.

"Vấn nạn" sách tham khảo

Thứ Năm, 15/09/2016, 14:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày đầu năm học mới 2016-2017, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là các khoản thu nộp, thì “vấn nạn” sách tham khảo mà các nhà trường “ép” học sinh phải mua đang tạo ra sự bất bình trong phụ huynh và làm “nóng” lên dư luận xã hội...

Trước ngày khai giảng năm học mới, chúng tôi đã có chuyến đi về với những học sinh làng biển - nơi phải chịu thiệt thòi nhiều nhất sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra. Nhìn những gương mặt thơ ngây tung tăng đến trường, lòng chúng tôi đau đáu một nỗi niềm: liệu rồi những khó khăn trước mắt có ngăn bước chân các em đến trường?

Tại thôn 19-5, xã Quảng Đông (Quảng Trạch), những phụ huynh chúng tôi đã gặp đều chung quyết tâm: dù khó khăn đến mấy cũng sẽ cố gắng hết sức cho con đi học. Để vượt qua giai đoạn cam go này những học sinh làng biển rất mong nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội mà trực tiếp là ngành Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT), vậy mà...

Chị Trịnh Thị Hiền bắt đầu câu chuyện: Vợ chồng tôi có 3 con đang đi học, những năm học trước không phải lo lắng chuyện học hành của con cái vì có thu nhập ổn định từ biển. Nhưng năm học này thì thực sự khó khăn, tôi phải xoay xở vay mượn khắp nơi mới đủ tiền mua sách giáo khoa, bút, vở cho các cháu.

Tưởng như vậy là tạm ổn, chỉ còn phải lo các khoản nộp đầu năm cho nhà trường sau ngày khai giảng. Nhưng ngay trong tuần đầu tiên tựu trường, con trai tôi học lớp 3 đã mang về đủ các loại sách tham khảo và hồn nhiên thông báo tổng số tiền phải nộp cho số sách này là 360.000 đồng. Tôi liền gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để hỏi, thì cô giáo cho biết: đó mới có 8 cuốn, còn 3 cuốn nữa cô sẽ phát sau, tổng cộng có 11 cuốn, nhà trường chuyển về cho các lớp như vậy, cô chỉ có nhiệm vụ phát sách và thu tiền...

“Mấy năm trước các loại sách ni nhà trường cũng bắt mua nhưng có học đến mô, còn một đống đó. Năm ni lo tiền ăn cho cả nhà đã khó, mần chi có tiền mà mua sách tham khảo... Tui cũng như nhiều phụ huynh khác rất bất bình về chuyện ni...” - chị Hiền nói.

Từ câu chuyện của chị Hiền, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, không riêng gì trường vùng biển mà rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đều có chung tình trạng “ép” học sinh mua sách tham khảo.

Chị Phạm Thị Huệ, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) bày tỏ: Con trai tôi năm nay lên lớp 5, trước ngày khai giảng cháu mang về một ba lô sách và bảo cô mới phát. Tôi giở ra xem có 8 cuốn và thực sự không hài lòng chút nào với những danh mục sách tham khảo mà nhà trường bắt mua.

Trong đó có 2 tập luyện viết chữ đẹp do Sở GD - ĐT biên soạn, thậm chí còn có cả luyện viết chữ đẹp Tiếng Anh. “Cháu lên lớp 5 thời gian học bài chính khóa còn chưa đủ, lấy đâu ra mà ngồi luyện viết chữ đẹp...” - chị Huệ bức xúc.

Trong số sách tham khảo mà học sinh tiểu học phải mua còn có cả luyện viết chữ đẹp Tiếng Anh.
Trong số sách tham khảo mà học sinh tiểu học phải mua còn có cả luyện viết chữ đẹp Tiếng Anh.

