.

Ánh trăng biên giới- cho để nhận yêu thương

Thứ Năm, 15/09/2016, 10:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã ba cái tết Trung thu, Câu lạc bộ thanh niên vận động hiến máu tình nguyện (CLB TNVĐ HMTN) Quảng Bình dành tất cả yêu thương cho trẻ em dân tộc vùng cao thông qua chương trình “Ánh trăng biên giới - Sẻ chia yêu thương”, đưa trung thu lên với vùng cao, vùng biên giới. Ngoài việc tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, các tình nguyện viên (TNV) trong CLB còn gửi đi một thông điệp rất nhân văn: Cho... để nhận yêu thương!

Nhặt ve chai gây quỹ

Khởi đầu, chương trình “Ánh trăng biên giới - Sẻ chia yêu thương” được tổ chức tại trung tâm xã Thượng Trạch, năm 2014. Từ đó hàng năm mỗi dịp Tết Trung thu, Ban chủ nhiệm CLB quyết tâm thực hiện bằng được ít nhất một chương trình đón Tết Trung thu cho các em thiếu nhi vùng cao. “Ánh trăng biên giới - Sẻ chia yêu thương” lần thứ II tiếp nối tại bản Eo Bù - Chút Mút, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Nhưng phía sau những chương trình rất nhân văn này là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của các bạn TNV trong CLB.

Có lẽ nhiều thực khách và chủ nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Đồng Hới không còn lạ lùng về hình ảnh thường thấy vào các ngày thứ 7, chủ nhật: một nhóm bạn trẻ trong màu áo đỏ đồng phục có in logo CLB TNVĐ HMTN Quảng Bình, một CLB trực thuộc Hội CTĐ Quảng Bình đảm nhận công tác tuyên truyền, vận động HMTN và trực tiếp cho máu khẩn cấp cứu người tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới, tiếp xúc với chủ quán và xin vỏ chai, vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt với lý do rất dễ thương “bán lấy tiền tổ chức trung thu cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới”. Tất nhiên từ lý do rất xác đáng này, chủ nhà hàng, khách sạn, quán ăn phần lớn đều vui vẻ hỗ trợ.

 Đội lân của CLB phục vụ cho trẻ em và đồng bào Ma Coong bản Cờ Đỏ.
Đội lân của CLB phục vụ cho trẻ em và đồng bào Ma Coong bản Cờ Đỏ.

Phó chủ nhiệm CLB Mai Thanh Phúc chia sẻ: “Khi các bạn trong CLB gặp nhau chuẩn bị trung thu cho trẻ em dân tộc thiểu số, ngoài sự đồng cảm, sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tình thương thì chỉ có hai bàn tay trắng. Ban chủ nhiệm CLB quyết định thành lập tổ vận động, quyên góp, đi xin kinh phí thông qua các mối quan hệ, thông qua cộng đồng mạng xã hội facebook. Và nguồn quỹ chủ yếu là từ hoạt động thu gom ve chai, vỏ lon bia, lon nước ngọt. Cứ tích tiểu thành đại, đến sát ngày tổ chức, kinh phí cũng hòm hòm đủ. Ngoài công tác vận động kinh phí, các TNV còn tích cực chuẩn bị chương trình văn nghệ, nhảy dân vũ, tập múa lân. Để tiết kiệm chi phí, CLB quyết định tự làm đèn lồng rồi bán gây quỹ từ thiện”.

Mỗi chương trình “Ánh trăng biên giới - Sẻ chia yêu thương” cần một khoản kinh phí từ 30 đến 50 triệu đồng tùy vào số lượng quà, bánh trung thu và số lượng trẻ của các bản làng vùng sâu, vùng xa. Nhưng trên tất cả đó là tấm lòng thiện nguyện của các bạn trẻ trong CLB TNVĐ HMTN Quảng Bình.
 
Trung thu ấm tình người

Bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch có 78 hộ đồng bào dân tộc Ma Coong, trong đó gồm 120 cháu nhỏ ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 10-9-2016, 42 TNV của CLB TNVĐ HMTN Quảng Bình sau gần 5 tiếng đồng hồ di chuyển từ Đồng Hới lên có mặt tại sân Trường TH số 2 Thượng Trạch, đứng chân trên địa bàn bản.

