.

Bảo đảm an toàn giao thông: Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền

Thứ Ba, 29/11/2016, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 11 tháng năm 2016, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta đều giảm so với cùng kỳ năm 2015. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm từ 5 đến 10% cả về số vụ, số người chết và bị thương, từ nay đến cuối năm, các địa phương, đơn vị cần nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp đóng vai trò quan trọng là công tác tuyên truyền.

Thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho thấy, trong 11 tháng năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 226 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 96 người chết và 217 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ giảm 2%, số người chết và bị thương đều giảm 8%. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm lại là thời điểm diễn ra những dịp lễ, tết, nên việc thực hiện mục tiêu giảm 5-10% số vụ tai nạn, người chết và bị thương vẫn là thách thức lớn.

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bởi đây là một trong những giải pháp đóng vai trò quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, với các chuyên mục thường xuyên hàng tháng, đã góp tiếng nói quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Các tin, bài, ảnh và phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về ATGT đã đề cập đến nhiều nội dung gần gũi trong cuộc sống như: quy định của pháp luật về trật tự ATGT, vấn đề đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, bảo đảm ATGT cho học sinh trong mùa mưa lũ, tình trạng xe quá khổ, quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, những hậu quả nghiêm trọng khi người tham gia giao thông sử dụng bia rượu...

Nông dân thành phố Đồng Hới với hội thi “Nông dân Quảng Bình với an toàn giao thông”.
Nông dân thành phố Đồng Hới với hội thi “Nông dân Quảng Bình với an toàn giao thông”.

Các cơ quan báo chí đã phối hợp chặt chẽ với ban, ngành liên quan, lựa chọn hình thức, chủ đề tuyên truyên truyền, cử phóng viên bám sát thực tế, nắm bắt tình hình để có các bài viết phản ánh đúng tình hình thực tế, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để góp phần kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông.

Bên cạnh kênh tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh tại cơ sở cũng là một kênh thông tin hữu hiệu để góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Các trường học, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền về nội dung ATGT lồng ghép qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt tập thể mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở một số trường đóng trên địa bàn phức tạp về giao thông, nhà trường còn tiến hành ký cam kết chấp hành các quy định về trật tự ATGT với các em học sinh. Những việc làm này đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức cho học sinh, bởi các em học sinh là một trong những đối tượng có nhiều tác động đến tình hình trật tự ATGT trên địa bàn.

Cũng trong năm 2016, ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi "Nông dân Quảng Bình với an toàn giao thông". Được triển khai từ cơ sở mà nòng cốt là các hội viên Hội Nông dân, hội thi đã mang lại tác động tích cực cho không chỉ những người tham gia thi, mà cả đông đảo khán giả theo dõi và cổ vũ cho hội thi. Với hình thức sân khấu hoá, hội thi đã thực sự mang lại những kiến thức bổ ích về ATGT cho người nông dân, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự ATGT không chỉ ở thành phố hay trung tâm huyện lỵ, thị xã mà ở tận địa phương, cơ sở.

Cùng với những hoạt động tuyên truyền của các kênh thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở cơ sở, các trường học, địa phương, một trong những hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và phát huy hiệu quả tích cực là chương trình ra quân hưởng ứng năm ATGT.

Năm 2016, chương trình đã được tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình. Khách mời là cán bộ cơ quan chức năng, các gương điển hình về bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là sự có mặt của đại diện các gia đình có người thân tử vong do tai nạn giao thông. 

Từ những câu chuyện, những lời tâm sự do chính người thân của nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông kể lại khiến tất cả những ai có mặt đều không cầm nổi nước mắt. Trong số khách mời, có những cháu bé lớp 3, lớp 5 ngơ ngác vì mất cha, mất mẹ. Và bà ngoại già gần 80 tuổi giờ phải chống chèo nuôi đàn cháu côi cút...

Những câu chuyện cuộc đời bất hạnh bởi tai nạn giao thông được truyền hình trực tiếp đã tác động mạnh đến suy nghĩ và hành động của người xem. Anh Nguyễn Ngọc Hưng, phường Nam Lý (thành phố Đồng Hới) chia sẻ: “Khi xem chương trình, tôi thấy rõ hơn tác hại của bia rượu, bởi khi tham gia giao thông trong trình trạng “quá chén”, chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ dẫn đến bao điều bất hạnh”.

Để bảo đảm ATGT nói chung, đạt mục tiêu mục tiêu giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương trong năm 2016 nói riêng, thời gian tới các ban, ngành chức năng, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Và trong số này, tuyên truyền là giải pháp đóng vai trò quan trọng đã và đang góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông.

Diệu Cầm