Cùng chung tâm trạng của các bậc phụ huynh, chị Trần Thị Lệ ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cho hay: Ngày tổng kết năm học 2015-2016 con gái tôi mang về một thông báo ghi tên các loại sách tham khảo nhà trường sẽ bán, phụ huynh không được mua ở ngoài... Tựu trường năm học mới khi con mang sách về, tôi thấy phần lớn không phải là sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Trong đó có cuốn Tài liệu giáo dục địa phương, cuốn này khi cháu vào lớp 1 đã mua và nghe cô giáo nói sẽ dùng trong các năm học, nhưng năm nay cháu mới lên lớp 3 đã phải mua lại.

Khi tôi thắc mắc với cô giáo thì được giải thích, hàng năm có thay đổi bổ sung nên phải mua mới. Nhưng thực sự tôi chẳng thấy có thay đổi gì cả... nên rất lãng phí. Hơn nữa các loại sách tham khảo này đều có giá cao hơn nhiều so với sách giáo khoa. Nếu trong gia đình có từ 2-3 con đi học thì quả là một gánh nặng...

Không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên cũng khá bức xúc về vấn đề sách tham khảo, vì “quyền rơm vạ đá” làm khó giáo viên. Đầu năm học nhà trường bổ đầu học sinh chuyển sách về cho các lớp; nhận một lúc nhiều loại sách phát cho học sinh, chỉ cần sơ sẩy nhầm lẫn là giáo viên phải bỏ tiền túi ra đền. Nhất là khi thu tiền bị phụ huynh phản ứng, phải giải thích cho từng người rất mất thời gian, ảnh hưởng đến các tiết học.

“Hầu hết sách tham khảo, nâng cao không phải của Nhà xuất bản Giáo dục nên không theo thứ tự như trong sách giáo khoa, nếu ở lớp có thời gian muốn luyện tập thêm cho các em theo tài liệu này cũng rất khó...” - một cô giáo dạy lớp 1 chia sẻ.

Qua trao đổi với hiệu trường các trường tiểu học trên địa bàn được biết, vì Sở GD - ĐT có công văn hướng dẫn nên các trường buộc phải đăng ký mua sách qua Phòng GD - ĐT và đến đầu năm học sách được chuyển về cho các trường để phát cho học sinh. “Không nhận được sự đồng thuận từ phía phụ huynh và cả giáo viên nhưng cũng phải thực hiện; năm ngoái nhà trường đã phải bỏ ra hơn 500 nghìn để bù vì có một số học sinh gia đình quá khó khăn không có tiền để nộp. Đầu năm học này có nhiều người phản ứng tại sao nhà trường không để phụ huynh tự lựa chọn mua sách cho con em (kể cả sách học theo mô hình VNEN), chúng tôi rất khó giải thích...

Trên thực tế không chỉ phụ huynh học sinh mà đội ngũ giáo viên cũng bị làm khó trong vấn đề tài liệu tham khảo. Ví như nhiều năm nay đội ngũ giáo viên của huyện Quảng Trạch cũ (nay là thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch) buộc phải đặt mua cuốn “Thế giới trong ta”, mỗi tháng một số (15.000 đồng/cuốn). Nhiều giáo viên phản ứng vì cho rằng tất cả các trường đều được kết nối internet, cần gì đều có trên mạng, tại sao phải lãng phí tiền để mua tài liệu này?

Cuốn “Thế giới trong ta” được xuất bản hàng tháng nhưng có khi số ra từ tháng 4, 5 nhưng phải đến tháng 7, 8 mới về đến tay giáo viên, biết là bất hợp lý nhưng hàng tháng cũng phải trích lương để trả cho cuốn sách vô bổ này” - thầy Nguyễn Khắc Tiến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Minh B, thị xã Ba Đồn thẳng thắn nói.

Chúng tôi đã tiếp cận với Công văn số 949/SGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn chuẩn bị sách, tài liệu dạy và học năm học 2016-2017, cấp tiểu học, do bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT ký ngày 6-5-2016 gửi Trưởng phòng GD- ĐT các huyện, thị xã, thành phố đề nghị các Phòng GD - ĐT chỉ đạo và hướng dẫn các trường có học sinh tiểu học thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những nội dung yêu cầu.

