.

Bố Trạch: Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Sáu, 28/10/2016, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Bố Trạch luôn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đa dạng hoá các ngành nghề để hỗ trợ người dân thêm cơ hội có việc làm, tăng thu nhập.

Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu do Ban chỉ đạo dạy nghề lao động nông thôn tỉnh giao, Ban chỉ đạo dạy nghề lao động nông thôn huyện đã họp và xây dựng kế hoạch dạy nghề cụ thể. Theo đó, Trung tâm Giáo dục-dạy nghề huyện tổ chức khảo sát, điều tra đối tượng và nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn huyện, nắm bắt những nhu cầu nguyện vọng chính đáng của lao động nông thôn, để tư vấn chọn nghề phù hợp với điều kiện thực tế. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quyền lợi của người học nghề để thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục - dạy nghề huyện Bố Trạch đã mở được 10 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với số lượng học viên tham gia 300 người. Trong đó, trung tâm chú trọng đa dạng hoá các lĩnh vực đào tạo nghề như trồng, chăm sóc khai thác nhựa thông; trồng rau an toàn; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò; nuôi và phòng trị bệnh cho gà; nuôi cá nước ngọt... Bên cạnh đó, trung tâm còn liên kết đào tạo với Trường trung cấp nghề Quảng Bình, tổ chức tuyển sinh các nghề vận hành máy ủi, máy xúc; kỹ thuật chế biến món ăn, tuyển sinh lớp lái xe ô tô hạng B2...

 Đa dạng hoá ngành nghề đào tạo giúp người dân có thêm cơ hội tìm được việc làm.
Đa dạng hoá ngành nghề đào tạo giúp người dân có thêm cơ hội tìm được việc làm.

Nhằm góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho học viên sau đào tạo, Ban chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện đã có kế hoạch chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề. Xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả, không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Đồng thời, tiến hành ký cam kết về với các công ty về tạo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhìn chung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Bố Trạch vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt được còn thấp so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh; quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp; người học nghề chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc học nghề để lập thân lập nghiệp; chất lượng đào tạo một số nghề chưa cao; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện...

Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo nghề nông thôn, huyện sẽ tiến hành khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, xác định danh mục các nghề đào tạo phù hợp với điều kiện của từng địa phương, triển khai và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả; phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở trong việc duy trì số lượng học viên cũng như giải quyết việc làm sau khi học nghề.

Đồng thời, tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn, đáp ứng yêu cầu lao động, giải quyết việc làm và giảm nghèo; từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trong các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển nghề; dạy nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tổ chức dạy lưu động tại các xã, dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc, ưu tiên nhiều cho các buổi thực hành, để khi hoàn thành khóa học người lao động có cơ hội tìm được việc làm và làm tốt nghề được đào tạo.

P.V