.

Người hùng trong lũ dữ

Thứ Ba, 18/10/2016, 10:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến xã Phù Hóa (Quảng Trạch) những ngày sau lũ, nhắc đến cái tên Tâm "vớt", không ai không khỏi nể phục. Thời điểm lũ đang lên đỉnh, anh tình nguyện chèo thuyền cùng con trai luồn lách theo dòng lũ dữ cứu được 15 người bị mắc kẹt trên các mái nhà trong đêm... Anh là Hoàng Văn Tâm (SN 1974), ở thôn Long Châu, xã Phù Hóa.

"Có chi mô chú, lũ ngập rồi đi cứu người thôi"

Thôn Long Châu, xã Phù Hóa là một trong những khu vực ngập sâu nhất trong trận lũ lịch sử năm nay. Hôm chúng tôi tìm về, dù đã qua mấy ngày sau khi lũ rút nhưng sình bùn vẫn bám dày trên các mặt đường, những ngọn tre xiêu vẹo, bật rễ dính đầy rác, in hằn dấu vết cơn lũ dữ.

Gia đình anh Hoàng Văn Tâm cũng như bao gia đình khác trong thôn đang cặm cụi xúc bùn, dọn dẹp nhà cửa. Tiếp chuyện chúng tôi với khuôn mặt góc cạnh, hai hốc mắt lõm sâu vì mấy đêm thức canh lũ nhưng nụ cười của anh ấm áp, thân thiện đến lạ. Nhắc đến chuyện cứu người trong đêm lũ, anh cười xòa "Có chi mô chú, có chi mô chú, lũ ngập rồi đi cứu người thôi".

 Căn nhà của vợ chồng anh Tâm trống hoác sau trận lũ lịch sử.
Căn nhà của vợ chồng anh Tâm trống hoác sau trận lũ lịch sử.

Anh kể, làng anh nằm kề sông Gianh, từ năm 10 tuổi, anh đã theo cha đánh cá mưu sinh trên sông nước. Nghề chài lưới với anh là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình.

Hôm đó, khoảng 9 giờ rưỡi tối 14-10, xã Phù Hóa đã bị cô lập hoàn toàn nhưng nước lũ vẫn đang lên, dòng chảy rất xiết. Anh Tâm cùng vợ và hai người con phải bỏ nhà lên chiếc thuyền vốn là phương tiện mưu sinh cũng là nơi gia đình anh tránh lũ. Thời điểm này, cả xã Phù Hóa đã bị cô lập hoàn toàn trong biển lũ, nhiều nhà, nước đã ngập tận nóc. "Tui nhận được điện thoại của mấy anh trên xã kêu đi cứu người chơ gấp lắm rồi, rứa là bật dậy kêu con trai cùng đi", anh Tâm kể.

Chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1976), vợ anh Tâm nhớ lại: "Cả nhà đang ngồi co ro trong thuyền thì anh Tâm nghe xong điện thoại nhổm dậy gọi thằng Nam (cháu Hoàng Văn Nam, SN 1998, con trai của anh chị) bảo đi cứu người. Lúc đó tui cũng đắn đo lắm, không muốn anh đi vì lũ năm nay lớn hơn mọi năm nhiều. Trên thuyền nhìn vô nhà đã ngập hơn 2m, nước thì chảy xiết biết răng được. Nhưng rồi anh nói: "Hai mẹ con bây ngủ đi, cha con tau đi cứu người rồi về", xong anh chèo thuyền đi."

"Chồng con đi rồi tui ngồi trong thuyền mà như nằm trong lò bếp, sốt ruột không thôi", chị Hiền kể.

Từ nhà anh Tâm đến Ủy ban nhân dân xã cách chừng hai cây, nhưng chèo thuyền luồn lách mãi cả tiếng đồng hồ mới đến. Anh Tâm cùng hai đồng chí công an xã và huyện cùng lên thuyền đến những nhà đang bị mắc kẹt cứu người. Trong đêm đó, anh cùng con trai đã cứu được 8 người đang tuyệt vọng ngồi trên mái nhà và đến rạng sáng hôm sau, thuyền của anh cứu thêm được 7 người.

Người hùng Hoàng Văn Tâm của người dân vùng lũ Phù Hóa (Quảng Trạch)
Người hùng Hoàng Văn Tâm của người dân vùng lũ Phù Hóa (Quảng Trạch)

Anh Tâm tâm sự: "Lúc nớ mình chỉ đinh ninh là cứu được người thôi chứ có quản chi nhưng mà chừ nhớ lại cũng thấy ớn. Chỉ cần sơ suất, vướng vô ngọn tre là lật thuyền ngay. Lũ năm ni dữ thiệt. May có con trai đi cũng chơ không mình tui cũng nọ (không) đủ sức mà chèo."

