.

Bài học rút ra từ cơn lũ: Một chút chủ quan, hậu quả khôn lường

Thứ Năm, 20/10/2016, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Lúc này cơn lũ đã đi qua, bình tâm nhìn nhận lại có thể nhận thấy sự thiệt hại, mất mát của người dân trong tỉnh do trận lũ gây ra quá sức tưởng tượng. Chỉ vì một chút sơ suất, chủ quan mà trong chốc lát lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân trong tỉnh, để lại cảnh tang tóc đau thương trong các vùng quê nghèo xác xơ sau lũ. Điều đau xót nhất ở trận lũ này là  trong số người tử vong có đến 7 trường hợp nằm trong độ tuổi học sinh.

>> Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt ở huyện Tuyên Hóa

Địa bàn có số học sinh chết nhiều nhất là huyện Bố Trạch, trong số 5 người chết, thì có đến 3 học sinh. Đau thương nhất là trường hợp 2 anh em Phạm Hoàng Phương (học sinh lớp 5) và Phạm Anh Tuấn (đang học mẫu giáo), là con của vợ chồng anh Phạm Xuân Thiện và chị Hoàng Thị Dung ở thị trấn Hoàn Lão rời nhà đi lấy sách vở.

Tàu cá bị chìm ở Cảnh Dương
Tàu cá bị chìm ở Cảnh Dương.

Đoạn qua cầu Hói (tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão), do nước ngập sâu, dòng chảy xiết nên 2 anh em Phương và Tuấn đã bị nước cuốn trôi. Người dân gần đó đã kịp thời phát hiện và cứu được em Phạm Anh Tuấn; riêng em Phạm Hoàng Phương bị nước cuốn trôi sau nhiều giờ mới tìm được thi thể.

Em Nguyễn Gia Bảo, sinh năm 2012, thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch;  em Dương Văn Thế, sinh năm 2000, ở thôn 3, xã Đồng Trạch bị lũ cuốn trôi khi đang đi ra khỏi nhà.  Em Hồ Thị Long (13 tuổi), ở bản Rào Con, xã Sơn Trạch,  trên đường đi học khi qua ngầm suối nhỏ để về nhà thì trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi.
Địa bàn huyện Quảng Trạch đã xảy ra vụ chết đuối rất thương tâm. Đó là cháu Trương Hoài Nam, 14 tuổi, học sinh lớp 8, con ông Trương Thanh Đông và bà Hồ Thị Tình trú tại xóm 6, thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, do bị sẩy chân xuống đập Mụ Thao đã bị chết đuối...

Qua báo cáo từ các địa phương, tình hình thiệt hại toàn tỉnh rất lớn, nhất là về người. Toàn tỉnh có đến 21 người chết, 1 người mất tích và 13 người bị thương. Trong số đó có đến 7 trường hợp nạn nhân nằm trong độ tuổi học sinh. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các vụ tử vong trong trận lũ này, được biết hầu hết đều do người lớn sơ suất trong quản lý con em hoặc chủ quan thiếu biện pháp phòng ngừa an toàn khi đi đánh thả lưới bắt cá, đi vớt củi, đi qua các khu vực nước chảy xiết...!

Mặc dù trước khi lũ đến, UBND tỉnh đã có 2 công điện, chính quyền các cấp đã thông báo khẩn trên các phương tiện truyền thông đôn đốc nhắc nhở công tác phòng chống trước 2 ngày. Trong công điện của Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tuyệt đối không để người dân ra sông ra suối vớt củi, thả lưới, đi vào các vùng nước ngập sâu nguy hiểm, không ở lại trên các lồng bè, chòi canh...

Tuy nhiên, nhiều nơi bà con vẫn chủ quan xem thường lũ lụt. Họ vẫn vô tư lội bộ đi thả lưới, đưa thuyền ra sông khi nước đang chảy xiết để bắt cá, vớt củi. Hậu quả của sự chủ quan vô cùng lớn, đã làm chết 3 người do đi thả lưới bị lũ cuốn trôi, 4 người đi qua vùng nước xoáy, một người bị lật thuyền trên sông bị chết đuối...

Ngoài ra có nhiều trường hợp trú ngụ trên các lồng bè, chòi nuôi cá khi lũ về hết sức nguy hiểm. Trong trận lũ này một số hộ dân ở chòi cá của thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường và một số hộ ở xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) do chủ quan ở lại các chòi canh cá bị mắc kẹt, kêu cứu sau một ngày đêm. Rất may lực lượng Công an, Quân sự địa phương đã kịp thời điều động xuồng máy đến ứng cứu đưa về nơi an toàn.

