.

Các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ

Thứ Tư, 21/09/2016, 16:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và không khí lạnh tăng cường, trong đêm 20 và ngày 21-9, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có mưa to đến rất to.

. Minh Hóa: Mưa lũ gây sạt lở đất và chia cắt ở xã Trọng Hóa

Mưa lớn đã làm cho nước sông, khe, suối trên địa bàn huyện Minh Hóa dâng cao khiến việc đi lại của bà con bị ảnh hưởng.

Một đoạn đường ở xã Trọng Hóa bị lũ ngập sâu
Một đoạn đường ở xã Trọng Hóa bị lũ ngập sâu.

Đặc biệt, tuyến đường vào Lòm ở xã Trọng Hóa tiếp tục bị sạt lở đất rất nghiêm trọng, nước ở các khe suối dâng cao khiến nhiều đoạn bị chia cắt, làm cô lập hàng trăm hộ dân. Tính đến 3 giờ chiều ngày 21- 9, trên địa bàn huyện vẫn xuất hiện những trận mưa lớn và có nguy cơ xảy ra lũ lụt.

Hiện, các cấp chính quyền và bà con nhân dân đang tập trung tích trữ lương thực, nước uống để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu xảy ra.

Xuân Vương

. Tuyên Hoá: Triển khai nhiều biện pháp ứng phó với mưa lớn
 

Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to từ rạng sáng đến chiều 21-9.

Đỉnh điểm, vào lúc 10 giờ ngày 21-9-2016, lượng mưa đo được ở trạm Đồng Tâm là 11 mm, mực nước đạt 920 cm (vượt mức báo động I là 220 cm); lượng mưa đo được ở trạm Mai Hoá là 32 mm, mực nước đạt 265 cm (gần đạt mức báo động I).

Mực nước trên sông Gianh đang tiếp tục lên.
Mực nước trên sông Gianh đang tiếp tục lên.

Để đối phó với mưa lớn, UBND huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng kiểm soát tại các bến đò ngang, ngầm, tràn và những đoạn đường ngập nước sâu để hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn cho cả người, phương tiện; kiên quyết ngăn chặn không cho người, phương tiện qua lại những nơi có dòng nước xiết; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết để triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai...   

Được biết, trong đợt bão và hoàn lưu bão số 4 mới đây, trên địa bàn huyện Tuyên Hoá có 325 nhà dân bị ngập lũ (gồm các hộ dân ở những xã Thanh Hoá, Thanh Thạch, Châu Hoá, Đồng Hoá). Ngoài ra, bão và hoàn lưu bão số 4 còn làm ngập 45,2 ha lúa và 50,25 ha ngô cùng nhiều ha khoai lang, lạc, sắn, dâu, rau, màu các loại; các tuyến đường giao thông đường liên thôn, liên xã ở địa bàn bị xói lở và cuốn trôi khoảng 1.198m chiều dài đất, đá, bê tông các loại... Tổng thiệt hại ước tính hơn 7 tỷ đồng.

Văn Minh

. Lệ Thủy: Mực nước sông Kiến Giang lên mức báo động 1

Tại Lệ Thủy, đến thời điểm 15 giờ ngày 21-9, mực nước trên sông Kiến Giang đã lên mức báo động I.

Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, ngay trong sáng ngày 21-9, Ban chỉ huy PCLB huyện đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp.

Nhận định mưa lớn kèm theo gió mạnh vẫn diễn biến bất thường nên Ban chỉ huy PCLB huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, đặc biệt tình mưa lũ tại các điểm trường thường bị ngập lụt, vùng có nguy cơ bị chia cắt để chủ động các phương án cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm an toàn.

Thông tin từ UBND huyện đến cuối giờ chiều ngày 21-9, trên địa bàn Lệ Thủy chưa có thiệt hại nào đáng kể do mưa lũ gây ra.

Nguyễn Hoàng