau gói mì tôm ấm lòng, chứ gạo, nước, bếp núc, xoong nồi mô mà nổi lửa. Tình nghĩa xóm làng “tắt lửa tối đèn có nhau” là những lúc ni đây! Giữa biển nước mênh mông, hàng xóm vẫn gọi hỏi thăm, động viên nhau cố gắng chờ nước rút. Lũ đi, cùng giúp nhau dọn vén nhà cửa, nhặt nhạnh tài sản còn sót lại.

Trong lũ, tình cảm gia đình, làng xóm như một thứ tài sản quý giá khó gì so sánh được. Chúng tôi cảm nhận điều đó khi về phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn. Hai cha con anh Nguyễn Văn Hà, 43 tuổi, Nguyễn Thị Kiều Linh, 17 tuổi ở tổ dân phố Chùa, phường Quảng Thuận, bị nước cuốn mất trong đêm 14-10. Trắng đêm, trắng ngày, các ngành chức năng và người dân dầm mình trong nước tìm hai cha con xấu số. Sáng ngày 16-10, họ đón cha con anh Hà về ngôi nhà cũng tan hoang trong lũ rồi cùng với gia đình, giúp chị Trần Thị Tuyết (vợ anh Hà) lo tròn hậu sự cho hai cha con.

Những đứa trẻ sinh ra trên đỉnh lũ

Đến bây giờ, toàn ngành Công an Quảng Bình vẫn nhớ đến câu chuyện họ đã vượt lũ dữ đưa một sản phụ đến bệnh viện an toàn như thế nào. Trong lúc đang giúp dân chống lũ, Công an thị xã Ba Đồn nhận điện thoại của một người dân ở xã Quảng Trung cầu cứu vì vợ chuyển dạ sắp sinh. Giữa mênh mông nước, lực lượng công an dùng ca-nô nhanh chóng tiếp cận xã Quảng Trung chở chị Pham Thị Mỹ Linh, 23 tuổi, trú xóm 2 chuẩn bị sinh con đến bệnh viện. Tiếp đó, tổ công tác lại dùng ca-nô qua xã Quảng Hải chở một người dân bị viêm ruột thừa đi mổ cấp cứu, bảo toàn tính mạng.

Cách đó hơn 100 cây số, tại huyện Minh Hóa, chị Đinh Thị Thành, 28 tuổi, trú tại xã Dân Hóa trở dạ. Người nhà đưa chị Thành đi bệnh viện nhưng vì nước lũ quá to nên phải chờ bên suối. Nhận yêu cầu hỗ trợ từ gia đình chị Thành, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa cử kíp trực gồm một bác sỹ, hộ sinh và lái xe ngược lên chờ bên kia suối, nhưng đành bất lực. Đến rạng sáng 15-10, thai phụ Đinh Thị Thành đuối sức dần. Trước tình cảnh trên, nhiều thanh niên quyết định hợp sức cùng nhau đưa chị Thành qua suối an toàn. Bác sỹ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho chúng tôi biết: lúc nhập viện, sản phụ Thành đuối sức, được hồi sức rồi sinh mổ thành công. Một đứa trẻ chào đời trên đỉnh lũ trong niềm vui của gia đình song hành cùng sự tiếc thương dành cho anh Đinh Văn Thưởng, người thanh niên cố gắng đưa sản phụ Thành qua suối, bị cuốn trôi đến mấy ngày sau mới tìm thấy thi thể.

Giữa đỉnh lũ, thai phụ Trần Thị Mai được đưa đi bệnh viện bằng ca-nô.
Giữa đỉnh lũ, thai phụ Trần Thị Mai được đưa đi bệnh viện bằng ca-nô.

Trong ngày 16-10, khi lũ ở Lệ Thủy vẫn đang ở đỉnh cao, người thân và gia đình chị Trần Thị Mai hốt hoảng vì chị chuyển dạ sinh con. Gia đình cố chở chị Mai đến bệnh viện bằng xe máy nhưng chỉ đi chừng 3km thì chịu vì đường ngập sâu. Chốt trực cứu hộ thuộc Ban CHQS huyện Lệ Thủy lúc này có đại úy Lê Cảnh Hợp chốt tại điểm ngập nơi chị Mai dầm mình trong nước bạc đã kịp thời đưa chị Trần Thị Mai lên ca-nô, di chuyển bằng đường sông tới bệnh viện. Sau khoảng 30 phút theo dọc dòng Kiến Giang, chị Mai đến bệnh viện an toàn. Đại úy Lê Cảnh Hợp tâm sự: Bản thân từng đưa nhiều bệnh nhân đi cấp cứu, nhưng đây là lần đầu đưa thai phụ đi sinh. Cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng rồi niềm vui vỡ òa ra khi biết chị Mai mẹ tròn con vuông.

Những câu chuyện nhỏ nhưng thấm đẫm tình người, trong hàng nghìn nghĩa cử cao đẹp chúng tôi ghi nhận lại tại các vùng đất ngập lũ, đắng đót vì thiên tai. Để ngày sau, người dân vùng lũ vẫn còn nhắc lại. Những đứa trẻ sinh ra trên đỉnh lũ nhớ đến thời khắc chúng sắp sửa ra đời, gian nan, khốn khó như thế nào, nhưng cũng kịp nhận nhiều tình cảm ấm áp như thế nào.

Thanh Long - Hải Sâm