Khi các TNV chuẩn bị mọi mặt cho đêm Trung thu yêu thương là lúc bà con dân bản, trẻ em hay tin lần lượt kéo đến chật kín cả sân trường. Những hạt nhân văn nghệ CLB tập hợp các em lại bắt đầu một chương trình ca nhạc tạp kỹ ngoài dự kiến. Đinh May, học sinh lớp 4 khi được tôi hỏi về Tết Trung thu, em lắc đầu “Không biết!”. Mà quả thật, chưa bao giờ trẻ Ma Coong ở các bản xa xôi Cờ Đỏ, Chăm Pu, Aky, Nôồng Mới, Nôồng Cũ... của xã Thượng Trạch biết Trung thu là gì. Thỉnh thoảng những đoàn tình nguyện ghé thăm, các em thêm chút bánh kẹo, hộp sữa, thế là vui lắm rồi!

Thầy giáo Hoàng Đức Cường, tình nguyện lên bám bản dạy học tại Thượng Trạch từ năm 2004, 13 năm cắm các bản Cóc, Cà Roòng, Nôồng Cũ, Chăm Pu, 61, Cờ Đỏ... chân tình: “Trung thu là điều gì đó xa vời với trẻ em Ma Coong. Ngoài thời gian đến trường trằn mình cùng con chữ, học tiếng Kinh, học từng phép tính, chúng chỉ biết chân đất, đầu trần ra sông, ra suối bắt cá hoặc theo bố mẹ lên nương rẫy. Ngay cả thầy cô giáo, ở với đồng bào lâu quá, nhiều lần cũng quên mất khái niệm Tết Trung thu, chị Hằng, chú Cuội”.

Đêm Trường Sơn xuống nhanh, bản Cờ Đỏ không đường, không điện, không chợ, không sóng điện thoại... cảm giác co lại giữa núi rừng. Xa xa, nơi mấy lối đi độc đạo, ánh đèn bin quét dọc, quét ngang. “Đồng bào đưa con em mình đến vui Trung thu đó anh!” - thầy giáo Võ Anh Tuân, Hiệu trưởng Trường TH số 2 Thượng Trạch bảo tôi. Thoáng chốc, khoảng sân trường đã ken đầy người.

Đêm Trung thu ấm tình bắt đầu dưới ánh đèn lúc sáng, lúc mờ được phát từ chiếc máy nổ cà tàng, tài sản quý nhất của thầy cô giáo và dân bản Cờ Đỏ. Mâm cỗ Trung thu mở ra, chú Cuội, chị Hằng xuất hiện trong tiếng hò reo trẻ nhỏ. 120 chiếc đèn ông sao và những phần quà Trung thu được các TNV trao tận tay từng trẻ. Giữa tiếng trống thúc giục, ông Địa tay cầm quạt mo dẫn hai chú lân lừng lững tiến về trước khán đài. Màn lúa lân được các TNV tập khá công phu trước đó bây giờ mới có cơ hội phát huy sở trường. Cả sân trường rạo rực hẳn lên, tiếng vỗ tay cổ vũ mỗi lần các chú lân phun ra từng ngọn lửa sáng rực... Tiếng trống dứt, hai chú lân lui vào hậu trường khá lâu mà cô bé Y Tiêng vẫn cứ ngồi bần thần, gương mặt đầy vẻ tiếc nuối. “Thích không?” - Tôi hỏi. Cô bé gật đầu: “Thích lắm! Các chú biểu diễn lại cho mọi người xem đi” - Y Tiêng đề nghị - “Lần đầu tiên cháu biết đến cái Tết Trung thu như thế này, vui, nhớ mãi không quên”.

Già làng Đinh Huôn, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thượng Trạch tấm tắc: “Giá như các cháu lo được cho 18 bản đồng bào, trẻ em bản nào cũng có Trung thu như thế này thì hay quá. Cả đời miềng chưa thấy tận mắt múa lân chứ nói gì đến bọn trẻ. Năm sau cố gắng lên lại nhé!”

Ừ! Năm sau cố gắng lên lại, không dám hứa trước với lũ trẻ, với già Đinh Huôn, với đồng bào, nhưng CLB TNVĐ HMTN Quảng Bình sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Ánh trăng biên giới - Sẻ chia yêu thương” bằng những cái Tết Trung thu ấm áp tình người nơi biên giới xa xôi. Vì ở đây chúng tôi cho đi... là để nhận lại yêu thương.

Ngô Thanh Long