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, anh Tâm cứu người trong lũ. Trận lũ năm 2007, anh cũng cứu được chị Thơm, ở thôn Cấp Sơn, xã Cảnh Hóa. Lúc đó, nhà chị Thơm bị sập, phi-brô rơi trúng đầu khiến chị mất máu nhiều, giữa trời mưa lũ trong đêm tối, không biết cầu cứu ai thì may mắn có người hàng xóm có số điện thoại nhờ anh Tâm ngược dòng lũ dữ chở chị Thơm đến trạm xá. Nhờ được cấp cứu kịp thời, chị Thơm mới qua khỏi. Từ đó, hai gia đình đi lại thân thiết, giống như anh em ruột thịt...

"Người như anh Tâm thật đáng quý"

Cho đến mấy ngày sau cái đêm kinh hoàng đó, chị Hoàng Thị Lan (SN 1986), thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng. Gia đình chị 4 người, hai con nhỏ 4 và 2 tuổi may mắn được thuyền của anh Tâm cứu trong đêm lũ dữ.

Chị kể, ở vùng rốn lũ Phù Hóa này, cứ mưa là ngập cũng quen rồi nhưng lũ năm nay quá lớn. Đến 9 giờ tối, nước ngập sâu hơn 3m, hai vợ chồng chị phải bồng con, dỡ mái ngói, trèo lên nóc nhà. Lúc đó, mưa lớn, lũ lên mạnh, biết cầu cứu ai, may gọi được lên xã, gặp ông Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa) cầu cứu.

"Thiệt là lúc đó hoảng quá rồi, hai vợ chồng có thể bơi được nhưng hai đứa con nhỏ biết răng được, điện lên xã bảo cố gắng chờ thêm lát nữa mà nước lũ cứ dâng lên không ngừng. Hai vợ chồng đang lúc tuyệt vọng nhất thì thuyền của anh Tâm tới vớt được cả nhà lên trú tạm tại trạm y tế xã. Lúc nớ trời mưa to, mình đang hoảng quá, được cứu rồi mà nước mắt cứ chảy mãi. Đến hôm sau mới biết thuyền của anh Tâm bên thôn Long Châu cứu", chị Lan kể lại.

"Cũng nọ (không) biết cảm ơn anh Tâm như răng nữa. Người như anh Tâm thật đáng quý", chị Hiền chia sẻ.

 Chị Hoàng Thị Lan, thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa gặp lại ân nhân của gia đình sau cơn lũ.
Chị Hoàng Thị Lan, thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa gặp lại ân nhân của gia đình sau cơn lũ.

Ông Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa nhớ lại, thời điểm đó, Phù Hóa đã bị cô lập hoàn toàn rồi. Cứu người dân lúc gặp nạn là trách nhiệm của anh em cán bộ xã nhưng nếu không có anh Tâm nhiệt tình, quên mình vượt lũ cứu được người thì hậu quả không biết sẽ đến như thế nào nữa. Tấm gương của anh Tâm xứng đáng được biểu dương.

Chia tay anh Tâm trong buổi chiều muộn, mọi thứ còn nham nhở sình bùn của cơn lũ dữ, vẫn nụ cười ấm áp mà thân thiện ấy, anh cứ nhắc lại "Có chi mô chú, lũ ngập thì đi cứu người thôi". Cũng có lẽ vậy mà không biết từ khi nào, cái tên Tâm "vớt" được nhiều người dân Phù Hóa gọi một cách trìu mến như thế.

X.Phú

Những đóng góp thiết thực, ủng hộ đồng bào Quảng Bình của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh… sẽ góp phần giúp bà con giảm bớt những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống. Chúng tôi sẽ công khai đầy đủ tất cả mọi sự giúp đỡ (quí danh, số lượng, giá trị) hỗ trợ trên Báo Quảng Bình và chuyển số vật chất, tiền nhận được đến bà con vùng bị thiệt hại nặng do lũ lụt trong thời gian sớm nhất.

Mọi sự ủng hộ xin chuyển về:

Báo Quảng Bình, địa chỉ: đường Trần Quang Khải, TP. Đồng Hới

Điện thoại: 0523.822.529; 0523.850.609; Di động: 0915.272.957, 0903.487.377


hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình

số TK: 10401 000000 5829 - Ngân hàng Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.