Trong công văn của Sở đề cập những vấn đề cụ thể như: Đối với sách giáo khoa của học sinh, toàn tỉnh triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục, dạy Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch (từ lớp 1 đến lớp 5) và dạy Tin học theo tài liệu mới, phụ huynh đăng ký mua cho con em tại trường để bảo đảm tính thống nhất trong toàn tỉnh. Đối với vở ghi và đồ dùng học tập của học sinh, hướng dẫn cho phụ huynh lựa chọn vở, đồ dùng học tập bảo đảm chất lượng (khuyến khích sử dụng sản phẩm vở, bút,... của VPP Hồng Hà)...

Cùng với Công văn số 949 của Sở được đính kèm bản “Đăng ký mua hồ sơ quản lý và tài liệu dạy và học năm học 2016-2017” danh mục bao gồm khoảng 100 đầu sách, tài liệu, vở luyện viết... các loại, với yêu cầu thống nhất trong toàn tỉnh và phải bảo đảm mỗi học sinh một cuốn... Trong bản đăng ký này ở danh mục Hồ sơ chuyên môn có 10 loại tài liệu, trong đó có những tài liệu không ăn nhập gì như: Tạp chí GDTH, Tạp chí văn học tuổi trẻ, Báo Nhi đồng chăm học...  cũng được yêu cầu mua mỗi lớp từ 3-5 cuốn/số. Như vậy liệu ở đây còn có điều gì đó không bình thường như nhiều người đã nhận định?

Trao đổi về vấn đề này ông Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD - ĐT cho biết: Đúng là Sở đã có Công văn số 949 về việc hướng dẫn chuẩn bị sách, tài liệu dạy và học năm học 2016-2017, cấp tiểu học, gửi Trưởng phòng GD - ĐT các huyện, thị xã, thành phố. Trong công văn hướng dẫn có mục chưa cụ thể nên đã gây hiểu nhầm, làm cho các trường tiểu học ồ ạt đăng ký mua sách, tài liệu tham khảo...   tạo nên sự bất bình trong phụ huynh những ngày vừa qua. Sở sẽ có hướng xử lý kịp thời vấn đề này để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho phụ huynh và học sinh trong năm học mới 2016-2017.

Cơn bão Formosa đã giáng một đòn chí mạng lên ngư dân nói riêng và người dân tỉnh ta nói chung. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đang gồng mình để vượt qua thời điểm cam go này, hy vọng rằng ngành GD - ĐT cũng sớm có những động thái tích cực để đỡ bớt gánh nặng đang đè lên vai người dân tỉnh nhà.

Không chỉ đối với cấp Tiểu học, mà ngày 30-3-2016, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT cũng đã ký Công văn số 517/SGDĐT-GDMN về việc hướng dẫn sử dụng học liệu GDMN năm học 2016-2017, gửi Trưởng phòng GD- ĐT các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu Phòng GD - ĐT huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các trường mầm non thực hiện nghiêm túc những nội dung của công văn, đính kèm “Danh mục tài liệu năm học 2016-2017” với trên 100 đầu sách, tài liệu, đĩa DVD, đồ chơi... cùng yêu cầu các đơn vị gửi bản tập hợp nhu cầu sử dụng tài liệu năm học 2016-2017 về Sở trước ngày 10-5-2016.

Theo một chuyên gia trong ngành Giáo dục tiết lộ, chỉ riêng ở cấp Tiểu học với 70.000 học sinh toàn tỉnh, trung bình mỗi em khoảng 8-9 cuốn sách tham khảo, sẽ tính ra số tiền mà các bậc phụ huynh trong tỉnh phải gánh không hề nhỏ.

Nội Hà