Riêng đối với tàu thuyền đánh cá, sự thiệt hại lần này rất lớn. Hầu hết các trường hợp bị nạn đều do chằng buộc không chắc chắn, thiếu an toàn nên dẫn đến tàu thuyền bị trôi ra biển. Tại cửa sông Roòn thời điểm xảy ra lũ có gần 900 tàu, khu vực Thanh Khê có 800 tàu, khu vực Nhật Lệ có 850 tàu vào neo đậu...

Khi lũ về, đã làm đứt dây neo hơn 40 tàu ở khu vực cửa sông Roòn và 2 tàu tại cửa sông Nhật Lệ trôi ra cửa biển. Trong số tàu bị đứt neo trôi dạt, lực lượng chức năng cứu vớt được 19 tàu, còn lại 16 tàu bị sóng đánh chìm và 5 tàu mất tích. Rất may, trên các tàu cá bị trôi dạt hoặc bị chìm đều không có người.

Từ thực tế các vụ thiệt hại do thiên tai gây ra vừa qua có thể rút ra nguyên nhân chính là, ý thức phòng tránh thiên tai của một bộ phận người dân chưa cao, còn chủ quan mỗi khi lụt bão xảy ra.

Để hạn chế thiệt hại do thiên tai, vấn đề hàng đầu vẫn là thực hiện nghiêm túc sự hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền theo phương châm "4 tại chỗ". Vào mùa mưa bão người dân nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt, ven sông ven suối, nơi có nguy cơ cao xảy ra xói lở đất đá cần phải có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, kê cất tài sản lên cao...

Khi có thông báo lụt bão, người dân phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng tránh như: sơ tán đến nơi an toàn, hạn chế đi lại, nhất là đi qua các  vùng bị ngập, khe suối...Đối với các em học sinh, trẻ nhỏ tuyệt đối không cho ra khỏi nhà và thường xuyên theo dõi, quản lý hoạt động của các cháu, tránh xảy ra trượt chân rơi vào hố nước sâu....

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nước lũ thương tâm mà nguyên nhân do nôn nóng muốn về nhà trong khi nước lũ dâng cao. Bởi vậy, khi đang đi trên đường gặp lũ lớn, cần tìm nơi cao ráo, nhà dân gần đó trú tạm, chờ nước rút mới đi tiếp. Tuyệt đối không nên cố vượt qua đoạn đường nước lũ sâu hoặc qua khe, ngầm tràn...trong khi nước đang chảy xiết.

Một cầu treo ở Minh Hóa bị lũ làm hư hỏng, nguy hiểm cho người qua lại.
Một cầu treo ở Minh Hóa bị lũ làm hư hỏng, nguy hiểm cho người qua lại.

Riêng đối với ngư dân, là đối tượng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai trên biển, cần phải hết sức thận trọng khi ra khơi. Một thực tế hiện nay là còn một bộ phận ngư dân nhận thức chưa đầy đủ, lại có quan niệm sai lầm rằng, đi biển mang theo áo phao, thiết bị cứu sinh là điềm chẳng lành nên nhiều khi chủ quan!

Trong trận lũ lịch sử này, một trường hợp may mắn hy hữu đối với 4 thành viên trên tàu hàng HD-2155 bị chìm ở khu vực Hòn La. Khi tàu bị chìm trên tàu có 5 thành viên, có một người nhanh chóng nhảy lên một tàu gần đó, còn 4 người (gồm thuyền trưởng Lê Bá Hoạt và 3 thuyền viên) bị sóng đánh dạt lênh đênh trên biển. Rất may cả 4 người này đều có áo phao, bám được vào một xuồng bè, sau 40 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển họ đã dạt vào bờ biển xã Ngư Thủy Bắc và được cứu sống.

Nhân đây, cũng cần nhắc đến bài học đau lòng về cái chết của 3 ngư dân xã Đức Trạch (Bố Trạch) ba năm trước tại Cửa Tùng (Quảng Trị) do không có phao cứu sinh. Đây thực sự là bài học xương máu cho các chủ tàu thuyền mỗi khi nhổ neo ra khơi. Bởi vậy, vấn đề hàng đầu của ngư dân là phải trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị an toàn mỗi khi ra khơi.

Ông Hoàng Quốc Thành, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, hàng năm Chi cục đã có tập huấn hướng dẫn phương pháp neo đậu tàu thuyền an toàn cho bà con ngư dân. Theo đó, khi tàu vào neo đậu cần thu gom đưa tài sản lên bờ, đóng chặt cửa ca bin. Khi neo tàu, chú ý mũi tàu phải vuông góc với bờ, dây buộc phải đủ cường độ chịu lực và không buộc dây neo quá căng. Nếu khu vực đậu tàu mật độ lớn cần buộc vài ba tàu vào một khối, giữa các tàu có đệm (lốp ô tô) để chống va đập...

Trọng Thái