.

Thống kê thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển: Bảo đảm khách quan và đúng đối tượng

Thứ Tư, 12/10/2016, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 19-9-2016, UBND thành phố Đồng Hới có báo cáo số 25/BC-UBND về việc tổng hợp kết quả thống kê thiệt hại vì sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra gửi UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định. Báo cáo cho thấy, ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, thành phố cũng đã tập trung mọi nguồn lực, kịp thời hỗ trợ ban đầu cho người dân, nhằm góp phần ổn định tình hình trên địa bàn. Quá trình thống kê thiệt hại được thành phố bắt đầu triển khai từ tháng 7, trên tinh thần khách quan, thực tế, đúng đối tượng.

Khẩn trương thực hiện

Trên tinh thần các công văn chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, từ tháng 7, UBND thành phố Đồng Hới thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại thành phố, tổ giúp việc cùng 16 hội đồng cấp xã, phường. Trên cơ sở những kết quả sơ bộ và vướng mắc trong công tác thống kê, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại (những xã chưa tiến hành).

Đến ngày 16-9, Hội đồng đánh giá thiệt hại thành phố cơ bản có kết quả đánh giá thiệt hại toàn thành phố và tình hình thực tế những vướng mắc, tồn đọng, phát sinh. Ngày 19-9, UBND thành phố có báo cáo số 25/BC-UBND về tổng hợp thiệt hại do sự cố môi trường biển gửi UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho biết: “Tất cả 16 xã, phường trên địa bàn đều được hướng dẫn kê khai thiệt hại, kết quả có 13/16 xã, phường thực hiện kê khai, các địa phương: Đồng Sơn, Thuận Đức, Lộc Ninh không có đối tượng bị ảnh hưởng. Đây là chủ trương lớn, tác động đến sinh kế, đời sống nhân dân, đặc biệt nhân dân các xã, phường vùng biển nên quá trình thống kê được tiến hành rất cẩn trọng, bám chắc cơ sở.

Trong quá trình triển khai tiếp tục phát sinh thêm nhiều vướng mắc mới, UBND thành phố đã đề nghị tỉnh, Trung ương tiếp tục tháo gỡ. Ví dụ, đối tượng ảnh hưởng gián tiếp như những hộ kinh doanh hàng quán dọc bãi biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh từ tháng tư cho đến nay hầu như không có thu nhập, như vậy đã trở thành đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp về sinh kế, về thu nhập, đời sống gia đình hết sức khó khăn...”.

Kết quả thống kê trên địa bàn thành phố cho thấy, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp trong khai thác hải sản có 682 tàu và 3.721 lao động đánh bắt chịu thiệt hại; diện tích nuôi trồng ảnh hưởng trên 1.448.000m2, số lượng giống thả trên 157.838 con.

Cấp phát gạo hỗ trợ cho người dân xã Quang Phú sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.
Cấp phát gạo hỗ trợ cho người dân xã Quang Phú sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Về lao động mất thu nhập do không có việc làm gồm 3.425 người, trong đó: lao động trong các cơ sở nuôi trồng thủy sản 510 người; kinh doanh thủy sản nhỏ lẻ 1.192 người; sơ chế, chế biến thủy sản 551 người; lao động đơn giản (vận chuyển, bốc vác, chở thuê...) 819 người; khai thác thủy sản có tính chất đơn giản 335 người...

Các đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp gồm 1.365 người, trong đó: cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá 21 cơ sở, 335 lao động; cơ sở dịch vụ du lịch, thương mại 256 cơ sở; lao động ven biển làm nghề giản đơn (bán hàng, làm dịch vụ du lịch, quán ăn...) 754 người.

Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc

Trong quá trình triển khai thống kê cho thấy, đối tượng thiệt hại vẫn còn thiếu. Phạm vi xác định thiệt hại, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa quy định cụ thể phạm vi địa lý vùng, thế nào là vùng “ven biển”, vùng “cửa sông”... từ đó, gây khó khăn trong việc hiểu về khái niệm “xã ven biển” để hướng dẫn cơ sở kê khai thiệt hại.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư - Chủ tịch UBND phường Hải Thành cho biết: “Riêng phường Hải Thành, kể từ ngày xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển đến nay, đối tượng chịu tác động trực tiếp nặng nề nhất chính là các cơ sở dịch vụ, kinh doanh hàng quán phục vụ khách du lịch dọc bãi biển, tuy nhiên khi thống kê lại được xếp vào nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng gián tiếp và như vậy rất thiệt thòi cho họ”.

Bí thư Đảng ủy xã Quang Phú Nguyễn Ngọc Thơ phản ánh: “Ảnh hưởng vì sự cố ô nhiễm môi trường biển mang tính chất lâu dài, xảy ra trên diện rộng, tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế, việc hỗ trợ nhân dân phải lâu dài, bền vững. Xã Quang Phú là một trong ba địa phương thiệt hại nặng nhất của thành phố Đồng Hới, kinh tế chủ yếu là đánh bắt thủy sản.

Hiện tại việc khai thác đang dần có dấu hiệu phục hồi, nhưng ngân sách xã năm nay thất thu khoảng 350 đến 400 triệu đồng. Chính phủ cũng đã có chủ trương hỗ trợ, miễn giảm cho học sinh, sinh viên tại các xã biển, tuy nhiên ở Quảng Bình vẫn chưa thực hiện. Con em Quang Phú bước vào năm học mới hết sức khó khăn”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới Nguyễn Đức Cường cũng chỉ ra những vướng mắc gặp phải trong quá trình thống kê thiệt hại: “Về đối tượng ảnh hưởng trực tiếp, trong nuôi trồng thủy sản số lượng thống kê con giống vượt quá định mức quy định của hình thức nuôi tại Công văn số 7433/BNN-TCTS, cần xin ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh. Các cơ sở kinh doanh đá lạnh; thu mua, tạm trữ thủy sản; đóng, sửa chữa tàu cá; sản xuất, kinh doanh ngư cụ; kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại... (có phát sinh thuế) kê khai thiếu thông tin, không có hóa đơn, chứng từ.

Đại đa số người lao động khi kê khai lại không có hợp đồng lao động với chủ sở hữu lao động, chỉ có chủ sở hữu lao động lập danh sách lao động. Nhưng phần lớn các chủ sở hữu lao động là hộ kinh doanh cá thể nên không có tư cách pháp nhân đầy đủ, vì thế chính quyền xã phường nơi có địa điểm kinh doanh không xác nhận vào phiếu kê khai.

Với đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp, người dân sống ven biển làm nghề có tính chất đơn giản như bán hàng tạp hóa; dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch... Đặc biệt, những người buôn bán trong các chợ xã, phường ven biển không được quy định rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn”.

Thanh Long