.

Hiệu quả chương trình tín dụng học sinh, sinh viên

Thứ Sáu, 30/09/2016, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục tiêu giảm tỷ lệ học sinh thất học, sau nhiều năm thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV), nhờ nỗ lực của mạng lưới Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) các địa phương, những đồng vốn chính sách này đã giúp hàng triệu bạn trẻ được tiếp tục đến trường, nối tiếp khát vọng và ước mơ học tập.

Nhiều biện pháp đồng bộ để giải ngân vốn vay

Gần 10 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần  Văn Tài, Giám đốc NHCSXH Quảng Bình cho biết, từ khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV có hiệu lực thi hành (1-10-2007), đến nay Chi nhánh đã thực hiện giải ngân hơn 1.068 tỷ đồng, với 126.971 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Để đạt được kết quả trên, NHCSXH Quảng Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hội nghị triển khai về tín dụng đối với HSSV tới các cấp chính quyền, các ban, ngành và các tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền sâu, rộng chủ trương, chính sách đến nhân dân, HSSV; thông qua đội ngũ cán bộ tổ chức hội nhận dịch vụ ủy thác và các tổ tiết kiệm và vay vốn để phổ biến trực tiếp tại các địa bàn dân cư; niêm yết công khai chủ trương, chính sách tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; phát tờ rơi và thiết lập “đường dây nóng” tại chi nhánh NHCSXH và các phòng giao dịch... chính sách này đã đến được từng thôn xóm, từng hộ gia đình.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV khi sử dụng vốn vay và hỗ trợ cho gia đình khi vay, chuyển tiền cho HSSV không phải chịu chi phí, NHCSXH Quảng Bình đã phối hợp các ngân hàng khác tổ chức triển khai, hướng dẫn việc mở thẻ ATM cho HSSV tới các tổ tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ lợi ích thiết thực của việc giải ngân qua thẻ ATM.

Thực hiện phương châm “Giao dịch tại xã, giải ngân tận hộ”, NHCSXH Quảng Bình cùng với các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công khai, dân chủ việc xét chọn đối tượng vay; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để khắc phục, đồng thời triển khai kịp thời, nghiêm túc việc tổ chức thu lãi hàng tháng đối với các hộ gia đình có điều kiện, tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn, nhằm tạo ý thức trả nợ dần cũng như giảm áp lực trả nợ cho người vay khi đến hạn. Ngân hàng cũng đã thực hiện chính sách giảm lãi tiền vay cho các trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi con đường tương lai rộng mở

Lệ Thủy là một trong những địa phương có tỷ lệ HSSV vay khá cao. Một ngày cuối tháng 9 theo chân cán bộ NHCSXH huyện Lệ Thủy, chúng tôi ghé thăm gia đình em Nguyễn Thị Phường ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Chị Lê Thị Bông, mẹ của em Phường vẫn không thể quên được thời gian đầy khó khăn và vất vả mà gia đình đã trải qua. Chị Bông cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc dạng hộ nghèo trong xã. Được sự tư vấn, hỗ trợ của tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi tín dụng từ chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập cho hai cháu theo học đại học. Hiện nay cháu Nguyễn Văn Trung đã ra trường và làm việc tại Công ty dầu khí, còn cháu Nguyễn Thị Phường, mới bắt đầu đi làm từ đầu tháng 8 năm 2016. Công việc của các cháu ổn định, đời sống của gia đình tôi dần khấm khá lên. Tôi luôn trả nợ cho ngân hàng đều đặn, dự kiến khoảng 3-4 năm nữa gia đình tôi sẽ trả hết nợ cho ngân hàng”.

Bố mẹ em Nguyễn Thị Phường ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) vui mừng khi nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội mà con cái được học hành tới nơi tới chốn và tương lai tốt đẹp hơn.
Gia đình em Nguyễn Thị Phường ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) vui mừng khi nhờ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội mà con cái được học hành tới nơi tới chốn và tương lai tốt đẹp hơn.

Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà ba người con của ông Nguyễn Anh Định ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy đã học xong đại học và có việc làm ổn định. Ông Định tâm sự: ông làm thợ xây, lương không ổn định, mấy năm trước vợ mất, một mình nuôi con và lo cho con ăn học, hoàn cảnh quá khó khăn, nếu không có nguồn vốn vay này, chắc các con ông không theo học được. Bây giờ công việc và cuộc sống của các con ông đã ổn định, còn 3 năm nữa là hết hạn trả nợ, ông sẽ cố gắng trả đúng kỳ, đúng hạn, không để lại nợ xấu cho ngân hàng.

Nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên đã tốt nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 09 đối với sinh viên Y khoa sau tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành y đang trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH nếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình gặp khó khăn về tài chính. Đây được coi là chính sách rất nhân văn, nối dài nguồn vốn tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng HSSV,  các ngân hàng cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Chương trình có đối tượng vay rộng, mang tính đặc thù cao, cho vay đến từng hộ gia đình với những món vay nhỏ lại tập trung mỗi kỳ vào khoảng 2 tháng và mức vay thay đổi từng thời kỳ nên cán bộ NHCSXH phải làm thêm ngoài giờ nhiều; việc thu nợ chia làm nhiều lần và ưu tiên giảm lãi cho những hộ vay trả nợ trước hạn nên việc theo dõi của NHCSXH cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Ngoài ra, việc thống kê nắm bắt số lượng HSSV thuộc đối tượng vay vốn là công việc khó khăn, phức tạp, vào các kỳ tuyển sinh, học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng tại các trường, các địa phương trong cả nước dẫn đến việc kế hoạch hoá nguồn vốn cho vay nhiều khi bị động.

Không những thế, việc xác nhận cho HSSV vay vốn tại nhiều trường còn chậm khiến cho việc thực hiện hồ sơ vay vốn kéo dài, ngân hàng khó chủ động được kế hoạch. Một số nơi vẫn còn xác nhận chưa đúng thẩm quyền, thông tin trên mẫu còn để HSSV tự khai, thiếu tính chính xác hoặc khai không đầy đủ (thiếu mã trường, mã sinh viên, không xác định rõ thời gian kết thúc khoá học...) khiến cho việc khai báo thông tin HSSV tại ngân hàng rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc quản lý, thống kê số liệu, xác định kỳ hạn trả nợ...

Dựa trên những vấn đề thực tế gặp phải trong quá trình thực hiện chương trình, các ngân hàng đều mong muốn các tổ chức xã hội, đoàn thể, các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa để việc giải ngân cũng như thu nợ đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó Nhà nước, Chính phủ có thể xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ gia đình có từ 2 con đang đi học trở lên, tạo điều kiện giúp các hộ gia đình giải tỏa được gánh nặng về tài chính.

Nhưng trên hết, các ngân hàng đều xác định cố gắng thực hiện tốt nhất công tác giải ngân để chương trình nhân văn này đến được với đông đảo những gia đình thực sự có nhu cầu, góp thêm niềm tin của người dân vào những chính sách an sinh thiết thực của Đảng, Nhà nước.

“Với chúng tôi, công việc này không chỉ là một nhiệm vụ mà đó còn là một cách để góp phần mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho những sinh viên nghèo đang khát khao thoát nghèo bằng con đường học tập. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp cao hơn nữa của các cấp, các ngành, chính quyền và cả cộng đồng trên mọi miền đất nước“, ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình bày tỏ.

Hiền Phương