.

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: "Quýt" làm "cam" chịu!

Thứ Hai, 26/09/2016, 13:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh ta đã và đang đầu tư học tập, tìm cơ hội việc làm ở Hàn Quốc. Thế nhưng, họ lại phải gánh chịu hậu quả do chính những lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp (BHP) tại Hàn Quốc gây ra. Thực trạng này đã làm cho hàng nghìn lao động ở các vùng quê nghèo điêu đứng, nhiều người vay tiền để học tiếng, nộp lệ phí và chuẩn bị sẵn sàng thủ tục sang Hàn Quốc làm việc đành phải bỏ dở giữa chừng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để tránh tình trạng “quýt làm cam chịu” đối với người lao động.

Hàng nghìn lao động mất cơ hội việc làm

Từ năm 2004, chương trình cấp phép việc làm (EPS) tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Hàn Quốc chính thức khởi động, mở ra cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại thị trường mới mẻ và đầy hấp dẫn này.

Tính từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc đã tiếp nhận hơn 74.000 lao động Việt Nam. Với chi phí các thủ tục chỉ hơn 1.200 USD/người, khi sang làm việc tại Hàn Quốc, mỗi lao động có mức thu nhập từ 1.000 - 1.200 USD/tháng trước đây, và nay ở mức khoảng 30-40 triệu đồng, đã giúp đời sống của nhiều gia đình đổi thay nhanh chóng. Tuy nhiên, mức thu nhập hấp dẫn cũng đã khiến không ít lao động khi hết hạn hợp đồng không về nước, mà ra ngoài cư trú và làm việc BHP.

"Anh Phương khẳng định, việc lao động cư trú BHP ở Hàn Quốc không chỉ làm ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động khác mà chính bản thân những người lao động  đó cũng đang gặp rất nhiều nguy hiểm như:

Họ có thể trở thành nạn nhân của các tổ chức, cá nhân buôn bán lao động, đồng thời khi gặp rủi ro như tai nạn, ốm, chết, bị cướp, giết... đều không được pháp luật nước bạn hỗ trợ và bảo vệ, do cư trú BHP".

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong năm 2015, tỉnh ta có 328 lao động đang cư trú và làm việc BHP tại Hàn Quốc. Trong đó, nhiều nhất là huyện Bố Trạch với 181 lao động và huyện Quảng Trạch là 49 lao động.

Để hạn chế tình trạng lao động cư trú BHP, tháng 7-2016, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã quyết định tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2016 đối với 44 huyện, thị xã, thành phố có nhiều lao động đang bỏ trốn, hoặc lao động BHP tại Hàn Quốc. Trong danh sách này tỉnh ta có hai huyện là Bố Trạch và Quảng Trạch.

Chị Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng Giới thiệc việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh cho biết, việc dừng tuyển lao động tại 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch đã ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh, mất đi nguồn ngoại tệ đáng kể từ thị trường này và mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của hàng nghìn lao động, nhất là số lao động đã học xong tiếng Hàn nhưng chưa được đi và số lao động về nước đúng hạn.

Thực tế từ vài năm trước, Hàn Quốc cũng đã từng có một đợt tạm ngừng tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Quy định này sau đó một thời gian ngắn đã được gỡ bỏ bằng những cam kết ràng buộc của Chính phủ hai nước. Khi nghe tin phía Hàn Quốc tiếp tục tuyển dụng lao động, nhiều thanh niên ở huyện Bố Trạch đã tìm đến các trung tâm để học tiếng Hàn. Nhiều gia đình tại địa phương này đã vay mượn tiền để chuẩn bị cho con em làm các thủ tục XKLĐ qua Hàn Quốc.

Đến tháng 7 vừa qua, phía Hàn Quốc phát đi thông báo 44 huyện, thị xã, thành phố có lao động BHP sẽ không được tiếp tục tuyển dụng mà Bố Trạch nằm trong danh sách đó khiến nhiều lao động ở vùng quê nghèo này lao đao. Em Ngô Thị Quỳnh, ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) buồn bã cho biết, ngay khi có thông báo Hàn Quốc tiếp nhận lao động, em đã đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia kỳ thi tuyển chọn lao động.

Chưa kịp mừng thì cánh cửa xuất ngoại đã vội khép lại khi biết địa phương mình thuộc diện bị ngừng tiếp nhận XKLĐ. Quỳnh kể, gia đình em rất khó khăn, ba mất sớm, một mình mẹ nuôi nấng bốn anh em rất cực khổ. Em luôn muốn nhanh chóng tốt nghiệp cấp 3 để đi XKLĐ kiếm tiền hỗ trợ mẹ. Hiện tại, em đã học tiếng được ba tháng tại trung tâm, để có tiền cho em nộp học phí và chi phí sinh hoạt hằng ngày, mẹ em đã phải vay mượn tiền ở khắp nơi.

“Khi biết mình không thể đi XKLĐ được, em đành chấp nhận chuyển qua đi theo diện du học. Dù đi du học vất vả hơn vì phải vừa học vừa phải tranh thủ làm thêm, thu nhập cũng thấp nhưng không đi thì ở nhà em cũng không biết làm gì để đỡ đần mẹ”, Quỳnh chia sẻ.

