.

Công chức tư pháp-hộ tịch cơ sở: Liệu có quá tải về công việc?

Thứ Sáu, 21/10/2016, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Đội ngũ công chức tư pháp-hộ tích làm nhiệm vụ tham mưu và trực tiếp giải quyết nhu cầu pháp lý của người dân ở cơ sở, giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước. Với khối lượng công việc được giao hiện nay các công chức tư pháp - hộ tịch của các xã, phường, thị trấn đang khá vất vả, khó khăn khi đảm đương nhiệm vụ của mình.

 

Để nâng cao năng lực, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã luôn được Sở Tư pháp chú trọng.
Để nâng cao năng lực, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã luôn được Sở Tư pháp chú trọng.

Có mặt ở phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ giao dịch tại UBND xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của công chức Tư pháp - hộ tịch ở đây.

Công chức tư pháp- hộ tịch Trần Thị Hải Lâm bộc bạch: “Anh thấy đó, mới đầu giờ sáng mà đã có rất nhiều người đến đăng ký giải quyết các thủ tục pháp lý”...

Vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Lâm vừa kiểm tra, đối chiếu các loại hồ sơ và không ngừng giải thích, hướng dẫn cho những người dân đến trụ sở UBND chưa thực hiện đúng các thủ tục, quy định pháp lý.

Chị Lâm cho biết thêm, sau khi hoạt động chứng thực được trao cho công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn thì nhiệm vụ của họ lại càng nặng nề. Hàng tuần, họ làm việc tại phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ giao dịch với nhân dân tất cả các ngày. Ngoài ra, còn phải dành thời gian cho các hoạt động tham gia công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tham mưu cho UBND trong việc ra các quyết định quản lý nhà nước...

Theo chị Lâm, một trong những nhiệm vụ khó khăn đối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp cơ sở đó là tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặc dù về nguyên tắc, khi có đơn thư, khiếu nại về lĩnh vực nào thì cán bộ công tác trên lĩnh vực đó chịu trách nhiệm chính, nhưng trên thực tế tại địa phương, cán bộ tư pháp được xem là người am hiểu pháp lý nên việc gì cũng phải làm như: nghiên cứu hồ sơ, tổ chức đối thoại, hòa giải, tham mưu hướng giải quyết. Bởi thế, đối với nhiều trường hợp, người dân không đồng tình với cách giải quyết của chính quyền địa phương thì công chức tư pháp- hộ tịch sẽ là người đầu tiên để họ phản ánh...

Theo số liệu từ Sở Tư pháp, hiện toàn tỉnh có 282 người là cán bộ, nhân viên tư pháp - hộ tịch cấp xã (trong đó có 255 công chức, 27 hợp đồng); số xã, phường, thị trấn có 2 công chức trở lên là 122/159; về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có 202 cán bộ trình độ đại học Luật, 53 trung cấp Luật, 10 đại học khác, 5 trung cấp khác và 1 chưa đào tạo. Qua đánh giá công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã so với mặt bằng chung trong cả nước và khu vực thì, trình độ chuyên môn của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh ta cơ bản đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Có thể nhận thấy rằng, so với các chức danh công chức khác, thì số lượng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh ta đang còn ít, trong khi nhiệm vụ được giao thì nhiều (hiện nay lên đến 15 nhóm công việc), trong đó có những nhóm công việc đòi hỏi kỹ năng và năng lực chuyên môn cao. Ngoài việc phải thường xuyên túc trực tại trụ sở UBND cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch còn phải định kỳ đến tận từng bản làng, tổ dân phố để nắm bắt tình hình, hướng dẫn người dân thực hiện kịp thời một số lĩnh vực như: đăng ký hộ tịch, tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật...

Cũng theo ông Lê, so với những năm trước đây, nhất là từ khi có Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT- BNV-BTC- BLĐTB & XH và các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, số lượng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã dần được tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, theo quy định, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp Luật trở lên, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta còn có một số địa phương công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã vẫn chưa qua đào tạo, có bằng đại học, trung cấp chuyên ngành khác...

Hàng ngày, công chức tư pháp - hộ tịch xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh phải giải quyết rất nhiều việc.
Hàng ngày, công chức tư pháp-hộ tịch xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh phải giải quyết rất nhiều việc.

Ông Lê cũng cho biết thêm rằng, qua khảo sát và nắm bắt tình hình tại cơ sở, hầu hết công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã đều ở trong tình trạng quá tải công việc, họ không đủ thời gian, điều kiện để hoàn thành cùng lúc các nhiệm vụ được giao, chứ chưa nói đến một số đơn vị ở cấp xã có 1 công chức tư pháp- hộ tịch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng tham mưu của công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã thời gian qua chưa cao, chưa kịp thời, vẫn đang còn nhiều tồn tại, thiếu sót xảy ra trong một số lĩnh vực, nghiệp vụ tư pháp...

Để nâng cao năng lực của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ông Lê cho rằng, cần phải tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng và tiêu chuẩn nghiệp vụ; quan tâm tạo điều kiện cho công chức tư pháp- hộ tịch tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong giải quyết các công việc; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã; tăng cường sự phối kết hợp giữa công chức tư pháp- hộ tịch và các công chức chuyên môn khác ở cấp xã.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ làm công tác tư pháp- hộ tịch cấp xã...

Ngọc Hải