Từ khi có thông báo lao động ở Bố Trạch và Quảng Trạch có thể sang Hàn Quốc làm ngư nghiệp, đã có hàng trăm lao động đăng kí tham gia các lớp thi tuyển thuyền viên.
Từ khi có thông báo lao động ở Bố Trạch và Quảng Trạch có thể sang Hàn Quốc làm ngư nghiệp, đã có hàng trăm lao động đăng kí tham gia các lớp thi tuyển thuyền viên.

Không chỉ có lao động ở Bố Trạch mà hàng trăm lao động ở huyện Quảng Trạch cũng phải chịu hệ lụy từ việc lao động tại Hàn Quốc bỏ ra làm ngoài BHP. Em Trần Chí Thành, ở xã Quảng Thuận cho biết, em theo học lớp tiếng Hàn cũng đã hơn hai tháng. Từ khi có lệnh cấm lao động ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch không được đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã có rất nhiều anh chị cùng học tiếng Hàn với Thành bỏ học để về quê tìm kiếm công việc khác.

Riêng Thành vẫn kiên trì, bám trụ lại lớp để học nhưng cũng rất hoang mang và lo lắng. Gia đình Thành rất nghèo, ba mẹ đau ốm liên miên, không có khả năng lao động. Hai tháng học tiếng ở đây em phải đi làm thêm để có tiền nộp học phí và trang trải cuộc sống hằng ngày.

Từ lâu Thành đã muốn được đi XKLĐ Hàn Quốc để kiếm tiền chữa bệnh cho ba mẹ, cũng như tích cóp ít vốn để phát triển sự nghiệp. “Bạn bè cùng học tiếng khuyên em nên về quê nhưng em vẫn cố gắng bám trụ. Biết đâu phía Hàn Quốc sẽ xóa bỏ lệnh cấm để những người như em thực hiện được ước mơ của mình”, Thành tâm sự.

Chính việc vi phạm hợp đồng lao động của một số người đã khép lại cánh cửa đổi đời, thoát nghèo từ XKLĐ của nhiều người dân. Anh Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình (thuộc Sở LĐ-TBXH) cho biết, theo dự kiến, kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức vào tháng 10 tới, toàn tỉnh có khoảng 2.500 lao động tham gia, nhưng do 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch bị cấm nên con số giảm xuống chỉ còn 690 lao động có đủ điều kiện dự thi.

Không chỉ những lao động học xong tiếng Hàn, những lao động thi đậu tiếng Hàn kỳ thi trước và cả những lao động đã về nước đúng thời hạn nhưng thuộc 2 huyện trên đều mất cơ hội đi làm việc trở lại tại Hàn Quốc.

Cần quyết liệt thực hiện các giải pháp

Anh Phương cho biết, để khắc phục khó khăn và hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân các tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển, Bộ LĐTBXH đã làm việc với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, hướng đến việc sẽ tiếp tục tuyển chọn lao động qua Hàn Quốc làm ngư nghiệp đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố nghiêm trọng này. Trong đó, có huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh và 2 huyện Bố Trạch và Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình.

Theo anh Phương, nếu thực hiện được giải pháp này thì đây sẽ là cơ hội tốt để người lao động ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch được qua Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, anh Phương cũng cho hay, đó chỉ là giải pháp tạm thời vì phía Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với những địa phương không giảm được tỉ lệ lao động cư trú BHP vào cuối năm 2016.

Anh Phương khẳng định, việc lao động cư trú BHP ở Hàn Quốc không chỉ làm ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động khác mà chính bản thân những người lao động  đó cũng đang gặp rất nhiều nguy hiểm như: Họ có thể trở thành nạn nhân của các tổ chức, cá nhân buôn bán lao động, đồng thời khi gặp rủi ro như tai nạn, ốm, chết, bị cướp, giết... đều không được pháp luật nước bạn hỗ trợ và bảo vệ, do cư trú BHP.

Nhằm khuyến khích người lao động tự nguyện hồi hương, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTBXH Việt Nam đã ân hạn cho các đối tượng đang sinh sống và làm việc BHP tại Hàn Quốc về nước trước ngày 30-9-2016 sẽ không bị xử phạt hành chính, được tham gia kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn nếu có nguyện vọng.

Và để khống chế được tình trạng lao động cư trú BHP xuống dưới mức 30%, tạo cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc cho các lao động khác, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể đến tận hộ gia đình có con em lao động BHP để tuyên truyền, vận động ký cam kết, kêu gọi con em về nước; niêm yết danh sách lao động BHP tại UBND xã, nêu tên trên hệ thống loa truyền thanh...

Trong thời điểm này, đối với lao động đã học xong hoặc thi đậu tiếng Hàn ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, cần bình tĩnh chờ đợi, không vì nôn nóng mà nghe theo lời dụ dỗ, hứa hẹn giúp đỡ của các đối tượng môi giới, lừa đảo đi Hàn Quốc theo con đường BHP, dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Lan Chi